Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 3 tháng 9 năm 2014 | 8:37

Đền bù tại KĐT Thống Nhất: UBND tỉnh Nam Định xác định sai đơn giá đền bù?

KTNT - Như Kinh tế nông thôn đã phản ánh, thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu đô thị mới, ngày 26/05/2004, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 1223/2004/QĐ – UB, về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng khu đô thị mới Thống Nhất, TP. Nam Định. 


Sau khi có quyết định thu hồi đất, UBND TP. Nam Định chỉ đạo Hội đồng đền bù GPMB lập phương án đền bù trình UBND tỉnh Nam Định. Ngày 01/6/2004, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 1260/2004/QĐ - UB về việc: phê duyệt phương án đền bù GPMB khu đô thị mới Thống Nhất, trong đó, giá đất đền bù cho các hộ dân ở khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ được xác định là giá đất nông nghiệp, nông thôn với đơn giá 19.300 đồng/m2. 
Trao đổi với phòng viên về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), khẳng định: Quy định này của UBND tỉnh Nam Định là không phù hợp với các quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân bị thu hồi đất. Cụ thể:

Thứ nhất, UBND tỉnh Nam Định đã xác định sai loại đất bị thu hồi.
Các quyết định của UBND tỉnh Nam Định và các bản án đã ban hành về các vấn đề mà các hộ dân khiếu nại, khiếu kiện đều viện dẫn và căn cứ vào quy định tại Quyết định số 31/2001/QĐ-TTg ngày 12/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung TP. Nam Định, tỉnh Nam Định đến năm 2020, trong đó, khi xác định thời điểm xã Lộc Hạ trở thành phường Lộc Hạ thuộc TP. Nam Định đã viện dẫn quy định: “Giai đoạn đến năm 2005, phạm vi nội thị TP. Nam Định sẽ phát triển mở rộng ra khu vực xã Lộc Hạ nên xã Lộc Hạ trở thành phường Lộc Hạ chỉ là thủ tục hành chính”. 
Viện dẫn này là hoàn toàn không chính xác, bởi Quyết định số 31/2001/QĐ-TTg là văn bản quy phạm pháp luật mang tính định hướng tổng thể, thể hiện ý kiến chỉ đạo cũng như sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về vấn đề quy hoạch đô thị của TP. Nam Định, chứ không quy định chi tiết, cụ thể việc thành lập, cơ cấu, tổ chức của các phường, xã trong đô thị. Hơn nữa, theo quy định, phạm vi nội thị TP. Nam Định đến năm 2005 sẽ phát triển mở rộng ra khu vực xã Lộc Hạ. Điều này không đồng nghĩa với việc trong năm 2005, xã Lộc Hạ mới trở thành phường Lộc Hạ như lập luận của UBND tỉnh Nam Định. Mốc thời gian năm 2005 là thời điểm cuối cùng hoàn thành việc xây dựng quy hoạch. Thực tế việc triển khai, xây dựng và hoàn thành công tác chuyển đổi xã Lộc Hạ thành phường Lộc Hạ được thực hiện xong trước năm 2005. 

Khu đô thị "đắp chiếu"  gần 10 năm.

Theo quy định pháp luật, tại Khoản 10, Điều 112, Hiến pháp năm 1992, Khoản 10, Điều 8, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ thì Chính phủ có quyền: “Quyết định việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Như vậy, việc thành lập phường Lộc Hạ thuộc TP. Nam Định sẽ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tại thời điểm năm 2004, khi thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn này, Chính phủ căn cứ vào Điểm b, Khoản 2, Điều 1, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 để ra một trong văn bản quy phạm pháp luật là nghị quyết hoặc nghị định. Do vậy, việc UBND tỉnh Nam Định đưa ra căn cứ là Quyết định 31/2001/QĐ-TTg để lý giải cho việc làm của mình là trái pháp luật.
Thực tế, ngày 09/01/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2004/NĐ-CP về việc thành lập phường thuộc TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Tại Điều 1 quy định:
“Điều 1. Nay điều chỉnh địa giới hành chính thành lập các phường Lộc Vượng, Thống Nhất, Lộc Hạ, Cửa Nam, Trần Quang Khải thuộc TP. Nam Định, tỉnh Nam Định như sau:
2. Thành lập phường Lộc Hạ trên cơ sở 349,50 ha diện tích tự nhiên và 6.931 nhân khẩu của xã Lộc Hạ.
Phường Lộc Hạ có 349,50 ha diện tích tự nhiên và 6.931 nhân khẩu”.
Đặc biệt, hiệu lực của Nghị định được xác định theo Điều 2 của Nghị định này như sau: “Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Mọi quy định trước đây trái Nghị định này đều bãi bỏ”. 
Như vậy, Nghị định 17/2004/NĐ-CP được đăng công báo ngày 14/01/2004 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/01/2004. Do đó, kể từ ngày 29/01/2004, xã Lộc Hạ trở thành phường Lộc Hạ thuộc TP. Nam Định. Tuy nhiên, sự thực này đã liên tục bị bóp méo trong các văn bản của UBND tỉnh Nam Định cũng như trong các bản án liên quan. Lập luận của UBND tỉnh Nam Định còn vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2006 về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. 
Thực tế, từ ngày Nghị định 17/2004/NĐ-CP có hiệu lực, đa số các hộ dân khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ đã làm thủ tục và được điều chỉnh nội dung trong Sổ hộ khẩu từ “xã Lộc Hạ” sang thành “phường Lộc Hạ” (Hộ khẩu thường trú của các hộ dân đều thuộc phường Lộc Hạ, TP. Nam Định). Có thể kể tới các hộ như hộ ông Trần Xuân Hạnh, bà Trần Thị Mùi, bà Trần Thị Lễ, bà Nguyễn Thị Lễ… Song song với đó, diện tích đất của các hộ dân trong phường sẽ trở thành đất đô thị theo quy định của Điều 55, Luật Đất đai năm 1993: “Đất đô thị là đất nội thành, nội thị xã, thị trấn được sử dụng để xây dựng nhà ở, trụ sở các cơ quan, tổ chức, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và vào các mục đích khác”. 
Và theo khoản 5, Điều 2, Nghị định 88/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất đô thị thì căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu, đất đô thị được phân thành đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp. Như vậy, diện tích đất của các hộ dân ở khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ bị thu hồi phải được xác định là đất nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi đất, UBND tỉnh Nam Định lại xác định đây là đất nông nghiệp nông thôn là hoàn toàn không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Thứ hai, UBND tỉnh Nam Định xác định sai đơn giá đất đền bù cho các hộ dân.
Từ việc xác định sai loại đất đã dẫn đến việc UBND tỉnh Nam Định áp dụng đơn giá là đất nông nghiệp, nông thôn trong việc đền bù GPMB. Do đó, khi quyết định giá đất để tính đền bù thiệt hại, UBND tỉnh Nam Định đã lấy giá của khu đất phía Bắc Sông Đào và phía Nam huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản để tính tiền đền bù cho các hộ dân.
Theo Khoản 1, Điều 4, Nghị định 87/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ quy định khung giá các loại đất thì: “Căn cứ vào Bảng khung giá của Chính phủ, UBND cấp tỉnh quy định giá các loại đất để làm cơ sở tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi giao đất, cho thuê đất, tính giá trị tài sản khi giao đất, bồi thường thiệt hại về đất khi thu hồi. Riêng việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, có nghị định riêng của Chính phủ”. 
Quy định này cũng được hướng dẫn tại Tiểu mục 5, Mục III, Thông tư liên tịch số 94TT/LB của Bộ Vật giá Chính phủ - Tài chính - Xây dựng - Tổng Cục địa chính ngày 14/11/1994 hướng dẫn thi hành Nghị định 87/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ quy định khung giá các loại đất: “Đền bù thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 17-8-1994 của Chính phủ; đền bù thiệt hại cho người có đất bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác theo quyết định riêng của Chính phủ”.
Theo quy định trên, việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng phải theo Nghị định riêng của Chính phủ. Thế nhưng khi đền bù cho các hộ dân khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ, UBND tỉnh Nam Định đã căn cứ quy định tại Quyết định số 1580/QĐ-UB ngày 24/10/1998 về giá đền bù đất, cây trồng, vật nuôi khi nhà nước thu hồi đất được xây dựng trên cơ sở Nghị định 87/CP ngày 17/08/1994 áp đơn giá 19.300 đồng/m2. Việc áp dụng pháp luật này là không chính xác bởi vì cũng chính tại khoản 1, Điều 4, Nghị định 87/CP quy định: “Riêng việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, có nghị định riêng của Chính phủ”.
Xét tại thời điểm UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định 1223/2004/QĐ-UB về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng khu đô thị mới Thống Nhất, Chính phủ đã có Nghị định riêng về đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đó là Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998. Do đó, việc đền bù thiệt hại cho các hộ dân khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan chứ không áp dụng theo khung giá quy định tại Nghị định 87/CP.
Mà tại Điều 8, Nghị định 22/1998/NĐ-CP quy định về việc xác định giá tiền để tính đền bù thiệt hại đó là: “Giá đất để tính đền bù thiệt hại do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cho từng dự án theo đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá, có sự tham gia của các ngành có liên quan.
Giá đất để tính đền bù thiệt hại được xác định trên cơ sở giá đất của địa phương ban hành theo quy định của Chính phủ nhân với hệ số K để đảm bảo giá đất tính đền bù phù hợp với khả năng sinh lợi và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở địa phương”.
Như vậy, khi quyết định giá đất đền bù thiệt hại, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phải căn cứ vào từng dự án theo đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá. Trong đó, tại Tiểu mục 3.3, Mục 3, Chương I, Phần a, Thông tư số 145/1998/TT-BTC ngày 04/11/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 22/1998/NĐ-CP quy định cụ thể: “Đất nông nghiệp trong đô thị được đền bù theo giá đất nông nghiệp và cộng thêm một khoản tiền tối đa bằng 30% phần chênh lệch giữa giá đền bù cho đất ở trong đô thị của khu đất ở liền kề với giá đất đền bù đất nông nghiệp”.
Việc xác định hệ số K theo quy định tại Tiểu mục 3.1, Mục 3, Chương I, Phần a Thông tư số 145/1998/TT-BTC: “Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản ở những nơi mà việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã diễn ra phổ biến và đã hình thành giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể xác định hệ số K bằng một trong 2 phương pháp trên, nhưng giá đất tính đền bù thiệt hại bằng giá đất đền bù tính theo khả năng sinh lợi, cộng thêm một khoản tiền tối đa bằng 60% phần chênh lệch giữa giá đất tính theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá đền bù tính theo khả năng sinh lợi của mảnh đất đó”.
Đối với việc hỗ trợ khi thu hồi đất, UBND tỉnh Nam Định không áp dụng quy định tại Công văn số 4448/TC-QLTS ngày 04/9/1999 hướng dẫn xử lý một số vướng mắc trong công tác, đền bù giải phóng mặt bằng:
+ Về hỗ trợ chi phí đào tạo, tỉnh đã áp dụng tính bình quân nhân khẩu cho một hộ gia đình có 2 khẩu là x 150.000 vnđ/1 tháng để tính ra mức hỗ trợ đào tạo và mức hỗ trợ này người dân cũng không được nhận. Trên thực tế tại địa phương, mỗi hộ gia đình có từ 4 đến 7 khẩu (việc này trong kết quả thanh tra đã xác minh). 
+ Về hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp thì tỉnh tính bình quân mỗi hộ bị thu hồi 50% diện tích đất. Trên thực tế, các hộ bị thu hồi từ 70% đến 100% diện tích đất.
Sai phạm này đã được Thanh tra tỉnh Nam Định xác minh và tại Báo cáo số 18 ngày 09/02/2006 kết luận là: “Qua thanh tra cho thấy, đối với dự án này, tài liệu hiện có, đối chiếu với các quy định tại thời điểm UBND tỉnh phê duyệt thì Thanh tra tỉnh Nam Định nhận thấy: phần hỗ trợ đối với các hộ dân bị thu hồi đất tại thôn Đông Mạc, phường Lộc Hạ, TP.Nam Định do hội đồng thẩm định trình UBND tỉnh Nam Định phê duyệt là không sát với thực tế, mức hỗ trợ do hội đồng thẩm định trình tỉnh phê duyệt là vận dụng không có căn cứ sát thực… Căn cứ vào hồ sơ, tài liệu hiện có, UBND tỉnh Nam Định phải ra quyết định thu hồi Quyết định 1260 QĐ-UB ngày 01/06/2004, dẫn tới tình hình sẽ rất phức tạp”. 
Theo nội dung Báo cáo số 22/BC-TTr ngày 01/6/2006, Thanh tra tỉnh Nam Định tiếp tục có kết luận: “Riêng phân hỗ trợ đào tạo tính 700đ/m2 là chưa đúng Văn bản số 448/TC-QLCS ngày 04/9/1999 của Bộ Tài chính... Phần hỗ trợ đào tạo chưa công bằng giữa các hộ dân bị thu hồi của dự án này. Do vậy, ngày 03 tháng 8 năm 2005, tại Văn bản số 152/TB_UB của UBND tỉnh Nam Định đã “giao cho UBND TP. Nam Định chỉ đạo, hướng dẫn UBND phường Lộc Hạ khẩn trương hoàn tất các thủ tục về quy hoạch, thủ tục thu hồi đất, lập báo cáo kinh tế- kỹ thuật chuyển đổi ngành nghề nằm trong diện tích còn lại của UBND phường quản lý, ưu tiên các hộ Nhà nước thu hồi 100% đất nông nghiệp”. 
Như vậy, có quá nhiều sai phạm của UBND tỉnh Nam Định, UBND TP. Nam Định trong quy trình thu hồi đất, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư khu Đông Mạc, phường Lộc Hạ. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những sai phạm nói trên để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các hộ dân.
Thành Vinh (ghi)

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top