Nhân chuyến thăm cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, tại nhà giàn DK1, Đoàn công tác số 14 với các thành viên thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Đoàn khối các cơ quan Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp và các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương... đã làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa.
>> Tết thiếu nhi ở thị trấn Trường Sa
Đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sĩ trên tàu cùng mặc niệm và thắp nén tâm hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.
Đại tá Phạm Văn Vững, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác đọc diễn văn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở Trường Sa
Trong diễn văn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988 ở Trường Sa, Đại tá Phạm Văn Vững, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh, đầu năm 1988, Trung Quốc có ý đồ đánh chiếm một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, lực lượng Hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ; chạy đua cùng thời gian; củng cố, tăng cường thế đứng của ta trên khu vực quần đảo; chủ động bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống; thực hiện nghiêm đối sách, kiềm chế đến mức tối đa vì nghĩa cử cao đẹp - giữ vững hòa bình, hữu nghị.
Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa
Song, bất chấp công lý và lẽ phải, biết không khuất phục được ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã ngang nhiên và bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Trung đoàn 83, Công binh Hải quân.
Thực hiện nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa.
Dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng trước sự đe dọa, cũng như những hành động dã man của Trung Quốc, các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta cảm phục tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sĩ Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Trước sự tấn công của kẻ thù, các anh vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảc vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo.
Nhà báo Nguyễn Đình Tú, Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam kiêm nhiệm Trưởng Văn phòng đại diện Báo Kinh tế nông thôn tại TP. Hồ Chí Minh dâng hương tại buổi lễ.
Trước lúc hy sinh, anh Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Còn trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...
Những nén hương bùi ngùi, xúc động của Đoàn công tác số 14 cùng cán bộ, chiến sỹ tưởng nhớ tới các liệt sĩ và hứa noi theo tấm gương sáng ngời, tấm lòng quả cảm và kiên trung của các anh
“Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết sức mình. Song, biển thì rộng và sâu, mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay hình hài nhiều đồng chí vẫn còn nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày, hàng giờ mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố... Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang. Song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khuôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức thơ ngây của những đứa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cửa đợi trông, mong các anh trở về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm sao khỏa lấp đầy. Hôm nay, giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu; hướng về hương hoả của tổ tiên; trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú đã ngã xuống; trong niềm tin son sắt về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng, với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn, từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể đoàn công tác chúng tôi xin nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ”, Đại tá Vững nhấn mạnh.
Cán bộ, chiến sĩ thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma
Tại lễ tưởng niệm, những cán bộ, chiến sĩ đã cùng nhau thả vòng hoa xuống biển. “Theo truyền thống, phong tục của dân tộc Việt Nam, chúng tôi xin thắp nén nhang và thả vòng hoa tưởng niệm này để tưởng nhớ các đồng chí để các đồng chí thanh thản, mãi mãi ở lại với biển, với đảo, cùng chúng tôi canh giữ và bảo vệ Trường Sa, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu”, Đại tá Phạm Văn Vững nói.
Minh Tuấn
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.