Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 8 năm 2019 | 13:24

Đời sống người dân Đông Anh nâng cao nhờ nông thôn mới

Hiện, Đông Anh đã có 22/23 xã đạt chuẩn NTM.

Về Đông Anh tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống nông dân”, những điều trong báo cáo và thực tế đã cho chúng tôi thấy được huyện NTM  “thay da, đổi thịt”, 22/23 xã đạt chuẩn NTM.

tr16.jpg

Trường Tiểu học xã Đông Hội khá khang trang, đạt chuẩn quốc gia.

 

Chú trọng hạ tầng

Đông Hội có 6 thôn thì cả 6 thôn hạ tầng cơ sở như đường giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng đều được đầu tư xây mới.

Cụ Nguyễn Ngọc Thư, ở thôn Đông Ngàn cho biết, thôn nằm trong đê sông Đuống, trước đây, khi chưa có nhà máy thủy điện, việc ngập lụt diễn ra thường xuyên mỗi khi có lũ đổ về.

Sau khi công tác trị thủy được quan tâm, việc úng ngập đối với thôn chúng tôi không còn nữa, tuy nhiên hệ thống đường làng ngõ xóm chủ yếu là đường đất.

Chỉ tay về những con đường liên xóm đã được trải bê tông, cụ Thư vui vẻ nói, đây là thành quả của XDNTM, con đường này được sự hỗ trợ về vật chất của chính quyền và công sức bỏ ra của người dân trong thôn.

Còn ông Đặng Văn Luân ở thôn Trung Thôn vui vẻ cho biết, trước đây, khi chưa triển khai XDNTM, cuộc sống của người dân rất khó khăn, các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đầy đủ, hệ thống kênh mương chủ yếu là đào đắp, không phải là mương được bê tông hóa như bây giờ.

“Con đường này trước đây lầy lội lắm, không mưa thì còn đỡ chứ mưa thì rất khó đi lại, chúng tôi ra đồng cấy lúa mà gặp phải trời mưa thì vất vả vô cùng. Nhưng nay, các con đường ra đồng cũng như trong xóm đều được bê tông hóa, cuộc sống người dân được nâng lên khá nhiều”, ông Luận chia sẻ.

Chủ tịch UBND xã Đông Hội Nguyễn Văn Thiện cho biết, triển khai Chương trình 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội , chính quyền xã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn việc XDNTM trên địa bàn sao cho phù hợp và đạt được hiệu quả cao.

Trong những cuộc họp này, chúng tôi phát huy quyền tự chủ của nhân dân, lắng nghe ý kiến của các tổ chức đoàn thể để triển khai XDNTM. Lấy dân làm gốc, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Chúng tôi giao cho lãnh đạo các thôn tự tổ chức xây dựng hạ tầng cơ sở nhưng dưới sự giám sát của nhân dân, chính vì vậy, chất lượng các công trình hạ tầng cơ sở đều đạt chất lượng cao.

Cách làm hay của Đông Anh

Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, Đông Anh đã có 22/23 xã đạt chuẩn NTM, riêng xã Dục Tú đã xây dựng lộ trình về đích trong năm 2019. Đông Anh cũng đã được Chính phủ trao bằng công nhận “Huyện NTM” năm 2016 và là địa phương thứ hai trong tổng số 4 huyện của Hà Nội có được vinh dự này.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, những năm qua, Đông Anh cũng không ngừng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên địa bàn và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 1,5%/năm; thu nhập bình quân đạt 250 triệu đồng/ha/năm. Huyện cũng đã xây dựng thành công thương hiệu “Nếp cái hoa vàng Đông Anh”, cùng một số nhãn hiệu tập thể như: “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà”, đậu làng Chài xã Võng La, “Quất cảnh Tàm Xá” xã Tàm Xá, “bún Mạch Tràng” xã Cổ Loa…

Huyện xây dựng, cải tạo gần 800km đường giao thông, thủy lợi nội đồng; xây dựng, cải tạo 117 nhà văn hóa thôn và 8 trung tâm văn hóa xã; hỗ trợ cải tạo, xây dựng 734 nhà ở cho người có công với cách mạng; 318 nhà cho hộ nghèo, nhà tình nghĩa, qua đó, giải quyết xong nhà dột nát cho người có công và hộ nghèo trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 5,9% còn 1,15%. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi, từ 20 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 47 triệu đồng/năm (cuối năm 2018), dự kiến năm 2019, thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/năm.

Từ năm 2011 đến nay,  Đông Anh đã huy động được 7.523 tỷ đồng để thực hiện Chương trình số 02. Trong đó, nguồn lực xã hội hóa do tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân đóng góp trên 344 tỷ đồng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhận xét: Huyện Đông Anh đã chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo khi triển khai Chương trình 02 của Thành ủy, kịp thời xây dựng các chương trình với lộ trình, cách làm phù hợp với tình hình địa phương; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá của từng giai đoạn; tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân.

Bà Hằng cho rằng, kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình 02 của Đông Anh là bài học thiết thực cho các địa phương trên địa bàn Hà Nội.

“Huyện Đông Anh đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong XDNTM. Huyện đã chọn quy hoạch đi trước một bước là rất khoa học. Bài học kinh nghiệm và kết quả đạt được của Đông Anh là quá trình nỗ lực liên tục cùng công sức đóng góp của các thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân dân trong huyện”, bà Hằng khẳng định.

Thời gian tới, bà Hằng đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, Đông Anh cần tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tạo vành đai xanh gắn với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp...

Đối với mục tiêu XDNTM, bà Hằng đề nghị các cấp uỷ, chính quyền huyện Đông Anh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Toàn dân chung sức XDNTM, đô thị văn minh” để huy động đa dạng nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện chương trình; nhân rộng cách làm hay, mô hình tốt, khen thưởng kịp thời các điển hình tiên tiến. Nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để tiếp cận  các tiêu chí của phường, quận theo hướng bền vững.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top