Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 8 năm 2021 | 15:13

Đông Anh thực hiện nghiêm "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến"

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh ông Nguyễn Xuân Linh cho biết, Đông Anh siết chặt công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng không gây khó khăn cho dân và doanh nghiệp, không phát sinh các thủ tục phiền hà, thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến"

Thực hiện triệt để “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”
 
Đông Anh là huyện ngoại thành của Thủ đô Hà Nội, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, dự kiến đến năm 2025 sẽ trở thành quận.
 
Trên địa bàn huyện hiện có nhiều khu công nghiệp, lớn nhất là 2 khu công nghiệp Bắc Thăng Long và Nguyên Khê.
dsc_5723.JPG
Các cửa hàng kinh doanh tại trung tâm huyện Đông Anh đều đóng cửa

 

 
Đông Anh cũng là địa bàn “nóng” về lây lan dịch bệnh Covid-19, bởi có nhiều khu công nghiệp và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - nơi điều trị các ca nhiễm Covid-19 nặng từ khi dịch bùng phát đến nay.
 
Chính vì thế, chính quyền huyện Đông Anh đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/3/2020; Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; thực hiện các kết luận, thông báo của Huyện ủy, UBND huyện về thực hiện giãn cách toàn xã hội. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội, nhất là khi thành phố tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8.
dsc_5720.JPG
Phố huyện Đông Anh lúc 8h sáng 12/8.

 

 
Có mặt tại trung tâm huyện Đông Anh lúc 8h sáng ngày 12/8, bình thường ở đây rất đông người và phương tiện qua lại vì có nhiều trụ sở, cơ quan, nhiều doanh nghiệp thương mại, ngân hàng, đặc biệt là các hộ kinh doanh, nhưng đường phố thưa người đi lại, các phương tiện hoạt động rất ít, các cửa hàng kinh doanh, văn phòng giao dịch đều đóng cửa. Chỉ có các chốt kiểm dịch có lực lượng làm công tác phòng, chống dịch bệnh.
dsc_5718.JPG
Lực lượng chức năng tại chốt kiểm tra tại trung tâm huyện Đông Anh.

 

 
Gặp gỡ và trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, xác định địa bàn  là điểm nóng, do đó, các doanh nghiệp, đơn vị đều thực hiện “3 tại chỗ”, nghĩa là ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ và thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, có nghĩa là  đi và về đều trên 1 cung đường, chỉ đi từ nhà và chỉ đến nơi làm việc để cho lực lượng chức năng dễ kiểm soát.
dsc_5727.JPG
Lãnh đạo huyện cũng thực hiện "3 tại chỗ" từ ngày thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND 
 
Ông Nguyễn Xuân Linh nói: “Ngay cả lãnh đạo huyện, lãnh đạo các phòng ban, chuyên môn nghiệp vụ, trong thời gian thực hiện  Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng phải thực hiện 3 tại chỗ, không ai được phép về nhà”.
 
Là doanh nghiệp chuyên cung ứng cho chuỗi sản xuất của các công ty Nhật tại khu công nghiệp Thăng Long, đóng trên địa bàn huyện Đông Anh, Giám đốc Công ty CP Đúc thép Thành Công  Nguyễn Hồng Quang cho biết, không phải bây giờ doanh nghiệp mới thực hiện “3 tại chỗ” mà trước đây, khi đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 2, chúng tôi đã được UBND huyện chỉ đạo phải thực hiện nguyên tắc này. Vì nếu không dập tắt được dịch bệnh thì chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng, người lao động cũng bị ảnh hưởng và dẫn đến Nhà nước cũng ảnh hưởng, kinh tế sẽ không phát triển được, nguy cơ thiệt hại là rất lớn. Do đó, chúng tôi luôn chấp hành và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của chính quyền các cấp.
dsc_5739.JPG
Mọi hoạt động của Công ty CP Đúc thép Thành Công đều trong khuôn viên của doanh nghiệp.
 
“Tất cả mọi hoạt động của chúng tôi đều khép kín, làm việc tại nhà xưởng, ăn và nghỉ tại doanh nghiệp, giao dịch với đối tác đều ứng dụng công nghệ và làm việc online. Chúng tôi có đơn vị cung cấp thực phẩm cho cán bộ, công nhân trong nhà máy, bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng; mọi nhân viên khi ra ngoài giao dịch đều có giấy đi đường. Ngoài ra, chúng tôi còn có cả lịch trực, lịch phân công công việc cần thiết ra ngoài, để lực lượng chức năng tiện kiểm soát”, ông Quang nói.
 
Không chỉ có lãnh đạo Công ty CP Đúc thép Thành Công, mà một số lãnh đạo doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp Nguyên Khê khi được hỏi về việc thực hiện giãn cách, đều đồng tình và thống nhất cao với cách quản lý việc ra ngoài hiện nay của huyện Đông Anh.  
 
Không làm khó doanh nghiệp và người dân
 
Ông Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện Đông Anh rất mong muốn các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, vì đây là thời điểm vàng cho việc dập dịch, rất cần thiết phải áp dụng các biện pháp mạnh trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng không làm khó doanh nghiệp, người dân.
 
Bà Nguyễn Thị Tố Như ở thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội cho biết, từ khi kéo dài việc thực hiện giãn cách xã hội đến nay, người dân trong thôn bảo nhau thực hiện rất nghiêm túc, tất cả các ngõ xóm đều lập chốt và kiểm soát người ra vào trong thôn. Mặc dù có nhiều ngõ, nhưng tất cả chỉ được đi 1 đường, vào 1 đường để thuận tiện cho việc kê khai, đo thân nhiệt. Thôn chúng tôi nhất quyết không cho người lạ vào, để bảo đảm sự an toàn cho nhân dân trong thôn. Mọi hoạt động của người dân, từ mua bán thực phẩm, đồ thiết yếu đều được thực hiện trong phạm vi của thôn, xóm mình.
 
Ông Nguyễn Hồng Quang thì cho rằng, việc người đi đường phải có giấy đi đường theo quy định của thành phố là rất đúng, rất phù hợp để bảo đảm việc thực hiện giãn cách xã hội được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, nếu có việc phải ra ngoài để thực hiện các công việc cần thiết khác rất cẩn phải có giấy xác nhận của cơ quan, cho phép cử cán bộ đó ra ngoài.  
 
dsc_5734.JPG
Đường vào khu công nghiệp Nguyên Khê vắng bóng người.
Ông Nguyễn Văn Thiềng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh, cho biết, tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long hiện có trên 100 doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp đều thực hiện rất nghiêm chỉnh giãn cách xã hội. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất tại đây đều được thực hiện nghiêm ngặt, không được phép vận chuyển trực tiếp vào nhà máy mà chỉ được tập kết tại một khu riêng biệt, được kiểm tra khử khuẩn an toàn, sau đó sẽ có bộ phận được phép vận chuyển vào.
 
Theo ông Thiềng, mặc dù đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nhưng mọi vấn đề liên quan đến an sinh xã hội đều được bảo đảm, hàng hóa thiết yếu, thực phẩm đều được bố trí và cung cấp đầy đủ cho nhân dân. Đặc biệt, Đông Anh có khu vực sản xuất rau xanh để cung cấp cho Thủ đô, chúng tôi cũng tổ chức thu hoạch, vận chuyển cho các đơn vị tiêu thụ, chợ đầu mối đảm bảo đúng quy định. Địa phương tổ chức bộ phận thu hoạch rau, có bộ phận vận chuyển, chuyển sản phẩm nông sản đến nơi tập trung và có bộ phận vận chuyển từ nơi tập trung vào nội thành.
 
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh nói: "Đây là thời điểm vàng để dập tắt dịch bệnh lây lan bên ngoài cộng đồng, muốn làm được phải có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp và của nhân dân. Huyện Đông Anh không ban hành bất kỳ văn bản nào để gây khó khăn cho doanh nghiệp, cho nhân dan trong quá trình đi lại, nhưng rất mong các doanh nghiệp và nhân dân hãy thực hiện việc giãn cách xã hội một cách nghiêm túc, chỉ ra khỏi nhà, nhà máy, cơ quan khi thực sự cần thiết".
 
Lấy câu nói của Giám đốc Công ty CP CP Đúc thép Thành Công Nguyễn Hông Quang làm câu kết cho bài viết “Thà chịu ở nhà máy làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ trong thời gian 15 - 30 ngày để ổn định tình hình dịch bệnh, còn hơn là lại tiếp tục kéo dài giãn cách, vừa vất vả lại vừa thiệt hại, cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Nếu là bạn thì bạn chọn phương án nào?”.
 
Đông Anh đã thành công trong việc thực hiện “3 lớp giãn cách”, đây là cách làm mới được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì hiệu quả phòng chống dịch, thì hôm nay, trong thời điểm “vàng” này, việc siết chặt để giữ vững kết quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh là hoàn toàn hợp lý.
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Lũ dữ đi qua, tấm lòng ở lại

    Mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch bệnh thì truyền thống yêu nước, tinh thần "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách”, “nhường cơm sẻ áo” luôn là bản chất tốt đẹp của người dân Việt Nam lại được phát huy.

  • Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Tạp chí Kinh tế nông thôn chung sức cùng người dân Lào Cai khắc phục hậu quả sau mưa lũ

    Hoàn lưu của cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng về người và tài sản. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nén đau thương cùng nhau nỗ lực khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống trong sự sẻ chia của đồng bào khắp mọi miền đất nước.

  • Bảo Việt dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

    Bảo Việt dành 5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

    Để kịp thời chung tay cùng đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra, Bảo Việt đã trích quỹ an sinh xã hội của Tập đoàn và các đơn vị thành viên để ủng hộ 5 tỷ đồng cho các tỉnh bị ảnh hưởng cơn bão số 3.

Top