Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 1 năm 2018 | 4:38

Dạy nông dân học làm du lịch: Việc không đơn giản

Nằm trong chương trình xây dựng thị xã văn hóa-du lịch giai đoạn 2003-2020, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có 20 hộ dân làm du lịch cộng đồng “Homestay”, tập trung tại bản Đêu, xã Nghĩa An và bản Sà Rèn, Chao Hạ, bản Xa của xã Nghĩa Lợi. Đa số những hộ làm du lịch đều gặp khó khăn trong ngôn ngữ và chưa hiểu thói quen sinh hoạt, sở thích của du khách. Do vậy, việc tổ chức đào tạo kỹ năng về giao tiếp, ngoại ngữ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch cộng đồng là điều thị xã Nghĩa Lộ đang rất chú trọng.

Bà Loan hướng dẫn du khách làm món nem rán.

Khan hiếm hướng dẫn viên du lịch lành nghề!

Gia đình anh Lò Văn Bình ở bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi là hộ đón được nhiều du khách nước ngoài. Trung bình mỗi tuần gia đình đón 3 - 5 đoàn khách, chủ yếu đến từ Anh, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan... Thu nhập từ mô hình du lịch cộng đồng của gia đình anh gần 100 triệu đồng/năm.

 Anh Bình chia sẻ: Lúc mới làm mô hình du lịch cộng đồng, vợ chồng tôi cũng lo lắng, sợ nhất là không biết ngoại ngữ và không hiểu được thói quen của người nước ngoài. Nhưng nhờ sự trợ giúp của phiên dịch viên đồng hành nên gia đình đã hiểu được du khách muốn gì và tận tình phục vụ.

Để mô hình du lịch cộng đồng của gia đình là điểm đến “lý tưởng, thân thiện”, anh Bình chủ động đăng ký tham gia 1 khóa học về du lịch cộng đồng do Ban quản lý dự án chương trình phát triển năng lực du lịch tổ chức và tham gia lớp học tiếng Anh về hướng dẫn du lịch được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ. Không chỉ vậy, anh còn đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, như Mai Châu (Hòa Bình), Sơn La. Qua tìm hiểu, anh nắm rõ hơn về cách thức du khách sinh hoạt, ăn, ngủ tại gia đình và sở thích trải nghiệm sống với đúng nếp sinh hoạt sẵn có của người bản địa giúp du khách có cảm giác thoải mái nhất khi đến với gia đình.

Để duy trì số lượng khách du lịch đến với gia đình mình, anh Bình chủ động liên kết với các công ty lữ hành trong nước và được tư vấn về các điều kiện thiết yếu làm du lịch cộng đồng  như: cải tạo nhà ở, sắp xếp các phòng ngủ sạch sẽ, chuẩn bị thực đơn các món ăn đặc trưng của người Thái và những bộ trang phục truyền thống phục vụ du khách lưu lại những kỷ niệm...

Gia đình bà Hoàng Thị Loan là 1 trong 9 hộ ở bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi tham gia dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”. Được nhiều du khách nước ngoài tìm đến vì điểm hấp dẫn của Homestay nằm ở phong cảnh đẹp, lãng mạn, tầm nhìn mở, thoáng, thuận tiện cho đi lại tham quan toàn bộ phong cảnh bản làng dân tộc Thái và ngắm cảnh đẹp dọc con suối Thia thơ mộng nhưng theo bà Loan thế vẫn là chưa đủ để “níu chân” khách du lịch quốc tế quay lại.

Điều “đau đầu” nhất đối với bà Loan chính là nguồn nhân lực. Ngay chính bản thân bà Loan vẫn chưa hề có kinh nghiệm hay kỹ năng làm du lịch nào. Khâu tuyên truyền, quảng bá chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của một công ty du lịch lữ hành tại TP.Hồ Chí Minh.

Bà  Loan cho biết: Hiện tại, bà không biết tiếng Anh, Pháp và không thành thục các kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Những nhân viên còn lại đều là anh chị em họ hàng, họ chủ yếu là nông dân hoặc làm các nghề phụ khác như đi rừng, lấy củi..., “khi gặp khách nước ngoài chỉ biết cười và rót nước mời”. Vì vậy, bà phải thường xuyên “túc trực” ở nhà, đề phòng trường hợp khách du lịch đến lại không có ai để giao tiếp, đón khách. Bà Loan còn học làm tiệc Buffet theo yêu cầu của du khách.

Bà Loan bày tỏ mong muốn có cơ hội được học hỏi, trau dồi thêm nghiệp vụ du lịch, để sau này nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ.

Nâng cao kỹ năng làm du lịch

Từ việc thấu hiểu “khó khăn” của các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, năm 2016, thị xã Nghĩa Lộ đã đăng cai tổ chức chương trình “Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội”. Học viên là cán bộ quản lý văn hóa du lịch, các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng và những hộ đang có kế hoạch đầu tư làm du lịch cộng đồng đến từ 8 tỉnh khu vực Tây Bắc. Chương trình tập trung nâng cao kỹ năng làm du lịch, học hỏi thêm kỹ năng giao tiếp, vệ sinh môi trường và giúp các học viên tìm hiểu thêm tiềm năng thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho Tây Bắc. Cũng trong năm 2016, thị xã còn tổ chức hẳn một cuộc thi “Duyên dáng thuyết minh viên du lịch Mường Lò” và các hoạt động đạp xe hưởng ứng môi trường, an toàn giao thông; từ thiện, quảng bá hình ảnh người thiếu nữ và nét đẹp văn hóa vùng Mường Lò.

Bà Hà Thị Vân, Trưởng phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: Những năm gần đây, du lịch cộng đồng của thị xã đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là người làm du lịch là không có chứng chỉ chuyên môn, không biết ngoại ngữ, khó khăn trong việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm tới khách du lịch nước ngoài. Chính vì vậy, thị xã đã tổ chức khai giảng lớp tiếng Anh phát triển du lịch cho 30 học viên là chủ các hộ làm du lịch cộng đồng, cán bộ, công chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Cũng theo bà Vân, hiện thị xã đã thu hút được gần 50 công ty lữ hành trong nước và quốc tế đưa khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và hỗ trợ thị xã đào tạo kỹ năng làm du lịch cho một số hộ gia đình có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Thị xã đã triển khai các dự án, chương trình hỗ trợ du lịch tập trung hơn vào việc đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế nhiều mặt này, thay vì thường chỉ chú trọng vào xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng như hiện nay.

Từ thực tế tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng ở thị xã Nghĩa Lộ thấy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng không chỉ là nâng cao kỹ năng, kiến thức mà còn trang bị cả sự tự tin, động lực, đam mê cho mỗi người dân khi tham gia thực hiện. Có như vậy, thị xã Nghĩa Lộ mới thực sự là điểm đến của du khách quốc tế.

Nguyễn Nhật Thanh

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top