Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 8 năm 2018 | 15:44

Diễn biến thị trường BĐS Đà Nẵng quý II

Trong quý II/2018, thị trường BĐS Đà Nẵng tiếp tục mức tăng cũng như nguồn cung và cầu lớn ở nhiều phân khúc. Tuy nhiên, ở phân khúc căn hộ để bán, ghi nhận việc giới hạn ở nguồn cung sơ cấp.

1.jpg
Có dấu hiệu giảm nhiệt ở một số phân khúc nhưng thị trường BĐS được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Giá cho thuê tăng

Báo cáo thị trường BĐS Đà Nẵng trong quý II/2018 của Savills Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trong giá thuê và nguồn cung ở nhiều phân khúc.

Đối với phân khúc bán lẻ, tổng nguồn cung giảm 5% theo năm do Big C tạm ngừng cho thuê. Trong đó, quận Hải Châu tiếp tục ghi nhận thị phần và mật độ bán lẻ lớn nhất, theo sau là quận Thanh Khê.

Tuy nhiên, giá thuê gộp trung bình đạt mức cao nhất ba năm nhờ tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi công suất thuê tăng 1 điểm %. Quận Hải Châu ghi nhận hoạt động cải thiện nhất. Một dự án mới với 2.400m² sẽ ra mắt trong nửa cuối năm 2018. Đồng thời, quận Hải Châu tiếp tục được kỳ vọng là khu vực thu hút nhiều sự quan tâm từ các chủ đầu tư.

Đối với phân khúc văn phòng cũng tương tự, tổng nguồn cung tăng 3% theo năm nhờ Hilton Bach Dang khai trương với 3.000m2. Quận Hải Châu tiếp tục dẫn đầu với thị phần 75%. Trong bốn năm qua, tổng nguồn cung tăng trưởng trung bình 8%/năm. Giá thuê gộp trung bình tăng 12% nhưng công suất giảm 4 điểm % theo năm. Quận Hải Châu ghi nhận hoạt động cải thiện nhất. Một dự án với nguồn cung 5.700m² sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Từ năm 2020 trở đi, hơn 48.000m² sẽ gia nhập thị trường và tập trung chủ yếu tại quận Hải Châu.

Phân khúc khách sạn cũng ghi nhận nguồn cầu lớn. Cụ thể, nguồn cung thị trường gồm 109 khách sạn 3 đến 5 sao với khoảng 12.900 phòng. Trong đó, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Trong nửa đầu năm 2018, thành phố đón 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 29% theo năm. Trong đó, khách quốc tế tăng 47%, đạt mức 1,6 triệu lượt người. Đồng thời, trong nửa cuối năm 2018, sẽ có hơn 1.400 phòng khách sạn 3 đến 5 sao  gia nhập thị trường...

Còn nhiều tiềm năng phát triển

Trong báo cáo của Savills ghi nhận tổng nguồn cung tăng 19% theo năm từ 20 dự án  đối với phân khúc căn hộ. Ba dự án mới đã cung cấp 830 căn ra thị trường, trong đó quận Sơn Trà dẫn đầu thị trường sơ cấp với 68% thị phần. Trong nửa đầu năm 2018, tỷ lệ hấp thụ trung bình tương đối cao, đạt 93%, với lượng bán được cao hơn cùng kỳ năm trước gần ba lần. Giá chào bán trung bình đạt 1.800 USD/m2, tăng 28% theo năm do giới hạn nguồn cung sơ cấp.

Tuy nhiên, ở phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng lại có dấu hiệu giảm nhiệt. Trong bối cảnh chung, thị trường nghỉ dưỡng có xu hướng chững lại và sụt giảm, mặc dù thị trường Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế, nhưng tỉ lệ hấp thụ loại hình BĐS này đang có dấu hiệu giảm nhiệt.

Nhận định về tình hình phát triển BĐS nghỉ dưỡng, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á -Thái Bình Dương cho rằng, thị trường còn nhiều tiềm năng để phát triển. Cụ thể, về mặt dài hạn, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực, mức độ tăng trưởng CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hằng năm) đạt 12,1% trong giai đoạn 2010 - 2016. Trong khi đó, Thái Lan đạt mức tăng trưởng 12,7%, Philippines  9,2% và Indonesia  7,5%.

Ngoài những yếu tố thuận lợi cho ngành BĐS nghỉ dưỡng tại Viêt Nam, Savills Hotels cũng chỉ ra những yếu tố rủi ro đối với thị trường này. Đó là việc còn phụ thuộc rất lớn vào một vài nguồn khách du lịch hàng năm. Năm 2016, chỉ với 2 nguồn thị trường đã chiếm 42% tổng lượng khách quốc tế, trong đó Trung Quốc chiếm 27% và Hàn Quốc chiếm 15%. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có nhiều chính sách để đa dạng hóa nguồn khách quốc tế, do đó vẫn phải chịu rủi ro về sự bất ổn của các thị trường này.

 

 

 

Thái An - Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top