Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với lái xe uống rượu, bia gây tai nạn; phạt tù nếu say xỉn lái xe làm chết người.
Thảo luận về dự án Luật phòng chống tác hại của bia, rượu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hoà Bình) đề nghị tại điều quy định về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia bổ sung thêm hình thức tước bằng lái xe vĩnh viễn đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng và hình thức phạt tù không được hưởng án treo trong trường hợp đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết người.
Đại biểu Bùi Thu Hằng đề nghị xử lý nghiêm tài xế uống rượu, bia lái xe |
Theo bà Hằng, vì hiện nay Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Luật Giao thông đường bộ đều không quy định về hình thức tước bằng lái xe vĩnh viễn mà chỉ quy định việc tước bằng có thời hạn đối với các vi phạm liên quan đến sử dụng rượu, bia khi lái xe. Do đó, chưa đủ sức răn đe đối với những người vi phạm.
“Quy định này buộc tài xế phải nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật hơn để đảm bảo lái xe an toàn và tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trước và trong khi lái xe” – bà Hằng nêu quan điểm.
Nhấn mạnh hiện nay cả nước đang nóng lên về tình trạng lái xe uống rượu, bia gây tai nạn tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng Quốc hội lần này thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ khiến cho người dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ.
Đại biểu Phương đề nghị bổ sung hình thức xử phạt, kỷ luật từ xử phạt hành chính đến phê bình, khiển trách, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
“Mức xử phạt hành chính khi uống rượu bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1 đến 5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn. Phạt tiền từ 20 đến 100 triệu, tùy theo mức độ vi phạm” – vị đại biểu đoàn Quảng Bình nêu đề xuất khi cho rằng Luật pháp của chúng ta chưa nghiêm, vì mức độ xử phạt thường rất nhẹ. Trong khi đó, các nước xử phạt cực kỳ nghiêm khắc, vì thế mới răn đe, mới cảnh báo được.
Nguy cơ ai cũng thành nạn nhân, tội phạm
“Nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm” - Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) nhấn mạnh và bày tỏ băn khoăn về nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật liệu đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên “thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên” hay chưa?
Theo bà Hiền, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) |
Nữ đại biểu cũng dẫn số liệu khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay mà các em thường dùng và cho rằng lý do “đồ uống có cồn” không được đưa vào dự luật chỉ vì đây là “cụm từ chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội” như báo cáo giải trình là căn cứ khá yếu về mặt pháp lý.
“Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của dự Luật lần này, so với xu thế chung đã gần như đi ngược với “ khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người”, vô tình xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng nhưng có vẻ chủ ý bắt nhịp kịp thời với sự phát triển nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu bia” – bà Hiền nói.
Vị đại biểu đoàn Phú Yên nêu thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%, đây cũng là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%.
Đối với biện pháp hạn chế, kiểm soát trẻ em mua rượu bia, nữ đại biểu cho biết bất ngờ khi dự thảo này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet.
Đại biểu này nhấn mạnh không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên. Chúng ta không thể “hồn nhiên” loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại “hăm hở” đưa vào các điều “cấm” mà thực tế lại không diễn ra.
“Tôi không nghĩ dự thảo luật mới nhất lại sơ suất bỏ sót yếu tố kỹ thuật, “chân nọ xọ chân kia” tựa như một dáng đi xiêu vẹo, không còn vững vàng về khung pháp lý được xem như “xương sống”, và “trục lái” của một bộ luật đã gần như mất đi sự tỉnh táo, cứng rắn so với dự thảo cũ”, nữ đại biểu đoàn Phú Yên nêu ý kiến./.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.