Mới đây, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đề xuất về diện tích nhà bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn của người khác trên địa bàn thành phố là 20m2/người.
Diện tích bình quân này sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, đề xuất này khó thực hiện và khó đạt kết quả như mong muốn.
Quá cao với nhiều người dân
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 10 đề ra mục tiêu, “đến năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu mét vuông và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2/người”. Đây cũng là chỉ tiêu diện tích bình quân nhà ở trên đầu người vào năm 2020 theo dự thảo Chương trình phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025.
Do đó, đề xuất của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh trong việc ban hành quy định diện tích bình quân tối thiểu để nhập hộ khẩu vào thành phố để bảo đảm chất lượng sống tối thiểu nhằm đáp ứng yêu cầu từng bước phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú, an ninh trật tự, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Từ năm 2014 đến nay, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức họp bàn nhiều lần với 24 quận/huyện, các sở, ngành liên quan để đi đến thống nhất đề xuất mức diện tích sàn nhà ở bình quân tối thiểu 20m2/người. Diện tích bình quân này sẽ được điều chỉnh tăng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố theo từng thời kỳ. Thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố, diện tích bình quân tối thiểu để đăng ký hộ khẩu thường trú vào nhà do thuê, ở nhờ, mượn là 5m2/người, bằng 1/4 so với mức đề xuất mới.
Với đề xuất mới này, nhiều ý kiến cho rằng, mức diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tối thiểu 20m2 sàn/người là yêu cầu quá cao so với điều kiện sống của đa số người dân nhập cư trên địa bàn thành phố hiện nay.
Gia đình anh Nguyễn Văn Bình có 4 người đang thuê phòng trọ 30m2 tại quận Tân Bình với giá khoảng 4 triệu đồng trên tổng thu nhập của hai vợ chồng là 16 triệu đồng. Để tiện cho việc học tập của các con, anh Bình dự định đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, với đề xuất mới này, gia đình anh Bình khó mà đáp ứng.
Cụ thể, với 4 thành viên trong gia đình, với đề xuất 20m2/người, gia đình anh phải thuê căn hộ rộng khoảng 80m2, có giá khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng thì số tiền còn lại của hai vợ chồng sẽ không đủ trang trải các khoản chi phí khác, chưa kể đến việc tích lũy.
Không khó để nhận thấy những dãy phòng trọ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có diện tích mỗi phòng trọ chỉ khoảng 15 - 20m2. Với diện tích này, mỗi phòng trọ thường có từ 3 người độc thân hoặc gia đình từ 3 - 4 người cùng ở. Nếu quy định mức diện tích bình quân 20m2/người sẽ khó khăn cho người dân muốn đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP. Hồ Chí Minh.
Khó khả thi và không phù hợp
Việc Sở Xây dựng đề xuất nâng mức diện tích bình quân tối thiểu về nhà ở được cho là do TP. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục nên thu hút số lượng lớn người lao động nhập cư từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống, làm việc. Việc tăng dân số góp phần giải quyết nguồn lao động trong quá trình phát triển nhưng đồng thời gây áp lực lớn cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội: tình trạng ùn tắc giao thông; trường học, bệnh viện quá tải; thiếu công trình công cộng; ô nhiễm môi trường. Tình trạng quá tải xảy ra nhiều ở khu trung tâm thành phố và những vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân.
Đa số các ý kiến đều cho rằng, mức chuẩn quá cao này gây khó cho nhiều người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Việc quy định diện tích nhà ở tối thiểu 20m2 mới được nhập hộ khẩu thành phố không những không giảm được việc nhập cư còn làm gia tăng thêm các vấn đề khác như lạm dụng hộ khẩu, phát sinh tiêu cực.
Việc quản lý, khống chế diện tích nhà ở được nhập hộ khẩu để quản lý dân cư là tư duy chưa phù hợp. Thực tế, địa phương nào có công việc tốt, có nơi học tập và sinh sống tốt thì sẽ thu hút được người dân tới lao động, làm việc và sinh sống. Do đó, thay vì nhắm vào người dân thì nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra ngoại thành. Khi doanh nghiệp dời ra ngoài thì dân cư cũng theo đó giãn ra.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, thực tế trên địa bàn thành phố có người sở hữu hàng ngàn mét vuông nhà ở, ngược lại cũng có những người nghèo với căn nhà chỉ hơn chục mét vuông. Do đó, nếu tính trung bình cộng rồi kết luận mỗi người ở thành phố có thể được ở trên diện tích 17 - 18m2 là chưa hợp lý. Đề nghị và góp ý của các địa phương về thực trạng nhà ở và dân số sẽ cực kỳ cần thiết, nhất là cấp phường, xã, thị trấn, vì đây là nơi nắm rõ và chính xác nhất. Để trên cơ sở đó có cái nhìn khách quan, khả thi trong thực tế khi triển khai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.