Khi hè đến, hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn cho con được vui chơi thỏa thích nhưng lại lo lắng nếu không quản lý được con thì con sẽ dễ gặp phải những tình huống không an toàn, hoặc con dễ sa vào các trò giải trí không lành mạnh trên các trang MXH
Đó có lẽ là mong muốn lớn nhất của tất cả các bậc phụ huynh khi các con chính thức bước vào một kỳ nghỉ hè mới. Khi hè đến, hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn cho con được vui chơi thỏa thích nhưng lại lo lắng nếu không quản lý được con thì con sẽ dễ gặp phải những tình huống không an toàn, hoặc con dễ sa vào các trò giải trí không lành mạnh trên các trang mạng xã hội.
Vậy, làm gì để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh và có kỳ nghỉ hè thật sự ý nghĩa?
Chỉ mới đầu mùa hè nhưng liên tiếp đã có những vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Gióng lên hồi chuông báo động
Có lẽ chưa khi nào như năm nay, chỉ mới vào hè nhưng nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Có thể nêu ra đây một vài thí dụ điển hình, để thấy rằng các vụ đuối nước liên tiếp xảy ra đến mức phải gióng lên những hồi chuông “báo động”, như tại Nghệ An, chỉ trong vòng 5 ngày (từ 25/4 – 30/4), đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 8 người tử vong.
Còn tại tỉnh Bình Thuận, trong ngày 1/5 đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 2 em thiệt mạng, 1 em bị nước cuốn trôi mất tích. Đến chiều 2/5, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận vẫn phối hợp cùng gia đình tìm kiếm em T.V.D. - học lớp 7 tại TP Phan Thiết - bị lọt xuống kênh nước, mất tích.
Ở tỉnh Đắk Lắk đã có 2 học sinh bị đuối nước là em N.H đang học lớp 3 và em T.Q.A.T học lớp 5, cùng là học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Sự việc xảy ra vào ngày 1/5.
Tại Quảng Bình vào chiều 30/4, sau 2 ngày tìm kiếm, lực lượng chức năng xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đã tìm thấy thi thể học sinh lớp 8 gặp nạn khi đi tắm biển cùng nhóm bạn vào chiều ngày 28/4.
Vào chiều 27/4, tại khu vực đầu nguồn suối San Thàng, thuộc địa phận giáp ranh giữa xã San Thàng (thành phố Lai Châu) và xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) xảy ra vụ đuối nước thương tâm. 3 cháu học sinh lớp 7 rủ nhau đi tắm suối bị chìm. Người dân cứu được 1 cháu, 2 cháu tử vong.
Một số tỉnh khác như Quảng Trị - Vĩnh Phúc - Thanh Hóa cũng đã xảy ra các vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân chủ yếu là các em học sinh.
Theo thống kê, năm 2010 có 3.300 trẻ em bị tử vong do đuối nước, năm 2015 giảm còn 2.660 em và đến năm 2020 giảm còn 2.085 em. Như vậy, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương khoảng 100 trẻ em.
Nhưng trong mấy tháng gần đây, lại xảy ra những vụ việc đuối nước thương tâm ở trẻ em. Điều đáng nói, có những trường hợp nhiều trẻ bị tử vong hoặc nhiều trẻ trong một gia đình cùng bị đuối nước.
Kĩ năng phòng chống đuối nước, an toàn của trẻ còn thiếu
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ trẻ em đuối nước xảy ra tại các địa phương trong thời gian vừa qua, nhưng theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Vũ Thị Kim Hoa, có rất nhiều nguyên nhân gây ra những vụ đuối nước ở trẻ em, trong đó nguyên nhân đầu tiên là nhận thức của cộng đồng, đặc biệt ở phụ huynh đối với phòng, chống đuối nước trẻ em còn hạn chế.
Một nguyên nhân nữa có thể dẫn đến tình trạng đau lòng trên là kĩ năng phòng chống đuối nước, an toàn của trẻ còn thiếu. Tỉ lệ trẻ em biết bơi còn thấp, chỉ hơn 30%.
Chính vậy, có nhiều trường hợp các em rủ nhau đi bơi ở vùng nước nguy hiểm. Bên cạnh đó, do thiếu kỹ năng cứu đuối nên khi có một bạn bị nạn, lập tức các em lao xuống để cứu trong khi kĩ năng cứu đuối là phải gián tiếp hoặc hô hoán.
Bản thân cha mẹ, người chăm sóc trẻ đôi khi còn chưa chú tâm. Có những vụ việc chỉ cần vài phút sao nhãng của người lớn, trẻ có thể ngã xuống ao.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hướng dẫn viên dạy bơi, kĩ năng an toàn khi bơi còn thiếu. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt việc bố trí nguồn lực về vấn đề này còn hạn chế.
Một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng theo quan điểm của người viết bài này, đó là công tác cảnh báo ở những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước. Rất nhiều công trình thi công dang dở tạo thành những hố nước sâu mà ở đó các đơn vị có trách nhiệm không hề đặt biển cảnh báo, hoặc không có người trông coi nên đã dẫn đến việc học sinh kéo nhau ra đó để nghịch, hậu quả là các em đã sa chân vào những hố sâu đó và tử vong nếu như không được phát hiện kịp thời.
Trước những vụ đuối nước xảy ra liên tục trong thời gian qua, ngày 2/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.
Thủ tướng yêu cầu triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
Nhân rộng các lớp bơi miễn phí và chú trọng kỹ năng thoát hiểm
Trước tình trạng trẻ em bị đuối nước xảy ra trong nhiều năm, ở một số địa phương đã có những lớp dạy tập bơi miễm phí cho các em. Đây thực sự là một trong những biện pháp hữu ích để tai nạn đuối nước không xảy ra đối với trẻ em. Để phòng tránh và giảm thiểu tai nạn đuối nước xảy ra đối với trẻ em vào những dịp nghỉ hè, nhiều tổ chức, cá nhân đã có tổ chức những lớp dạy bơi miễn phí cho các em theo học.
Tốt nghiệp ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, thầy Nguyễn Viết Tước nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường THCS Hải Hòa (xã Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị). Đây là một vùng rốn lũ nên việc nhắc nhở và hướng dẫn học sinh học bơi luôn là chủ đề được chú trọng trong giáo án môn Thể dục của thầy Tước. Năm 2012, chuyển công tác về xã Hải Vĩnh, nhận thấy nhiều học trò bậc Tiểu học, THCS không biết bơi, trong khi chỉ cần bước ra đồng ruộng là có rất nhiều kênh, mương, ao hồ và có cả con sông Vĩnh Định chảy ngang xã tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Vậy nên thầy quyết định mở lớp dạy bơi miễn phí.
Thầy Tước phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Hải Hưng và Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức dạy bơi cho trẻ. Các khoản kinh phí mua sắm kính bơi, phao bơi, nước uống, bánh sữa… cho các cháu được những đơn vị này và các nhà hảo tâm tài trợ. Một mái che nắng được Đoàn Thanh niên xã dựng lên cạnh con kênh để thầy Tước và các em làm nơi tập trung, khởi động và tập các động tác trên cạn. Nhiều đoàn viên, sinh viên cùng giúp dạy bơi.
Lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em cơ nhỡ ở TP. HCM, được các bạn trẻ trong nhóm “Bơi và những người bạn” mở ra vào mỗi sáng cuối tuần, dạy bơi miễn phí cho những em nhỏ ở các mái ấm, nhà mở trên địa bàn TP. HCM.
Ngoài việc cho con em mình tham gia vào các lớp học bơi để phòng tránh tai nạn đuối nước, đối với gia đình cần phải quan tâm, giám sát con em khi ở nhà một mình, đặc biệt là những gia đình ở gần ao, hồ, sông, suối. Khi cho con em của mình đi nghỉ mát, tắm biển phải luôn đề phòng cảnh giác cao diễn biến thời tiết, phải mặc áo phao cho con em mình.
Tại các địa điểm du lịch, các lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn phải được đào tạo, có kinh nghiệm và phải có đầy đủ phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống tai nạn đuối nước xảy ra. Các công trình xây dựng nhất thiết phải có rào chắn, có công nhân canh gác không cho các em nhỏ đến gần.
Để mùa hè cho các em học sinh trở nên thú vị và sẽ không còn những vụ đuối nước thương tâm xảy ra, sẽ cần nhiều hơn nữa những câu lạc bộ, cá nhân, tổ chức tự nguyện dạy bơi miễn phí cho các em nhỏ, có kỹ năng thoát khỏi nguy hiểm khi ở dưới nước, có như vậy chúng ta mới hạn chế được tai nạn đuối nước xảy ra đối với trẻ em.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.