Khi được hỏi nguyên nhân vì sao hầu hết lớp vữa ngoài của các tòa nhà chỉ mới hoàn thành từ năm 2005 đã bị thấm nước? Bằng kinh nghiệm xử lý bề mặt tường nhiều năm, người công nhân này lý giải nguyên nhân của hiện tượng "vữa bay" có thể do khi thi công, nhà thầu đã giảm chất lượng của vữa để nhằm rút bớt chi phí. Hiện trạng này đã xảy ra ở nhiều công trình xây dựng. Tỉ lệ xi măng/ cát thấp sẽ khiến độ chắc của vữa giảm xuống, dưới tác động của nắng mưa, lớp vữa sẽ nhanh chóng bị bong tróc. Đương nhiên, lớp vữa dày vài phân với chất lượng kém này cũng không có khả năng chống thấm và chịu lực.
Ở phía trong tòa nhà B11C phóng viên cũng bắt gặp những mảng tường to dọc cầu thang bộ bị tróc lở. Xung quanh mảng lở, lớp vữa đã không còn bám dính vào gạch, hở ra một khe to. Phía dưới chân tường, những mảnh vụn vữa rơi đầy.
Dưới chân tường phía trong các tòa nhà như B11A, B11C bị thấm nước mưa, rêu mốc bám xanh rì, sơn bong loang lổ, nhiều mảng tường lớn xuất hiện những vết nứt dài, sơn bị phồng rộp chuẩn bị bong tróc.
Theo quan sát của PV, mặc dù đưa vào sử dụng từ năm 2005, nhưng đến nay nhiều hạng mục nhỏ của công trình vẫn chưa hoàn thiện, dễ thấy nhất là đèn trần hành lang nhiều khu nhà chưa lắp bóng, khuôn viên chung nhiều tòa nhà còn bỏ dở, người dân phải tự dùng phấn đánh số thứ tự tầng vì nhà thầu không lắp biển, vệ sinh chung ở cầu thang, sảnh, sân rất bẩn.
Hiên tại sảnh tầng 1 tòa nhà B11A trơ khung trở thành "cái bẫy" lơ lửng trên đầu người dân
Ông Nguyễn Ngọc Đồng - Trưởng ban công tác mặt trận nơi đây cho hay: “Khi tòa nhà được bàn giao cho người dân, nhiều hạng mục nhỏ còn dở dang. Cũng vì nhỏ, nên nhà thầu thờ ơ trong việc hoàn thành. Như việc vỉa hè bị sụt lún, một vài bồn hoa xây chưa xong, gạch lát một vài nơi bị vỡ. Trong các cuộc họp dân, chúng tôi đã phản ánh nhiều lần tuy nhiên đến nay vẫn nguyên hiện trạng. Còn hiện tượng lớp vữa phủ ngoài bị thấm nước, bong tróc đã xảy ra từ những năm 2010.”
Theo ông Phạm Hoàng Anh – Kĩ sư xây dựng – Phó Giám đốc công ty Cổ phần thiết kế và xây dựng Thành Đô cho biết, chất lượng lớp vữa áo ngoài của công trình khi xây dựng không được tính vào phần kết cấu chịu lực. Nếu chất lượng lớp vữa kém có thể tiến hành bóc cạo thay lớp mới mà không hề ảnh hưởng gì đến công trình. Tuy nhiên, lớp vữa ngoài kém, dẫn đến tình trạng tường bị thẩm thấu, gây ẩm, thấm vào trong, nếu để hiện tượng này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gạch, dầm nên có khả năng sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình./.
Doanh Thương (PLVN)