Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 11 năm 2019 | 19:17

Giá lợn hơi tăng nhanh, “thủ phủ nuôi lợn miền Bắc” lao đao

Sau thời gian bão giá lại đến dịch tả lợn châu Phi hoành hành, hiện, giá lợi hơi vẫn đang tăng mạnh, khiến người chăn nuôi tại xã Ngọc Lũ “thủ phủ nuôi lợn miền Bắc” lao đao.

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam nổi tiếng là một trong những địa phương nuôi nhiều lợn nhất miền Bắc và được coi như “thủ phủ nuôi lợn”. Nhưng đến nay, tại địa phương này chỉ còn khoảng hơn 45.000 con giảm rất nhiều so với trước đây cả về đầu lợn cũng như hộ chăn nuôi. Mặc dù giá thịt lợn hơi tăng từng ngày và Tết Ngyên đán đã cận kề nhưng người chăn nuôi vẫn chưa thể tái đàn do lo ngại dịch tả lợn châu Phi vẫn còn hiện hữu.
 
Tại chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam giao dịch số lượng lợn giảm hơn so với trước đây.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ cho biết: Trước đây xã được ví như “thủ phủ nuôi lợn của miền Bắc” người chăn nuôi phát triển mạnh nhiều hộ chăn nuôi làm giầu từ con lợn, song từ năm 2016 - 2018, giá lợn xuống thấp nhiều hộ chăn nuôi liểng xiểng vì “bão giá”. Ngay sau đợt “bão giá” lại đến dịch tả lợn châu Phi hoành hành người chăn nuôi đã kiệt quệ nay lại càng kiệt quệ hơn, nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ đi làm ăn xa để lấy tiền trả nợ ngân hàng.
 
Trong dịch tả lợn châu Phi là địa phương có đầu lợn lớn nhất tỉnh nên chính quyền các cấp cũng như các ban ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho địa phương rất nhiều trong công tác phòng chống dịch bệnh cả về kỹ thuật cũng như vật tư để phòng chống dịch bệnh, hơn thế nữa người chăn nuôi cũng có ý thức rất cao trong công tác phòng chống dịch bệnh nên xã là địa phương cuối cùng có dịch bệnh.
 
Từ người chăn nuôi có ý thức cao trong phòng chống dịch bệnh và có kỹ thuật trong chăn nuôi cộng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp các ban ngành nên thiệt hại về dịch bệnh của địa phương không lớn. Vì sao thiệt hại do dịch bệnh không lớn mà nhiều hộ chăn nuôi lại trắng tay, ông Thiện, Chủ tịch xã chia sẻ: Chỉ tính thiệt hại trong đợt “bão giá” người chăn nuôi đã mất đi khoảng 800 tỷ đồng. Ngay sau đó dịch bệnh tả lợn châu Phi lại hoành hành nên người chăn nuôi nhỏ lẻ vốn ít thì trắng tay, bên cạnh đó còn có nhiều hộ giữ được đàn lợn đến nay thì trúng quả đậm có hộ lãi vài tỷ đồng.
 
Ông Thiện cho biết thêm, hiện nay, tại địa phương còn trên dưới 18 nghìn con lợn/100 hộ chăn nuôi, những hộ này vừa cho xuất chuồng vừa tiếp tục vào con giống bởi họ vừa có tiềm lực lại vừa có kỹ thuật nuôi và công tác phòng chống dịch bệnh tốt. Đối với những chuồng trại để trống chúng tôi yêu cầu người chăn nuôi phải quét vôi lên tường, gâm khử trùng nền chuồng trại trước khi tái đàn.
 
Trước tình hình giá cả lợn hơi ngày một tăng vì sao người chăn nuôi chưa tái đàn, ông Thiện cho biết: Bởi nhiều lý do, vì người chăn nuôi đã kiệt quệ sau “bão giá” và dịch bệnh; vì con giống giờ khá cao, trên dưới 2 triệu đồng/con; vì dịch bệnh vẫn còn ấp ủ chính vì vậy người chăn nuôi chưa giám tái đàn.
 
Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam

 

Để người chăn nuôi vực dậy sau hai lần thất bại do khách quan, trao đổi với phóng viên Giám đốc Phòng giao dịch ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại xã Ngọc Lũ, ông Vũ Quang Tuân cho biết, Ngân hàng Agribank luôn luôn theo sát trợ giúp, giúp đỡ người dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng, trước thực trạng người chăn nuôi lao đao về “bão giá”, dịch bệnh, Agribank đã gia hạn nợ - cơ cấu nợ - miễn giảm lãi xuất cho người chăn nuôi (trường hợp được phép) - cho người chăn nuôi trả gốc trước, trả lãi sau. Đối với những hộ muốn vay vốn để tái đàn chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa và phải cam kết dùng vốn đúng mục đích.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Trưởng ban quản lý chợ Đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam thì số lượng lợn mang đến giao dịch tại chợ giảm nhiều so với trước kia chỉ đạt khoảng 40% số lượng lợn tại địa phương không nhiều mà số lượng lợn đến giao dịch là ở các địa phương lân cận và trong miền Nam đưa ra. Giá lợn hơi trung bình là 72 - 73 nghìn đồng/kg những con to có giá 76 – 77 nghìn đồng/ kg.
 
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, trên địa bàn còn khoảng 370 nghìn con lợn. Việc tái đàn với những xã vừa công bố hết dịch là không nên vì việc tái đàn sẽ làm cho người chăn nuôi thiệt hại hơn nếu dịch bùng phát trở lại.
 
Trong diễn đàn gần đây, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, do dịch tả lợn châu Phi, lượng lợn tiêu hủy trên cả nước do dịch lên tới 5,6 triệu con, với trọng lượng 325 nghìn tần, chiếm 8,3% khối lượng thịt cả nước.
 
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, hiện dịch tả có dấu hiệu không còn bùng phát, nhiều tỉnh thành phố có trên 80% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh điểm dịch. Lãnh đạo Bộ nhận định nếu không tái đàn phù hợp trong thời gian này sẽ rất khó khăn trong việc chủ động nguồn thực phẩm cuối năm.
 
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các địa phương cần chủ động cho người chăn nuôi tái đàn khi đảm bảo đầy đủ theo yêu cầu hướng dẫn của Bộ, không được cấm tái đàn khi các cơ sở đủ điều kiện để tái đàn.
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top