Mặc dù dự án chung cư One 18 (số 19 ngõ 298 đường Ngọc Lâm, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) vẫn chỉ là bãi đất trống, chưa được cấp GPXD, nhưng chủ đầu tư đã rao bán. Với chiêu trò quảng cáo “rầm rộ”, đến nay nhiều vị thượng đế đã “xuống tay” đặt mua căn hộ, trong khi dự án còn chưa đủ điều kiện để khởi công.
>> Dự án chung cư One 18: Chưa có GPXD đã rao bán rầm rộ
Dự án chung cư One 18 vẫn chỉ là mảnh đất trống, thế nhưng Chủ đầu tư, các sàn BĐS đã “tung hô” rao bán căn hộ rầm rộ
Như Báo điện tử Xây dựng thông tin ở bài viết trước, dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ IDB (chung cư One 18) nằm tại vị trí số 19 ngõ 298 đường Ngọc Lâm, dự án do Cty CP đầu tư và phát triển kinh doanh (IDB) là chủ đầu tư. Dự kiến công trình được xây dựng với quy mô 3 tầng hầm, 18 tầng nổi với 224 căn hộ chung cư cao cấp. Tuy nhiên, hiện nay dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng (GPXD). Mặc dù chưa đủ điều kiện khởi công dự án, tất cả vẫn chỉ là bãi đất trống, nhưng các sàn BĐS đã “rầm rộ” rao bán căn hộ dưới hình thức đặt tiền 10% giá trị căn hộ đặt mua.
Hành vi vi phạm này đã bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt theo Quyết định số 99/QĐ-XPVPHC đối với Cty CP đầu tư và phát triển kinh doanh đại diện là ông Trần Quang Nghĩa – Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính, tổ chức thi công xây dựng công trình không có GPXD mà theo quy định phải có GPXD; quy định tại điểm C khoản 6 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS, khai thác VLXD, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở.
Để có cách nhìn khách quan, liên quan đến những rủi ro của khách hàng khi đặt mua căn hộ tại dự án chưa đủ điều kiện pháp lý. Luật sư Vi Văn A, Trưởng Văn phòng Luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Thời gian qua, đã xảy ra nhiều trường hợp khách hàng mua căn hộ chung cư gặp “nạn” về vấn đề pháp lý liên quan đến mua căn hộ chung cư chưa đủ điều kiện pháp lý. Do đó, người mua căn hộ chung cư cần phải tìm hiểu kỹ về dự án, cũng như về năng lực của chủ đầu tư trước khi quyết định mua căn hộ, bởi thực tế đã cho thấy phần thua thiệt luôn thuộc về người mua. Do phần lớn hợp đồng mua bán luôn được ký theo đúng mẫu do Chủ đầu tư đưa ra, trong khi đó người mua gần như không thể sửa đổi hay hiệu chỉnh gì trong hợp đồng đó.
Ngoài ra, người mua căn hộ cần phải yêu cầu Chủ đầu tư dự án cung cấp đầy đủ thông tin về dự án như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó phải có ngành nghề kinh doanh BĐS; Giấy CNQSDĐ của dự án; Hồ sơ xác định chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế liên quan đến đất; GPXD và các giấy phép phục vụ cho việc xây dựng…
Ngoài ra, tùy theo quy mô của dự án để người mua căn hộ căn cứ tìm hiểu xem dự án đó đã được UBND cấp quận, huyện hoặc cấp tỉnh, thành phố chấp thuận đầu tư. Lưu ý là văn bản chấp thuận đầu tư khác với văn bản công nhận chủ đầu tư của dự án, bởi văn bản công nhận chủ đầu tư của dự án chỉ là văn bản pháp lý ban đầu để nhà đầu tư tiến hành các thủ tục pháp lý tiếp theo để thực hiện dự án.
Cũng theo Luật sư Vi Văn A thì: Nếu khách hàng đã lỡ mua phải căn hộ không đảm bảo tính pháp lý, thì khách hàng có thể tự liên hệ với bên bán, yêu cầu trả lời bằng văn bản; thuê luật sư làm đại diện cho mình làm việc với bên bán hay khởi kiện bên bán ra Tòa án để đơn phương chấm dứt hợp đồng và thu lại tiền đã nộp, cộng với một khoản tiền bồi thường.
Trả lời báo chí, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Nếu chủ đầu tư đáp ứng điều kiện như: Có GPXD, xong móng và lên cốt 0.0 sẽ được Sở cho phép bán hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư chưa thông qua cơ quan chức năng vẫn bán hàng. Việc thanh tra khó vì khi kiểm tra, chủ đầu tư giấu giấy đặt cọc, hợp đồng bán hàng... khiến cơ quan chức năng không thể xử phạt.
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia BĐS cho rằng: Có thể thấy việc rao bán căn hộ khi chưa đủ điều kiện bán là cách lách luật để huy động vốn, dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc này thường diễn ra với những doanh nghiệp thiếu năng lực tài chính, phải dùng cách “mượn đầu heo nấu cháo” để dùng quay vòng tiền vốn của khách hàng. Những khách hàng gặp phải chủ đầu tư này phải thận trọng, bởi tính rủi ro cao. Do vậy trước khi quyết định chọn mua căn hộ của mình, khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ dự án, thông tin, cũng như pháp lý của dự án. Bởi nếu có xảy ra vấn đề gì, khách hàng vẫn là người bị thiệt hại nhất. Ngoài ra, chứng thư bảo lãnh của ngân hàng cũng là yếu tố quan trọng không kém, vì đây là cứu cánh của khách hàng nếu chủ đầu tư mất khả năng tài chính.
Theo Vũ Chiến/baoxaydung.com.vn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.