Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 2 tháng 8 năm 2020 | 20:15

Đồng Nai: Xóa "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường trong sản xuất công, nông nghiệp

Nếu như trước đây, Đồng Nai có nhiều “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường quanh các khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp thì hiện nay, tình trạng này không còn phổ biến. Môi trường đất, nước, nước ngầm, không khí đã được kiểm soát chặt chẽ.

Nhiều giải pháp kiểm soát hiệu quả

Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển các khu, cụm công nghiệp, nhưng nhiều năm gần đây, Đồng Nai không xảy ra sự cố lớn về môi trường trong sản xuất công nghiệp.

Ông Trần Trọng Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho rằng, đó là nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, kiểm tra, đầu tư kinh phí cho bảo vệ môi trường và sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nên môi trường sản xuất công nghiệp được kiểm soát chặt chẽ.

Cụ thể, về quy hoạch, Đồng Nai là địa phương sớm hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung ở những nơi có giao thông thuận lợi, hạ tầng đồng bộ và không có khu dân cư hoặc ít nhà dân hiện hữu. Tỉnh cũng quyết tâm đưa một số khu, cụm công nghiệp ra khỏi nội ô, đưa các cơ sở sản xuất gạch, gốm, gỗ ở khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung và hình thành các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành để thuận lợi cho kiểm tra, giám sát môi trường.

 

images2304472_6.jpg
Đoàn công tác của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giám sát thực tế quy trình xử lý nước thải công nghiệp tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam. Ảnh: B. Mai

 

Về thu hút đầu tư, nhiều năm trở lại đây, Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án thân thiện với môi trường, dự án công nghiệp công nghệ cao, sử dụng ít nhân công lao động; đồng thời kiên quyết từ chối các dự án không đáp ứng được tiêu chí môi trường. Tỉnh giao cho Sở TN-MT và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai thẩm định hồ sơ đăng ký kinh doanh, báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả đơn vị đầu tư hạ tầng bất động sản công nghiệp; không thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đối với các doanh nghiệp (DN) làm ăn lâu năm, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện DN thay đổi dây chuyền sản xuất, hạn chế phát sinh nước thải, khí thải.

Cùng với đó, tỉnh đã đầu tư hàng loạt công trình, dự án nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn chất thải ở các khu, cụm công nghiệp. Điển hình là hệ thống nhà máy xử lý nước thải tập trung, mạng lưới quan trắc nước và khí thải tự động, hệ thống mương thoát nước bên hành lang các khu, cụm công nghiệp.

Hướng đến phát triển công nghiệp bền vững

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong nhiều năm qua, đến nay 31/32 khu công nghiệp đang hoạt động hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải, hơn 1,2 ngàn DN thực hiện đấu nối và khoảng 77% nước thải (gần 100 ngàn m3/ngày đêm) trong sản xuất công nghiệp được đưa về khu xử lý nước thải tập trung.

Về khí thải, hiện nay, hầu hết các DN, cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải lớn đều trang bị hệ thống lọc, khử không khí theo yêu cầu. Ngoài ra, Sở TN-MT cho lắp đặt ít nhất 4 vị trí quan trắc ở mỗi khu, cụm công nghiệp nhằm kiểm soát môi trường không khí.

Liên quan đến giải pháp bảo vệ môi trường bền vững trong sản xuất công nghiệp, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng DN về bảo vệ môi trường, hoàn thiện mạng lưới hệ thống nhà máy xử lý nước thải, hệ thống quan trắc nước và không khí tự động tại các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc đấu nối nước thải của các DN và vận hành của nhà máy xử lý nước thải công nghiệp, thu gom xử lý chất thải công nghiệp, “siết” công tác thẩm định hồ sơ đăng ký kinh doanh, báo cáo đánh giá tác động môi trường của các nhà đầu tư mới và có chế tài mạnh với các DN để xảy ra ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đang triển khai thực hiện 3 đề án để tăng cường việc quản lý, giám sát môi trường tại các khu công nghiệp đó là: Đề án lắp đặt camera giám sát tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung  của các khu công nghiệp, Đề án đánh giá tổng thể các nhà máy xử lý nước thải tập trung và Đề án xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Đây là 3 đề án quan trọng hướng đến sản xuất công nghiệp xanh trong tương lai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, tới đây, Đồng Nai tiếp tục có chính sách cương quyết hơn nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo cho việc phát triển bền vững. Đó là chỉ cho phép mở rộng khu công nghiệp khi đảm bảo điều kiện về môi trường; hạn chế thu hút đầu tư các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tự động nước thải, khí thải để đảm bảo kiểm soát chất lượng nguồn nước, không khí ra môi trường.

Nông nghiệp thuận tự nhiên

Trước áp lực biến đổi khí hậu do ô nhiễm môi trường, trong đó có sự góp phần không nhỏ của sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân của Đồng Nai ngày càng quan tâm ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái với hình thức canh tác thân thiện với môi trường. Ở đây rác thải trong sản xuất nông nghiệp trở thành tài nguyên, là chất hữu cơ tự nhiên có thể giúp cây trồng phát triển.

Theo ông Hoàng Sơn Công, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành hàng bán lẻ Việt Nam, thành viên Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hiện nay có cách canh tác trồng rau chỉ cần phủ rơm và ném rác lên bề mặt đất, tưới vi sinh, gieo hạt, tưới nước, thu hoạch và không cần thêm công đoạn chăm tỉa nào khác. Lối sản xuất này được gọi là nông nghiệp “lười” vì nó giảm tối đa chi phí nhân công và các chi phí khác.

Theo ông Hoàng Sơn Công, hiện nông dân đang chịu quá nhiều áp lực, tiền phân bón, tiền thuốc trừ sâu, tiền thuê đất, tiền nhân công nhưng cây trồng vẫn đối mặt với quá nhiều rủi ro về sâu bệnh, thiên tai… Giải pháp vi sinh dễ làm với chi phí rẻ, nông dân lại có thể tự làm được chất vi sinh nên họ hoàn toàn không phụ thuộc vào đơn vị chuyển giao và có thể tiếp tục chuyển giao tiếp cho những người nông dân khác.

 

images2304890_2a.jpg
Vườn ổi sạch trồng theo hướng thuận tự nhiên của ông Trần Thanh Tùng, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu)

 

Với phương pháp canh tác nông nghiệp thuận theo tự nhiên, nông dân hoàn toàn không cần sử dụng đến phân hóa học, thuốc diệt cỏ cũng như các loại thuốc hóa học khác. Đất màu mỡ là nhờ phân hữu cơ gắn với lối canh tác xen canh, luân canh để cho đất được nghỉ ngơi. Trong đó, chất thải chăn nuôi, cành cây, lá cỏ, rác hữu cơ… được tận dụng trở thành phân bón nuôi dưỡng cây trồng.

Ông Trần Thanh Tùng là nông dân đi tiên phong tại xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) làm nông nghiệp thuận tự nhiên, trong đó giải pháp vi sinh được chú trọng hàng đầu. Từ 3 năm trước, ông Tùng đã xây dựng mô hình sản xuất khép kín vườn - ao - chuồng. 5ha đất của gia đình được ông nuôi gà, vịt, có ao thả cá với chất thải chăn nuôi được tận dụng làm phân bón hữu cơ cho vườn cây. Ông Tùng cũng trồng xen canh nhiều loại cây trồng từ hoa lan, hoa hướng dương, hoa đậu biếc đến các loại rau, đậu xen canh với mô hình cây lâu năm như: cây ổi, bưởi…

Giai đoạn mới bắt tay thực hiện, ông Tùng làm theo hướng hơi cực đoan là chỉ bón phân hữu cơ cho đất, trồng cây và để cây trồng tự nhiên phát triển, hoàn toàn không ứng dụng một giải pháp phòng trừ sâu bệnh nào cho cây. Theo đó, cây trồng phát triển kém, sâu bệnh xuất hiện nhiều.

Sau khi tham gia một số lớp tập huấn về làm nông nghiệp hữu cơ do địa phương tổ chức và bỏ công tìm hiểu thêm, ông Tùng đã ứng dụng công nghệ sinh học tự ủ phân bón hữu cơ và sử dụng men vi sinh để tạo ra những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ. Nhờ đó, đất sản xuất vốn khô cằn dần tơi xốp, màu mỡ hơn, cây trồng sinh trưởng tốt.

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top