Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn việc nhập các công nghệ xử lý chất thải lạc hậu vào Việt Nam.
Tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải
Báo cáo của Tổng cục Môi trường khẳng định tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra nói riêng chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường hiện nay. Đã có hiện tượng xuất hiện các điểm “nóng” ô nhiễm môi trường do việc xử lý chất thải rắn gây ra, đặc biệt là xử lý chất thải rắn sinh hoạt (gọi tắt là rác thải) dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự và an toàn xã hội tại một số địa phương.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, nguyên nhân của tình trạng trên là do các địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác quản lý chất thải rắn, chưa có các cơ chế, chính sách phù hợp huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công việc này.
Trong khi đó, việc quy hoạch để lựa chọn các địa điểm xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập, dự báo chất thải rắn phát sinh chưa phù hợp với thực tế phát triển. Đặc biệt là việc lựa chọn các mô hình công nghệ xử lý chưa đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường. Đối với rác thải chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp hoặc các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng các yêu cầu, không hợp vệ sinh về bảo vệ môi trường.
Vì thế, trong dự thảo Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Rà soát các quy định về quản lý chất thải rắn của địa phương đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; không hạn chế việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại từ các địa phương khác về địa phương mình để xử lý.
Đồng thời ban hành quy định về giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Có lộ trình tăng dần giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, giảm dần bao cấp của ngân sách nhà nước.
Khẩn trương thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích tham gia vào việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Nghiên cứu ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải dựa trên khối lượng phát sinh nhằm thúc đẩy việc phân loại chất thải tại nguồn...
Các thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ) khẩn trương đầu tư các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Đối với các dự án xử lý rác thải bằng phương pháp đốt có kết hợp thu hồi năng lượng khi trong nước chưa có quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì phải áp dụng tiêu chuẩn của các nước G7 hoặc tổ chức OECD, Hàn Quốc và Nhật Bản; phấn đấu đến năm 2022 giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống dưới 20%.
“Rà soát các bất cập về thể chế, chính sách, công cụ và biện pháp trong quản lý nhà nước về quản lý chất thải rắn theo hướng thúc đẩy các chính sách, giải pháp nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn. Coi chất thải là tài nguyên và thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”- đại diện Tổng cục Môi trường nêu quan điểm.
Xét xử cựu lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tay cho buôn lậu
TAND TP HCM vừa mở phiên xét xử sơ thẩm vụ dàn lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre nhận tiền cho doanh nghiệp buôn lậu phế liệu.
Dự kiến phiên tòa xét xử kéo dài nhiều ngày. Phiên tòa do thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh tòa Hình sự làm chủ tọa. Tuy nhiên, ngay phần thủ tục, do luật sư bào chữa của một bị cáo vắng mặt nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Các bị cáo gồm Đoàn Văn Phúc (cựu Phó Giám đốc Sở), Trương Văn Em (cựu Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh), Trần Thị Thùy Trang (cựu Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm), Trần Thanh Phong (chuyên viên Phòng kiểm soát ô nhiễm - Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh) bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Các bị cáo Dương Tuấn Anh, Hà Chí Đào và Trần Thị Hợp (cựu nhân viên công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (Công ty Hồng Việt) bị xét xử về tội buôn lậu.
Trước khi vụ án được phát hiện khởi tố, ông Lê Hữu Thiêm (giám đốc công ty Hồng Việt) đã tử vong do tai nạn giao thông nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo cáo trạng, công ty Hồng Việt, ngành nghề kinh doanh là nhập khẩu, tái chế phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và một số ngành nghề đăng ký khác thành lập vào tháng 11/2014.
Khi đi vào hoạt động, ông Thiêm giao cho Tuấn Anh quản lý điều hành mọi hoạt động công ty. Mặc dù chưa có dây chuyền tái chế phế liệu, nhưng Phong vẫn tiếp nhận hồ sơ đủ điều kiện để Em duyệt, trình Phúc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho công ty Hồng Việt trái quy định.
Ngoài ra, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre và Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh đã xuống kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty Hồng Việt. Dù biết rõ công ty không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu để sản xuất, nhưng các bị cáo không thu hồi giấy phép, mà còn soạn thảo 76 thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan cho công ty.
Cơ quan điều tra xác định ông Thiêm "bôi trơn" cho bị cáo Phúc 505 triệu đồng, Em sáu triệu đồng, Trang 5 triệu đồng và Phong 3 triệu đồng.
Sau khi có giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, Tuấn Anh thay mặt ông Thiêm đã chỉ đạo nhân viên và các đối tượng liên quan làm giả tài liệu bộ hồ sơ hải quan để thông quan lô hàng phế liệu.
Tài liệu làm giả gồm 485 thông báo của Sở Tài nguyên & Môi trường, các hợp đồng ngoại, hóa đơn thương mại, hóa đơn vận tải; giấy xác nhận ký quỹ để đưa vào 2.268 bộ hồ sơ hoàn tất thủ tục nhập khẩu gần 46 tấn nhựa phế liệu và 11 tấn sắt phế liệu.
Ngoài ra, bị cáo còn sử dụng hơn 134 tỉ đồng để mua ngoại tệ của ngân hàng thanh toán cho 79 công ty mở tại 22 quốc gia, hưởng số tiền chênh lệch gần gần 59 tỉ đồng. Riêng Tuấn Anh hưởng lợi 600 triệu đồng.
Quảng Nam: Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm trong quản lý rừng
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch số 2792/KH-UBND kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch ban hành thực hiện nhằm mục đích xem xét, đánh giá thực trạng công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng được kiểm tra, bảo đảm sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác kiểm tra.
Theo Kế hoạch, nội dung kiểm tra về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; đối tượng kiểm tra tại Chi Cục kiểm lâm tỉnh và một số Hạt Kiểm lâm (do Chi Cục kiểm lâm tỉnh lựa chọn) và thời gian kiểm tra trong Quý III/2020. Thành phần Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Lãnh đạo Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn; các thành viên là đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục kiểm lâm tỉnh và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Việc kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung theo Kế hoạch này; Đoàn Kiểm tra liên ngành thông báo lịch kiểm tra cụ thể cho các cơ quan, đơn vị được kiểm tra; thực hiện kiểm tra đảm bảo theo kế hoạch và xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra chuẩn bị báo cáo về nội dung được kiểm tra và gửi về Sở Tư pháp chậm nhất trước 05 ngày kể từ ngày có thông báo kiểm tra của Đoàn Kiểm tra liên ngành. Số liệu báo cáo tính từ ngày 01/01/2019 đến hết ngày 30/6/2020; cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra và theo yêu cầu của Đoàn Kiểm tra liên ngành; Chi Cục kiểm lâm tỉnh lựa chọn 02 Hạt Kiểm lâm để Đoàn Kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra.
Đề xuất xử phạt Công ty CP bột giặt LIX 1 tỉ đồng vì gây ô nhiễm
Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương vừa văn bản đề xuất UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP bột giặt LIX vì vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, mức phạt là 1 tỉ đồng.
Theo đó, sau khi có kết quả thanh kiểm tra và kết quả xét nghiệm mẫu nước thải tại khu vực suối Chợ (phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) và kênh thoát nước KCN Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương), đơn vị này đã có kết luận, xác định Công ty CP bột giặt LIX vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Trước đó, sau trận mưa vào đêm 8/4, người dân phát hiện bọt trắng nổi lên tại suối Chợ và khu vực kênh thoát KCN Đại Đăng… Kết quả xét nghiệm cho thấy nguồn nước tại đây có hàm lượng chất hoạt động bề mặt vượt quy chuẩn 75,7 lần, hàm lượng chất hữu cơ vượt quy chuẩn 2,8 lần. Tại suối Chợ có hàm lượng chất hoạt động bề mặt vượt quy chuẩn 8,23 lần, hàm lượng chất hữu cơ vượt quy chuẩn 1,1 lần.
Ngày 9/4, sau khi lấy mẫu xét nghiệm tại kênh thoát nước KCN Đại Đăng và suối Chợ, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra đột xuất Nhà máy LIX (KCN Đại Đăng) của Công ty CP bột giặt LIX. Tại đây, lực lượng này phát hiện có để nhiều thùng chứa nguyên liệu sản xuất, trong đó có nguyên liệu là chất hoạt động bề mặt và một số thùng nắp đậy không kín, đồng thời một số hố ga thoát nước mưa tại công ty này cũng có chứa nước lẫn nguyên liệu sản xuất.
Từ các kết quả thanh kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã xác định Nhà máy LIX Bình Dương của Công ty CP bột giặt LIX là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường tại khu vực suối Chợ và kênh thoát nước KCN Đại Đăng.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.