Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2016 | 1:8

Doanh nghiệp bất động sản khổ vì tiền sử dụng đất

Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố về các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất. Theo HoREA, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản trên địa bàn đang gặp khó khăn với nghĩa vụ tiền sử dụng đất.

Muốn đóng cũng không xong

Theo HoREA, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản trên địa bàn đang gặp khó khăn với nghĩa vụ tiền sử dụng đất.

Theo HoREA, đối với DN hiện nay, tiền sử dụng đất vẫn là một “ẩn số, không minh bạch” (nhà đầu tư không thể tiên lượng được chi phí tiền sử dụng đất trước khi quyết định đầu tư dự án); là một “gánh nặng” (DN trước đó phải mua lại quyền sử dụng đất của dân với giá thị trường, sau đó lại phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn do việc khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp, nên gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai). Không chỉ vậy, nhiều DN cũng than trời về thủ tục hành chính trong việc thu tiền sử dụng đất đã gây ảnh hưởng lớn đến quá trình thi công.

Theo chủ đầu tư của một dự án, từ khi trình Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố xin được định giá tiền sử dụng đất (tháng 9/2015) đến nay đã hơn 7  tháng, công ty vẫn chưa nhận được quyết định phê duyệt giá trị tiền sử dụng đất, làm cơ sở để hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước và bổ sung hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo đúng trình tự đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng, doanh nghiệp này vẫn linh hoạt triển khai dự án theo đúng chỉ tiêu quy hoạch đã được duyệt vào tháng 2/2015.

Chủ đầu tư này cho biết thêm: “Trong thời gian xin cấp phép, có nhiều yếu tố khách quan gây chậm trễ trong việc định giá trị quyền sử dụng đất như sự chuyển đổi cơ quan phê duyệt thẩm định giá từ Sở Tài chính sang Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn thẩm định giá trúng thầu ban đầu bỏ giữa chừng dẫn đến việc định giá kéo dài và phức tạp. Những việc này ảnh hưởng rất lớn đến các chủ đầu tư và các đơn vị phân phối trong quá trình hoàn tất các thủ tục xin chủ trương và cấp phép. Hiện, chúng tôi đã hoàn tất các hồ sơ liên quan và chỉ cần bổ sung hoàn tất nghĩa vụ tài chính quyền sử dụng đất là đủ điều kiện để Sở Xây dựng trình UBND thành phố cấp phép xây dựng phần còn lại”.

Theo chuyên gia kinh tế, TS.Lê Bá Chí Nhân, không chỉ một DN mà rất nhiều DN kinh doanh bất động sản khác cũng đang than trời, thậm chí, có nhiều dự án ách tắc nhiều năm ròng cũng vì thủ tục trong công tác thu tiền sử dụng đất quá rườm rà.

Nặng cơ chế xin - cho

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhiều năm qua, thành phố đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1461/QĐ-UBND ngày 26/03/2016 “Công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Quy hoạch Kiến trúc được chuẩn hóa”. HoREA cũng đã đề nghị thành phố sớm công bố thủ tục hành chính của các sở, ngành, quận, huyện để nâng cao chất lượng phục vụ và trách nhiệm người thực thi công vụ. Đặc biệt, Hiệp hội đề nghị thành phố chỉ đạo các sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục Thuế có cơ chế giải quyết nhanh hồ sơ nộp tiền sử dụng đất đã trình để giúp DN sớm triển khai dự án.

Cũng theo ông Châu, hiện nay, đang thực hiện cơ chế đấu thầu qua mạng để chọn công ty thẩm định giá đất. Chi phí thẩm định này do ngân sách chi trả nên chọn đơn vị trúng thầu có giá thấp nhất. Sau khi đã trúng thầu, công ty thẩm định giá đất này có thể đưa ra các phương án thẩm định giá đất, có thể dẫn đến “tình thế” chủ đầu tư phải “thỏa thuận” mới có kết quả phù hợp. Kết quả này được trình ra Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh xét duyệt trước khi trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định số tiền sử dụng đất phải nộp; và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà. Cách làm này đang tạo ra cơ chế “xin - cho”.

HoREA cũng đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất như đề xuất của UBND TP.Hồ Chí Minh tại Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 08/11/2013 đã trình Chính phủ, cụ thể: “Về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10 - 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”.

Theo ông Nhân, nhìn toàn cục, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng nhưng chưa vững chắc. Do vậy, Nhà nước, Chính phủ cùng các bộ ngành nên có hướng điều tiết thị trường hợp lý. Cùng với đó, các thủ tục hành chính cũng cần được tinh giản, tránh gây khó khăn cho DN kinh doanh bất động sản, thúc đẩy thị trường phát triển trong sạch và bền vững.

Giang Nam

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top