Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 4 năm 2019 | 22:39

Để thành phố mang tên Bác luôn tỏa sáng

Không chỉ dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, TP HCM còn là nơi đi đầu về đổi mới, đột phá về thể chế và tiên phong trong nhiều mô hình phát triển.

Trong dòng chảy lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, TP HCM luôn giữ một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Chặng đường 44 năm xây dựng, phát triển và hội nhập của thành phố mang tên Người đã khơi dậy và phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và tinh thần vì nhân dân cả nước.

de tp hcm luon toa sang hinh 1
Chợ Bến Thành

Khi vụ việc đất đai ở Thủ Thiêm được Thanh tra Chính phủ vào cuộc và có những kết luận xác đáng trong năm 2018; rồi những sai phạm trong quản lý đất đai của một loạt quan chức đình đám tại TP HCM lần lượt bị các cơ quan chức năng phát hiện, phanh phui; người dân ở thành phố mang tên Bác như bị giội một gáo nước lạnh.

Thế nhưng, khi bình tâm nhìn lại thì họ chỉ coi đó là những con sâu mọt của các nhóm lợi ích không đại diện cho thành phố phương Nam luôn năng động, đầu tàu. Cho nên, niềm tin và khát vọng sáng tạo để vươn tới tầm cao, nhằm góp phần làm cho “hòn ngọc Viễn Đông” và đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường vẫn là mục tiêu xuyên suốt của triệu triệu người dân thành phố.

Với truyền thống năng động, sáng tạo, cùng với bản lĩnh, trí tuệ và sự nhạy bén nắm bắt cơ hội, đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức, 44 năm qua, TP HCM đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Thành phố mang tên Bác ngày càng khẳng định rõ vai trò là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Đồng thời, luôn giữ vững được vai trò đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị - kinh tế - xã hội quan trọng của cả nước.

Đóng góp ngân sách cho cả nước ngày càng lớn

Từ khi chính thức được mang tên Bác Hồ kính yêu, TP HCM đã không ngừng lớn mạnh, kinh tế luôn duy trì tăng trưởng liên tục ở mức cao. Nếu trước thời kỳ đổi mới, trong 10 năm (1976 - 1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì trong giai đoạn 1991-2010, thành phố là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số trong suốt 20 năm. Từ năm 2011 đến nay, TP HCM cũng đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân chung của cả nước (5,8%).

de tp hcm luon toa sang hinh 2
Nhà thờ Đức Bà

Cùng với đà tăng trưởng, quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp ngân sách của TP Hồ Chí Minh cho cả nước ngày càng lớn. Đến nay, TP HCM đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu, 27,8% tổng thu ngân sách quốc gia. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Riêng năm 2018, bất chấp những khó khăn, thách thức, TP HCM vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để thành phố hiện thực hóa Nghị quyết 54 của Quốc hội và tập trung đẩy nhanh việc triển khai Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Mức tăng trưởng kinh tế và GDP vẫn giữ vững được vị trí đầu tàu. Trong đó, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2017.

Với mức tăng này so với quy mô kinh tế cả nước, kinh tế TP HCM trong năm 2018 đã đóng góp 24,16%, cao hơn năm 2016 và năm 2017 là 23,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35%, vượt chỉ tiêu bình quân toàn nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 30%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,39 tỷ USD, cao nhất nước. Thành phố cũng đã thu hút 7,5 triệu lượt khách quốc tế, dẫn đầu các tỉnh, thành, chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế của cả nước.

Tiên phong trong nhiều mô hình phát triển

Không chỉ dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, TP HCM cũng là nơi đi đầu về đổi mới, đột phá về thể chế và tiên phong trong rất nhiều mô hình phát triển. Những việc làm đó đã thể hiện rõ nét sự năng động, sáng tạo trong thực tiễn với phương châm: dám nghĩ, dám làm.

TP HCM đã dẫn đầu cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp; hình thành trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị; xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ.

Những mô hình phát triển năng động và đầy trí tuệ này không chỉ là bệ phóng cho những bước đột phá mạnh mẽ của TP HCM trong hội nhập kinh tế quốc tế mà còn tạo động lực mới cho quá trình đô thị hóa của các miền Đông và khu vực phía Nam.

Từ thực tiễn sinh động và sáng tạo của mình, thành phố đã góp phần rất quan trọng vào việc hoạch định, hình thành, phát triển đường lối đổi mới, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước ta, nhất là về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa…

Những lực cản và hệ lụy cần phải vượt qua

Bên cạnh những kết quả đạt được, TP HCM hiện đang phải đối mặt với nhiều lực cản do cách nghĩ, cách làm và những hệ lụy do thiếu tầm nhìn chiến lược. Trước hết đó là sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông lạc hậu, áp lực quá lớn về xây dựng bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số gia tăng cơ học quá nhanh; cứ 5 năm rưỡi, dân số TP HCM lại tăng thêm 1 triệu người.

de tp hcm luon toa sang hinh 3
Bưu điện trung tâm thành phố

Hơn thế, TP HCM đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; nguy cơ ngập nước và triều cường luôn xảy ra ngày càng nghiêm trọng đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.

Trong khi đó, các cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động dù được quan tâm nhưng chưa đạt kết quả như mong đợi, công tác cải cách thủ tục hành chính có sự chuyển biến và đang là điểm đột phá để làm quyết liệt hơn trong năm 2019, nhưng vì chưa đồng bộ và thiếu chủ động nên tình trạng thờ ơ, “trên nóng dưới lạnh” vẫn là lực cản làm cho hiệu quả đạt được chưa cao và thực sự chưa làm hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Hai vấn đề chính hiện đang đặt ra cho TP HCM, trong đó về lĩnh vực kinh tế là các doanh nghiệp-nền tảng kinh tế còn thiếu tính cạnh tranh, đang đối diện với thách thức trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Về lĩnh vực quản lý đô thị, thách thức lớn hơn là sự bất cập giữa trình độ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải thiện dân sinh. Ðây là hai vấn đề mà Ðảng bộ thành phố cũng đã nhận ra và đang ra sức tìm hướng giải quyết bằng những đề án, kế hoạch và chương trình cụ thể.

Còn 1 năm nữa TP HCM tròn 45 năm xây dựng, phát triển và hội nhập. Đây cũng là năm mà thành phố sẽ đánh giá tổng kết nhiệm kỳ đại hội đảng bộ 5 năm 2015-2020. Có nhiều vấn đề sẽ được đúc kết để tiếp tục phát huy, nhân rộng và cũng sẽ còn nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong tháng Tư lịch sử của năm 2019, 7 chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đề ra đang được các cấp chính quyền tập trung cao độ và triển khai quyết liệt. Trong đó, ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh kinh tế để phấn đấu cho bằng được mức thu nhập bình quân đầu người 9.800 USD vào năm 2020, thì 3 chương trình quan trọng là giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông, phát triển chỉnh trang đô thị với hàng loạt dự án lớn như: dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng, các dự án đường sắt trên cao, tàu điện dưới lòng đất, các dự án khép kín vành đai 2, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cùng với hàng chục dự án bất động sản… sau nhiều tháng, nhiều năm đình trệ đã được tháo điểm nghẽn về vốn, mặt bằng và các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ.

Vào dịp ngày sinh nhật Bác 19/5 tới, TP HCM sẽ trao Giải thưởng sáng tạo lần thứ nhất. Đây là giải thưởng danh giá nhất của thành phố mang tên Người được trao cho các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm dịch vụ sáng tạo đóng góp cho TP HCM phát triển.

Hơn 100 công trình tham gia dự thi Giải thưởng sáng tạo lần này sẽ được lựa chọn để phân ngôi thứ. Nhưng điều quan trọng hơn là các công trình sáng tạo đó sẽ được áp dụng vào thực tiễn, nhân rộng và lan tỏa ra để cả nước cùng làm. Việc tổ chức Giải thưởng sáng tạo, một lần nữa là minh chứng cho một thành phố luôn cầu thị, biết lắng nghe, trọng người tài và dám bứt phá vươn lên để làm cho thành phố mang tên Bác luôn tỏa sáng./.

 

 

 

 

 

 

Trần Sông Thao
Ý kiến bạn đọc
Top