Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2016 | 12:35

Agribank Đông Anh: Thực hiện tốt cho vay theo Nghị định 55

Ngày 09/06/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Đông Anh (Agribank Đông Anh) đã thực hiện khá tốt chủ trương này. Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Hữu Hòa, Giám đốc Chi nhánh, cho biết:

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP và của ngân hàng cấp trên, Agribank Đông Anh xác định thúc đẩy tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để triển khai có hiệu quả chương trình này, Agribank Đông Anh đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh và chủ động tổ chức hội nghị tại UBND huyện với sự tham gia của các phòng, ban; các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương về triển khai thực hiện Nghị định 55.

Nguồn vốn của Agribank Đông Anh giúp nhiều chủ trang trại trên địa bàn mở rộng sản xuất.

Đến hết năm 2015, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tại Chi nhánh đạt 4.540 tỷ đồng, chiếm 97,3% trên tổng dư nợ, tăng 782 tỷ đồng so với năm 2014. Doanh số cho vay, số khách hàng và dư nợ đều tăng.

Nguồn vốn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực gì, thưa ông?

Các lĩnh vực mà nguồn vốn của Agribank Đông Anh tập trung chủ yếu là: Cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, đạt 2.029 tỉ đồng, chiếm 44,7% tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 55 (năm 2014 là 1.451 tỷ đồng, chiếm 43,54%). Cho vay phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn đạt 1.716 tỉ đồng, chiếm 37,8% (năm 2014 là 1.181 tỷ đồng, chiếm 35,44%). Trong đó, nguồn vốn chủ yếu tập trung trên địa bàn có nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề gỗ ở Vân Hà, Liên Hà, cán kéo sắt ở Dục Tú.

Đối với cho vay kinh tế trang trại và các mô hình trang trại trên địa bàn: Đến thời điểm 30/11/2015, tổng dư nợ là 104,6 tỷ đồng, với 63 khách hàng. Con số này còn rất thấp so với tiềm năng phát triển kinh tế trang trại trên toàn huyện.

Dư nợ kinh tế hộ sản xuất và cá nhân đạt 2.636 tỉ đồng, tăng 251 tỉ đồng so với năm 2014, chiếm tỉ trọng 56,5% trên tổng dư nợ. Cho vay qua tổ vay vốn dư nợ đạt 156 tỷ đồng với 492 tổ và 3.586 thành viên. Trong đó, cho vay qua Hội Nông dân là 381 tổ với số tiền 125 tỷ đồng, cho vay qua Hội Phụ nữ là 111 tổ với số tiền 31 tỷ đồng.

Những khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định 55 là gì, thưa ông?

Qua thực tế triển khai đã bộc lộ một số bất cập như việc cho vay qua tổ nhóm chưa thực sự phát huy hiệu quả do sự phối kết hợp giữa một số ngành, đoàn thể có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các thành viên vay vốn sai mục đích, để nợ quá hạn gốc và lãi. Bên cạnh đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều hộ nông dân còn thấp, ít được đầu tư khoa học công nghệ nên thu nhập  còn thấp. Công tác khuyến nông, khuyến lâm và việc tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng giữa doanh nghiệp, nhà nông còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả sản xuất và cho vay còn hạn chế.

Các tiêu chí kinh tế trang trại theo quy định mới tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thu hẹp phạm vi đối tượng được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại so với các quy định trước đây. Do vậy, các đối tượng khách hàng trước đây là chủ trang trại nếu không đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn kinh tế trang trại mới sẽ không được hưởng các chính sách áp dụng với chủ trang trại theo Nghị định 55.

Hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhìn chung còn thấp, môi trường kinh doanh còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh dẫn đến việc khách hàng không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp mới được triển khai thí điểm tại một số tỉnh, vì vậy chưa thực sự là công cụ phòng ngừa rủi ro cho khách hàng và các tổ chức tín dụng.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn vốn huy động năm 2015 của Agribank Đông Anh đạt 4.361 tỷ đồng, tăng 894 tỷ đồng, tốc độ tăng 25,8% so với năm 2014. Tổng dư nợ năm 2015 đạt 4.668 tỷ đồng, tăng 396 tỷ đồng, tốc độ tăng 9,3% so với năm 2014.

Đỗ Hùng – Nguyễn Sơn (thực hiện)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top