Trong thời gian qua, quản lý tài sản Nhà nước, trong đó có đất công đang đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh việc doanh nghiệp trục lợi từ nguồn đất công sản đang đòi hỏi cơ quan, ngành chức năng phải kiên quyết xử lý dứt điểm sai phạm.
Việc doanh nghiệp trục lợi từ nguồn công sản Nhà nước trong thời gian qua đã được ngành chức năng làm rõ sai phạm, đơn cử nhiều vụ việc đã được tập hợp hồ sơ đề gửi cơ quan công an để làm rõ sai phạm để có căn cứ xử lý.
Tại TP. Hồ Chí Minh, liên quan đến sai phạm tại dự án BĐS (33 Nguyễn Du, 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1) do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thực hiện. Ngày 12/11/2015, Vinafood 2 ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng Địa ốc Việt Hân (gọi tắt là Công ty Việt Hân). Sau đó hai bên góp vốn thành lập Công ty TNHH Thương mại -Xây dựng - Dịch vụ Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án BĐS trên. Tỷ lệ góp vốn như sau Công ty Việt Hân góp vốn 640 tỷ đồng vào Công ty Việt Hân Sài Gòn (chiếm 80% vốn), 20% vốn còn lại (160 tỷ đồng) do Vinafood 2 đóng góp bằng giá trị tài sản trên đất và 1 phần giá trị quyền sử dụng đất các khu đất nói trên. Tổng giá trị các khu đất được 2 bên xác định là 730 tỷ đồng.
Tiếp theo, Công ty Việt Hân Sài Gòn chuyển cho Vinafood 2 số tiền 570 tỷ đồng là tiền tính từ giá trị khu đất 33 Nguyễn Du và 34-36 Chu Mạnh Trinh, 42 Chu Mạnh Trinh sau khi trừ đi 160 tỷ đồng góp vốn của Vinafood 2. Bước cuối cùng, Vinafood 2 chuyển nhượng phần góp vốn 160 tỷ đồng của mình tại Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty Việt Hân. Đến đây thương vụ chuyển nhượng, mua bán đất có nguồn gốc đất công hoàn tất.
Câu chuyện đặt ra việc Vinafood 2 cho rằng, giá chuyển nhượng mặt bằng 33 Nguyễn Du, 34-36 và số 42 Chu Mạnh Trinh sẽ được 2 bên thoả thuận, căn cứ vào Nghị định 71/2013/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 71/2013/NĐ-CP cũng nêu rõ “giá chuyển nhượng các khoản đầu tư theo nguyên tắc giá thị trường”.
Cùng vấn đề này, trong Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV của Vinafood 2 ban hành cũng xác định giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất của khu đất nói trên là 730 tỷ đồng. Cùng thời điểm này, giá đất trên thị trường tại đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1 có giá từ 478 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Du có giá từ 428 triệu đồng/m2. Như vậy, giá trị 6.300 m2 các khu đất trên đây sẽ có giá ít nhất từ 2.700 - 3.000 tỷ đồng.
Trước các vấn đề này, ngày 19/7/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có văn bản số 2668/VKSNDTC-V5 đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra thông tin phản ánh sai phạm tại dự án BĐS do Vinafood 2 thoả thuận với Công ty Việt Hân, kịp thời trao đổi thông tin kiểm tra với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Đối với những vụ việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra có kiến nghị khởi tố thì chuyển ngay hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra xác minh.
Không riêng những sai phạm tại khu đất công sản của Vinafood 2, TP. Hồ Chí Minh còn nhiều dự án có dấu hiệu sai phạm, trục lợi từ đất công như dự án tại số 76 Tôn Thất Thuyết, dự án khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), khu 32ha đất Phước Kiểng……
Cùng vấn đề đất công sản, tại Bình Dương thời gian qua dư luận rất quan tâm tới việc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Thuận Lợi “xẻ thịt” đất công nằm xen cài trong dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 (phường Mỹ Phước) bán cho nhiều khách hàng thu hàng tỷ đồng, thậm chí có việc doanh nghiệp bắt tay nhau để trục lợi từ nguồn đất công sản này.
Cụ thể, ông Huỳnh Đức A, khách hàng mua lô đất 100m2 tại dự án, số tiền giao dịch tính đến thời điểm hiện tại là hơn 1,4 tỷ đồng. Số tiền này được chủ đầu tư và đơn vị phân phối bắt tay để “chia” lợi nhuận. Trước vấn đề này, mới đây ông A đã có buổi làm việc với Phòng Quản lý đô thị của UBND Thị xã Bến Cát. Theo đó, toàn bộ thông tin, hồ sơ về quá trình nhận chuyển nhượng đất từ Công ty Thuận Lợi cũng được đại diện cung cấp cho lực lượng chức năng. Đồng thời, đại diện cho hai người cũng đề nghị, các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và xử lý đối với cá nhân và tổ chức có liên quan đến việc sai phạm theo quy định (nếu có) nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn chỉ đạo xử lý những sai phạm trong lĩnh vực đất đai do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Thuận Lợi làm chủ đầu tư. Đồng thời, ra quyết định thu hồi hơn 7.000m2 đất công mà doanh nghiệp này tự ý phân lô bán nền. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương giao UBND TX. Bến Cát tiến hành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng theo quy định của pháp luật tại dự án khu dân cư Mỹ Phước 4 do Công ty Thuận Lợi làm chủ đầu tư. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong tháng 8.
Đối với vụ việc tại công ty Thuận Lợi, UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm về sử dụng đất đai. Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương kiểm tra, rà soát để thực hiện thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh BĐS trên địa bàn hiện nay.
Tuy nhiên, để tránh thất thoát lãng phí, thiết nghĩ cần quyết liệt, chấm dứt, thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh không đúng quy định. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, đặc biệt là nguồn công sản Nhà nước.
Liên quan vấn đề này, trước đó, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản báo cáo liên quan đến việc chuyển nhượng dự án, nhằm mục đích trục lợi và các giải pháp xử lý vấn đề này. Trong đó, HoREA điểm mặt 4 trường trục lợi từ đất công. Trong đó, có việc chỉ định nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) không thông qua đấu thầu, đấu giá rộng rãi. Việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoặc nhà đầu tư nước ngoài nhận công trình xã hội hóa đầu tư theo phương thức (PPP) sau đó không thực hiện mà chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư khác để hưởng lợi. Hay những dự án chỉnh trang, tái thiết đô thị sau đó giao lại cho nhà đầu tư theo hình thức chỉ định.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.