Tôi sinh ra, lớn lên tại một miền quê cách trung tâm thành phố gần 100km, nghĩa là chỉ mất độ vài giờ xe chạy. Những dịp các con nghỉ hè, tôi thường cho các cháu về quê, khi thì chỗ ông bà nội, lúc lại sang thăm ông bà ngoại.
Đưa trẻ về quê để trẻ hòa mình vào cuộc sống thiên nhiên. Ảnh T.N
Háo hức về quê
Sau nhiều tháng học tập với đủ các áp lực và cường độ cao, nên khoảng thời gian hè được về quê nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích, đặc biệt được thăm và gần gũi cùng ông bà, khiến các con tôi rất thích thú. Bởi vậy, khi thời điểm nghỉ hè còn cách cả tháng trời, hai con đang học cấp 1 của tôi đều háo hức mong chờ cho thời gian qua nhanh để được về quê.
Với gia đình nhỏ, khi quê quán ở quá xa, ông bà nội ngoại không còn, nhất lại là không có điều kiện về kinh tế cho những chuyến đi - về, thì không nói làm gì, nhưng với gia đình có quê gần thành phố như tôi thì quả là một thuận lợi. Bởi khi cho trẻ về quê sống trong những ngày hè là cha mẹ đã trao cơ hội cho con được sống, được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị nơi làng quê yên bình, mà ở đó tình cảm con người sống rất chan hòa với tình làng nghĩa xóm, rất thân thiện.
Ở thành phố, như chúng ta đã biết thì trẻ có cuộc sống bó buộc trong phạm vi trường lớp, trong gia đình với khung giờ giấc kín bưng, cứng nhắc và chúng rất ít giao du tiếp xúc với bạn bè hàng phố... Thế nhưng, khi về quê, trẻ sẽ được tiếp xúc trong một không gian mở với rất nhiều người, rất nhiều bạn trẻ khác đồng trang lứa.
Tác dụng của việc giao tiếp, kết thân bạn bè với trẻ nhỏ là cực kỳ cần thiết và quan trọng trong việc hình thành tính cách, sự cởi mở thân thiện, hoà đồng của trẻ khi lớn lên. Ngay như con trai đầu của tôi, trước kia cháu ít nói, có khi ai hỏi câu nào cháu mới trả lời câu đó, thậm chí là không trả lời. Thế nhưng, sau mấy lần đưa con về quê nghỉ hè, cháu có nhiều thời gian để giao lưu, kết thân bạn bè hơn, nhờ đó mà cháu trở nên nói nhiều hơn, khẩu ngữ lưu loát hơn và hòa đồng hơn.
Những trải nghiệm tuyệt vời
Trong những ngày sống ở quê, con trẻ thường được tham gia nhiều hoạt động hơn, vì rảnh rỗi không bận rộn học hành như trước. Công việc ở đây có thể chỉ giản đơn là quét nhà, quét sân, giúp ông bà rửa chén bát, hay phụ dọn mâm cơm... Ở thành phố, các bé thường rất ít khi phải làm việc nhà, mà nhiệm vụ của chúng là học hành, vì vậy, khi được lao động, nhiều trẻ tỏ ra hào hứng, thấy vui vì giúp được người lớn nhiều việc.
Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ được tiếp xúc với nhiều khái niệm mới như khi ra đồng ruộng, ra vườn và được ông bà, người lớn chỉ cho biết tên các loại nông cụ sản xuất, tên của cây trái, của con vật,... Những điều mà nếu sống ở thành phố, chúng chỉ được nghe qua sách vở, còn không có những trải nhiệm thực tế như vậy. Ví dụ như con gái nhỏ học lớp 1 của tôi, cháu tỏ ra khá giỏi giang trong nhiều việc, nhiều chuyện so với các bạn trong phố cùng tuổi. Chẳng hạn, khi tôi chuẩn bị bữa ăn, bé thường giúp tôi nhặt rau, hay khi ăn uống xong luôn biết thu dọn, rửa cho gọn gàng. Tất cả việc mà cháu biết làm là nhờ được bà nội dạy trong những lần cháu về quê dịp hè. Hay như, khi theo ra chợ, con gái tôi đọc vanh vách các loại rau, củ, quả, nhiều loại nông sản mà người ta bày bán, bởi những lần về quê, con đã được tiếp xúc và biết tới các loại rau, củ, quả, hay nông sản đó.
Điều cực kỳ quan trọng khi cho trẻ sống ở quê trong những dịp hè mà tôi cảm nhận và thấy rõ, đó là, trẻ sẽ được “trở về” với cội nguồn của mình. Bởi ở đó, có ông bà, có những người thân thuộc trong họ hàng, mà khi trong khoảng thời gian ngắn ngủi trẻ được tiếp xúc, được chỉ bảo, để kịp nhận biết những người thân thuộc nhưng không mấy quen mặt và thân thiết ở quê ấy là họ hàng, gốc gác với mình...
Có thể khẳng định rằng, có rất nhiều lợi ích, trải nghiệm thú vị khi cho con trẻ về quê trong những ngày hè mà các gia đình ở thành phố nên làm. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng, hay không có điều kiện thì đành chịu, chứ nếu thuận lợi, các bậc cha mẹ hãy tạo điều kiện cho con em mình có dịp về quê nghỉ hè, bởi những chuyến đi như tìm về nguồn cội ấy sẽ vô cùng bổ ích và ý nghĩa...
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.