Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 10 năm 2021 | 10:19

Để có giá lợn hơi hợp lý: Cơ quan chức năng không thể chỉ... phát biểu!

Hôm nay một giá, ngày mai một giá, nhưng không phải là tăng, mà giá lợn hơi cứ liên tục “lao dốc”. Giá lợn hơi xuống thấp, giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi gánh nỗi lo “cầm lỗ”.

Lợn nhai... sổ đỏ

Từ đầu năm 2021 đến nay, do dịch tả lợn châu Phi đã phần nào được kiểm soát, một số hộ dân chăn nuôi ở xã Đông Tảo (Khoái Châu - Hưng Yên) bắt đầu tái đàn. Nhưng thời điểm này, bà con đang gặp phải khó khăn, đó là giá lợn hơi mỗi ngày mỗi giảm, trong khi lợn đã đến thời điểm xuất chuồng.

Anh Lê Hồng Trường (thôn Thống Nhất, xã Đông Tảo) cho biết,  đầu năm 2021, anh bắt đầu tái đàn lợn, với số lượng ban đầu khoảng 30 con. Đến thời điểm hiện nay, mỗi con lợn đạt 130kg, đủ trọng lượng xuất chuồng, nhưng giá lợn hơi lại xuống quá thấp, nên người chăn nuôi như gia đình anh đang khốn đốn vì chi phí quá lớn, lợi nhuận thu về thì âm.

Theo anh Trường, mỗi hôm thương lái đến trả giá lợn hơi một khác, nhưng giá không tăng mà lại giảm liên tục. Đầu tiên là giá 33.000 đồng/kg, sau đó giảm còn 32.000 đồng/kg, rồi đến 30.000 đồng/kg. Không bán thì không chịu được chi phí chăn nuôi, mà bán thì giá lợn thấp quá, để sẽ lỗ thêm nên  đành bán với giá 30.000 đồng/kg”

“Tính toàn bộ chi phí, mỗi con lợn lỗ gần 3 triệu đồng. Lứa lợn vừa rồi tôi bị lỗ khoảng 50-60 triệu đồng”, anh Trường nói.

Anh Nguyễn Văn Lượng ở cùng xã Đông Tảo cho biết: Gia đình có 40 con lợn đã đến thời điểm xuất chuồng, nhưng giá lợn hơi bây giờ xuống thấp quá, số tiền lỗ tôi phải gánh ước khoảng 150 triệu đồng.

“Cả trăm con lợn đã quá thời hạn xuất chuồng mà chưa thể xuất được, trong khi hàng ngày vẫn phải cho chúng ăn, nhìn chúng nó ăn cám mà lòng tôi như thắt lại vì cứ nghĩ chúng đang nhai… sổ đỏ”, bà Vũ Thị Thắm, người chăn nuôi tại Thái Nguyên đang phải cầm cố sổ đỏ tại ngân hàng cho biết.

 

123.jpg
 Giá lợn hơi xuống thấp, giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi gánh nỗi lo “cầm lỗ”. Ảnh: Vũ Sinh.

 

Nguy cơ thiếu thịt lợn dịp Tết Nguyên đán

Trước thực trạng có đến 30% số đàn lợn hiện đang trong tình trạng quá lứa, giá lợn hơi được dự báo còn duy trì mức thấp trong ngắn hạn, điều này làm dấy lên lo ngại khả năng dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ khan hiếm thịt lợn do người chăn nuôi không còn mặn mà tái đàn.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá thịt lợn hơi lao dốc chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn giảm mạnh. Việc này dẫn đến số lượng lớn lợn đến kỳ xuất bán còn tồn đọng trong chuồng. Thời gian này, ngành chăn nuôi đang chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch Covid-19. Chưa kể, khâu lưu thông, vận chuyển vẫn gặp khó khăn, dẫn đến chi phí phát sinh nhiều nên có sự chênh lệch rất lớn giữa giá lợn hơi tại chuồng và giá thịt lợn tại chợ, siêu thị.

Đáng nói, giá thức ăn chăn nuôi tăng 16-30%, đẩy giá thành sản xuất lên cao, còn giá bán lợn hơi lại giảm mạnh do cầu giảm. Người chăn nuôi lợn chịu lỗ nặng, có tâm lý e ngại không muốn tái đàn.

“Đây là điều đáng lo. Bởi cứ đà này, nguy cơ Tết Nguyên đán sắp tới thiếu thịt lợn cục bộ là rất cao”, ông Trọng nói. Theo ông, quay vòng tái đàn gà công nghiệp thì chỉ cần khoảng 40 ngày, còn tái đàn lợn phải mất khoảng 6 tháng mới có lợn thương phẩm xuất bán ra thị trường.

Nắm bắt được nguy cơ thiếu hụt thịt lợn cho thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi về tái đàn lợn để chủ động nguồn cung thịt lợn cho những tháng cuối năm.

Có thể nói, nguyên nhân làm giá thịt lợn hơi xuống thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và cung đã vượt quá cầu.

Trong khi quy mô chăn nuôi lợn gần phục hồi bằng mức trước dịch tả lợn châu Phi thì nước ta vẫn tiếp tục nhập khẩu thịt lợn. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 9 tháng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 125.600 tấn thịt lợn, chủ yếu từ các thị trường: Nga (33,80%), Đức (24,9%), Ba Lan (12,68%). Trong khi tổng đàn lợn đến hết tháng 9/2021 đã có khoảng 28 triệu con, nguồn cung  trong nước dư thừa.

Đâu là giải pháp?

Nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại và  doanh nghiệp chăn nuôi lợn cho rằng, muốn giá thịt lợn hơi ổn định, nhất thiết phải có sự điều tiết cung cầu của nhà nước về thịt lợn, nếu không giá thịt lợn sẽ còn có những biến động khó lường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành chăn nuôi.

Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là do Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân và doanh nghiệp tái đàn nhiều quá dẫn đến dư thừa. Trong khi đó, Việt Nam đang nhập khẩu khá nhiều thịt lợn nên đã thừa càng thừa hơn.

Một doanh nghiệp chăn nuôi lợn bức xúc:  Tại sao giá lên cao, người nuôi có lãi thì vận động doanh nghiệp, người chăn nuôi giảm giá, hô hào tái đàn, cho nhập thịt lợn về để bình ổn; nay giá giảm dưới giá thành, tại sao lại không có động thái để giá lợn tăng lên hay  tìm cách xuất khẩu, khi mà giá lợn ở các nước lân cận đang khá cao?

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đề xuất, cần phải cấp hạn ngạch cho nhập khẩu thịt, cấp hạn ngạch cho chăn nuôi heo, mỗi doanh nghiệp được chăn nuôi bao nhiêu, cân đối thị trường cung và cầu. “Các nước tiên tiến có quy định rất cụ thể và rõ ràng, doanh nghiệp nào, đơn vị nào được nuôi bao nhiêu thì chỉ được nuôi bấy nhiêu, không cấp phép nữa nếu thị trường đã đủ”, ông Đoán nêu rõ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giải pháp lâu dài cho chăn nuôi heo là cần có hạn ngạch. Một bất cập lớn của ngành chăn nuôi hiện nay là không quy định tổng đàn heo cho các doanh nghiệp chăn nuôi nên các doanh nghiệp có thể tự ý tăng đàn. Điều này dẫn đến ngành chức năng và địa phương khó kiểm soát tổng đàn, dễ xảy ra “khủng hoảng” thiếu hoặc thừa.

Các chuyên gia cho rằng, để giá thịt lợn phục hồi, trước mắt nên ngừng nhập khẩu thịt lợn. Ngoài ra, tăng cường các kho lạnh để mua dự trữ thịt lợn, chặn đà giảm giá. Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh tăng hoặc giữ mức thuế nhập khẩu với mặt hàng thịt lợn, giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương; có chính sách khuyến khích phát triển những cây nguyên liệu, sử dụng phụ phẩm nông, công nghiệp để chế biến thức ăn chăn nuôi... Nếu không có biện pháp hỗ trợ thì với đà tăng của giá thức ăn chăn nuôi, đà giảm của giá thịt lợn, sớm muộn ngành này cũng “không thở được”.

Trước thực trạng trên, các hiệp hội chăn nuôi đề nghị Cục Chăn nuôi  cần sớm hành động để giúp người chăn nuôi như đề xuất  tạm ngưng nhập khẩu lợn sống, ngưng nhập thịt lợn đông lạnh, tăng kho lạnh để mua dự trữ cho nhà nông; phối hợp cùng Bộ Công Thương điều tiết lại giá lợn.

Hy vọng, dịch Covid-19 đang được kiểm soát, các bếp ăn tập thể, nhà hàng,... sẽ được phép hoạt động 100% công suất, đầu ra của thịt lợn sẽ được giải quyết và giá lợn hơi sẽ được kéo lên.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top