Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 6 tháng 1 năm 2019 | 16:14

Doanh nghiệp phải ký quỹ bảo vệ môi trường trước khi nhập phế liệu

Trước tình trạng hàng chục nghìn container phế liệu "ùn ứ" tại các cảng biển, vừa gây ách tắc vừa chiếm dụng kho bãi, cơ quan hải quan cho biết, giải pháp lâu dài là bắt buộc doanh nghiệp ký vào quỹ bảo vệ môi trường trước khi nhập phế liệu vào Việt Nam.

Sẽ tiêu hủy những lô hàng vô chủ

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Tuy nhiên, qua một số vụ việc điều tra, xử lý, cơ quan hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp có Giấy phép nhập khẩu nhưng không sản xuất, thậm chí không có nhà xưởng, máy móc sản xuất.

a1th.jpg
Các Bộ, ngành liên quan đã thống nhất được phương án xử lý các container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng biển - Ảnh vneconomy.vn

 

Bên cạnh đó, việc cấp phép đối với từng lô hàng có đủ tiêu chuẩn nhập khẩu nhưng thực tế lô hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn.

"Tính đến nay, cơ quan hải quan đã khởi tố hơn 10 vụ việc liên quan đến nhập lậu phế liệu, chuyển một số vụ đến cơ quan công an mở rộng điều tra làm rõ. Trong đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khởi tố 4 doanh nghiệp, Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Cục Hải quan An Giang khởi tố 7 cá nhân nhập lậu phế liệu.

Cơ quan hải quan cũng đã chuyển cơ quan công an khởi tố vụ buôn lậu phế liệu có liên quan đến nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre và 1 cán bộ Chi cục Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre...", Tổng cục Hải quan cho biết.

Đối với hơn chục nghìn container phế liệu ùn ứ tại các cảng, gây ách tắc và chiếm dụng kho bãi hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cụ thể, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, cơ quan liên quan đến khai thác cảng biển.

Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tổng rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý. Đồng thời, cơ quan hải quan tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý các cá nhân, doanh nghiệp có hành vi nhập rác phế liệu... Các bộ ngành liên quan đã thống nhất được phương án xử lý các container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng biển trên cả nước.

Đối với hơn 3.000 container tồn đọng quá 90 ngày tại các cảng biển hiện nay, cơ quan hải quan cho biết đã thông báo tìm chủ sở hữu mà không có người đến nhận sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại, yêu cầu vận chuyển lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tiêu hủy.

Các lô hàng phế liệu tồn đọng còn lại sẽ có hướng xử lý tương tự. Về giải pháp lâu dài, cơ quan hải quan sẽ yêu cầu bắt buộc phải ký quỹ bảo vệ môi trường trước nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng việc phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu sẽ là gánh nặng và thiệt thòi về tài chính. Bởi hiện doanh nghiệp phải lo 2 khoản tiền để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường là ký quỹ và thực hiện đề án cải tạo. Trong khi đó, tiền hoàn trả với lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tín dụng, tiền ký quỹ không được quay vòng để phục vụ sản xuất. Do vậy, cần có các quy định hướng dẫn để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp về tài chính.

Kiểm soát chặt nhập khẩu sắt, thép phế liệu

Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm phải nhập khẩu hàng chục triệu tấn sắt thép các loại. Năm 2013, ngành thép phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn sắt thép phế liệu với tổng số tiền lên đến hơn 1,4 tỉ USD. Theo đó, số tiền kí quỹ nhập khẩu phế liệu sẽ là hơn 1 tỉ USD/năm.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, để đáp ứng sản xuất, từ nay đến năm 2020, các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam sẽ cần nhập khẩu khoảng 19 triệu tấn sắt, thép vụn. Vì vậy, VSA cũng vừa có văn bản gửi Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, cho phép các doanh nghiệp trong ngành thép được tiếp tục nhập khẩu 1,9 triệu tấn sắt, thép phế liệu phục vụ sản xuất trong nước.

a2th.jpg
Sắt, thép phế liệu gây nhiều hệ lụy về môi trường.

 

Mặc dù việc sử dụng sắt, thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu và tiết kiệm chi phí, song theo tính toán, chỉ có khoảng 60 - 70% phế liệu cho ra sản phẩm sắt, thép còn lại là tạp phẩm được loại bỏ trong quá trình sản xuất, đưa đến hệ lụy lớn về môi trường. Hơn thế, sắt thép phế liệu ở dạng cấu kiện, như máy móc, thiết bị, linh kiện, vi mạch, tàu, thuyền, dây chuyền cũ... thì không chỉ phải thêm chi phí tháo dỡ mà còn tiềm ẩn nguy cơ lẫn nhiều tạp chất, nhất là các hóa chất, dầu thải nguy hại.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có 1/3 cơ sở nhập khẩu, chế biến phế liệu sắt, thép cung cấp nguyên phụ liệu cho các nhà máy sắt thép trong nước chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Dù với lý do nào, song theo các chuyên gia, trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành "siết" chặt kiểm soát các loại phế liệu nhập khẩu, nhiều giấy phép nhập khẩu phế liệu đã bị ngưng tái cấp phép, giấy phép nhập khẩu tái sản xuất không đáp ứng các điều kiện kho bãi cũng bị ngưng cấp thì lượng sắt, thép phế liệu nhập khẩu tiếp tục tăng là điều khó chấp nhận.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những biện pháp phòng ngừa ngay cả với lĩnh vực thiếu tài nguyên và phải nhập khẩu phế liệu phục vụ cho sản xuất.

Hiện, Bộ đang tích cực thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua, đồng thời, tiến hành rà soát lại toàn bộ giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch. Thời gian tới, chỉ xem xét cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất.

Hải Phòng: Đấu tranh, ngăn chặn việc nhập khẩu phế liệu vào cảng biển

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, đến hết tháng 11/2018, tại cảng Hải Phòng có 2.639 container phế liệu tồn đọng. Qua kiểm tra, đơn vị phân loại 1.215 container nhựa phế liệu. Hầu hết hàng hóa trong các container có kết quả kiểm tra sơ bộ là nhựa phế liệu các loại (dạng túi nilon, màng PE, bao bì…), không đáp ứng quy chuẩn quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu. Đối với các lô hàng phế liệu, cơ quan Hải quan Hải Phòng có nhiều văn bản yêu cầu và thường xuyên đôn đốc các đại lý hãng tàu khẩn trương vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, Cục Hải quan TP Hải Phòng đang thực hiện việc kiểm tra, phân loại các container phế liệu tồn đọng khác.

anh3th.jpg
Container phế liệu tại cảng Hải Phòng.

 

Để ngăn chặn từ xa, căn cứ kết quả phân tích thông tin trên hệ thống Emanifest (hệ thống “Tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác có liên quan và thông quan điện tử tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh” dành cho người khai hải quan là các hãng tàu, đại lý hãng tàu và công ty giao nhận) trong khi làm thủ tục nhập cảnh cho phương tiện vận tải, Cục Hải quan phát hiện nhiều lô hàng nhập khẩu có thông tin khai báo không đúng với các quy định hiện hành. Kết quả, cơ quan chức năng đã tiến hành ngăn chặn, không cho 143 container phế liệu, 2 tàu vận chuyển phế liệu dỡ hàng xuống cảng. Hải quan Hải Phòng phối hợp với Công an thành phố điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Hiện nay, các cơ quan chức năng TP. Hải Phòng đang gặp một số khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đứng tên nhận hàng tại Việt Nam không cung cấp thông tin, không phối hợp làm việc với cơ quan chức năng. Thậm chí, một số các đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng không xuất trình các lô hàng tồn đọng để cơ quan chức năng kiểm tra theo quy định hiện hành... Trước tình hình trên, Cục Hải quan Hải Phòng sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, tiến hành kiểm tra và phân loại được 1.215 container nhựa phế liệu. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, hầu hết hàng hóa trong các container là nhựa phế liệu các loại (dạng túi nylon, màng PE, bao bì…). Những mặt hàng này đều không đáp ứng các quy chuẩn quốc gia đối với phế liệu nhập khẩu.

Theo đó, đối với các lô hàng phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn nhập khẩu, Hải quan Hải Phòng yêu cầu và đôn đốc các đại lý hãng tàu khẩn trương vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

 

 

 

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top