Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 12 năm 2018 | 14:2

Dự án KDC cao cấp và trường đua ngựa: Chủ đầu tư bên bờ phá sản!?

Dự án Khu dân cư (KDC) cao cấp và Trường đua ngựa theo tiêu chuẩn quốc tế nằm trên địa bàn hai xã Đức Lập Thượng và Tân Mỹ (Đức Hoà) do Công ty CP Địa ốc Hồng Phát (Công ty Hồng Phát) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 140 triệu USD, được kỳ vọng thúc đẩy ngành du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An.

Tuy nhiên, dù được triển khai hơn 10 năm, dự án liên tục gặp “trắc trở” do phát sinh tranh chấp với đối tác và chủ đầu tư có nguy cơ bị phá sản!?

 CPL quảng cáo “Saigon Beverly Hills” trên trang Web của công ty mẹ.

 

Vẽ “Saigon Beverly Hills” nhằm mục đích gì?

Tìm hiểu được biết, ngày 11/7/2005, UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định thu hồi  273ha đất để giao cho Công ty Hồng Phát triển khai dự án (giai đoạn I) Khu đô thị mới và Trường đua ngựa tiêu chuẩn quốc tế. Nhận thấy tính quy mô, khả thi của dự án, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn hợp tác với chủ đầu tư để cùng triển khai, trong đó có CPL là công ty con của Công ty Chuang’s Consortium International Limited (Công ty Chuang’s), trụ sở tại Hồng Kông.

Sau khi bàn bạc, đại diện hai công ty cùng thống nhất ký “Thỏa thuận khung”, ngày 01/6/2007, xác định tổng số vốn đầu tư ban đầu cho dự án là 140 triệu USD. Hồng Phát và CPL dự định ký kết một Hợp đồng thành lập công ty liên doanh với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất (QSDĐ), CPL góp 70% bằng tiền mặt. CPL tạm ứng 15,6 triệu USD để trả cho chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thành thủ tục cấp QSDĐ…Số tiền này được tính vào tiền góp vốn của CPL khi thành lập công ty liên doanh.

Theo đó, thỏa thuận khung chỉ ghi nhận nội dung CPL chuyển tiền ứng trước Hồng Phát và Hồng Phát cam kết đưa giá trị QSDĐ vào góp vốn trong công ty liên doanh. Thỏa thuận khung không phải Hợp đồng liên doanh.           

Phải mất gần 8 tháng (từ tháng 6/2007 đến tháng 02/2008), CPL mới chuyển đủ số tiền 15,6 triệu USD, trong đó có 13 triệu USD chuyển trực tiếp qua Trung tâm Dịch vụ tư vấn nhà đất tỉnh Long An để chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất.

cty-hong-phat.jpgCông ty CP Địa ốc Hồng Phát.

Bà Thái Thị Hồng Hậu, Phó tổng Giám đốc Công ty Hồng Phát, trình bày: Ngay khi ký Thỏa thuận khung thì CPL đã cố tình vi phạm. Điều 11 của Thỏa thuận khung ghi rõ việc hai bên phải bảo mật những nội dung của thỏa thuận và các thông tin mà hai bên cung cấp liên quan đến dự án. Thế nhưng, ngày 21/6/2007, tức chưa tới 3 tuần sau khi Thỏa thuận khung được ký kết, CPL thông qua công ty mẹ Chuang’s, đưa toàn bộ dự án lên sàn chứng khoán Hồng Kông. Tệ hại hơn, CPL còn đổi tên dự án thành “Saigon Beverly Hills”, trong đó CPL góp 70% vốn. Beverly Hills là thành phố giàu có, phồn hoa bậc nhất ở Mỹ với những khu nhà sang trọng, giành cho những người nổi tiếng.

“Việc lấy “râu ông cắm cằm bà”, gắn địa danh Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), thành phố lớn nhất của Việt Nam với “Beverly Hills” của Mỹ đã lộ rõ ý đồ gian dối, có chủ đích của CPL và công ty mẹ Chuang’s. Thủ đoạn “đánh lận con đen” nhằm lừa dối, để các cổ đông và nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Hồng Kông lầm tưởng CPL đang nắm giữ đến 70% dự án bất động sản “tầm cỡ” tại Việt Nam. Ngay lập tức cổ phiếu của CPL tăng giá mạnh, giúp  CPL thu lợi đến 80 triệu USD”, bà Hậu bức xúc nói.

Bà Hậu nhớ lại: Thời điểm đầu năm 2008, Nhà nước thực hiện việc điều chỉnh khung giá gần sát giá thị trường; tiền sử dụng đất cũng tăng cao, riêng tại dự án của Hồng Phát từ 100.000 lên 300.000 đồng/m2. Ước tính Hồng Phát phải đóng thêm khoảng 465 tỷ đồng (tương đương 27 triệu USD) tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó là khu tái định cư, theo Thỏa thuận khung, sẽ triển khai ở giai đoạn II nhưng UBND tỉnh Long An chỉ đạo công ty phải thực hiện giai đoạn I với chi phí phát sinh khoảng 4,5 triệu USD…

Bà Hậu nêu quan điểm: Là chủ đầu tư dự án, Hồng Phát rất chú trọng đến việc tái định cư cũng như chăm lo, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất. Đây cũng là chủ trương lớn luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2008 đến tháng 9/2008, Hồng Phát đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện của CPL, đưa ra những vấn đề phát sinh của dự án để cùng bàn bạc, nhất là chi phí tái định cư. Thế nhưng, CPL không chấp nhận.

Ngày 10/7/2008, Giám đốc CPL là ông Andrew Lui, viết thư gửi Hồng Phát, thẳng thừng từ chối: “CPL không thể xem xét bất kỳ khoản thanh toán đầu tư  nào thêm cho dự án cho đến khi có một hợp đồng liên doanh ràng buộc”. Tiếp đến, ngày 26/9/2008, CPL có văn bản, đưa ra điều kiện:“CPL chỉ có thể xem xét các khoản thanh toán tiếp theo khi Giấy chứng nhận QSDĐ của toàn dự án đã được cấp dưới tên của công ty liên doanh”. Điều kiện mà CPL đưa ra quá phi thực tế. Bởi dự án chỉ mới thực hiện được một phần của giai đoạn I; chưa triển khai giai đoạn II (220ha) thì lấy đâu ra Giấy chứng nhận QSDĐ của toàn dự án?

Ngày 21/8/2010, CPL phát đơn kiện Công ty Hồng Phát ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Ngày 26/4/2013, VIAC ra phán quyết, nội dung: Hai công ty tiếp tục thực hiện “Thỏa thuận khung” để thành lập “Công ty liên doanh”. Về “phí trọng tài”, VIAC tuyên buộc hai bên phải nộp 114.207,16 USD (khoảng 2,4 tỉ đồng), trong đó CPL chịu 20%, còn lại 91.365,73 USD Hồng Phát chịu. Do CPL đã tạm ứng toàn bộ “phí trọng tài” nên Hồng Phát phải trả lại cho CPL số tiền 91.365,73 USD (hơn 2 tỉ đồng).

Ngày 29/10/2013, Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh ra Quyết định Thi hành án, sau đó có Công văn số 2709/CTHA ngày 9/12/2013 gửi Sở Tư pháp tỉnh Long An đề nghị ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hồng Phát theo yêu cầu của CPL.

Sau đó, Công ty Hồng Phát có văn bản gửi UBND tỉnh Long An, báo cáo tình hình tranh chấp giữa hai công ty, đồng thời khẳng định sẽ tuân thủ theo phán quyết của VIAC nhưng phải trên tinh thần thiện chí của hai bên, đúng theo quy định pháp luật. Ngày 25/4/2014, Hồng Phát  có văn  bản gửi lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh nêu rõ những khó khăn chồng chất của Dự án, cộng thêm Công văn số 2709/CTHA sẽ đẩy doanh nghiệp vào cảnh phá sản.

Ngày 18/8/2014, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định “ủy thác” cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tiếp tục thi hành án đối với Hồng Phát. Như vậy, sau gần 10 tháng “ôm” thi hành án, Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh mới chuyển cho đơn vị khác thực hiện nhưng vẫn giữ lại Công văn ngăn chặn số 2709/CTHA ...

hong-phat-2.jpg
Dù bị đối tác quay lưng, nhưng Công ty Hồng Phát vẫn triển khai Dự án theo tiến độ.

Cũng theo nội dung đơn thư gửi cơ quan chức năng và báo chí, bà Thái Thị Hồng Hậu cho biết: Ngoài số tiền hơn 1.000 tỉ đồng đã đầu tư, Công ty Hồng Phát với hơn 10 năm tâm huyết đã đổ biết bao công sức vào Dự án cùng sự đóng góp của rất nhiều lao động Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác và hưởng lợi gì. Trong khi đó, Công ty CPL chỉ bỏ ra 15,6 triệu USD, không có thêm bất kỳ đóng góp nào khác cho Dự án nhưng đã trục lợi rất lớn. Đã vậy, CPL còn xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Hồng Phát là chủ đầu tư duy nhất của Dự án. 

Ngày 1/10/2014, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An ra Quyết định thi hành án. Ngày 13/11/2014, Cục Thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện Văn phòng UBND tỉnh Long An, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng một số cơ quan chức năng tỉnh…Đại diện Công ty Hồng Phát trình bày việc công ty đã đầu tư thêm khoảng 34 triệu USD để phát triển Dự án, nên mong muốn CPL ngồi lại để thỏa thuận. 

Về phía Công ty CPL cũng yêu cầu Công ty Hồng Phát trả ngay “phí trọng tài” 91.365,73 USD cho CPL, nếu không thực hiện thì đề nghị Cục Thi hành án dân sự cưỡng chế tài sản.

Ngày 10/12/2014, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tiếp tục có Công văn số 162/CTHA ngăn chặn mọi giao dịch liên quan 219.226m2 đất (thuộc khu đất 232,66 ha). Tiếp đến, ngày 25/12/2014, Cơ quan này có văn bản yêu cầu trong vòng 10 ngày, Hồng Phát phải tự nguyện thi hành án, quá thời hạn trên, Cục Thi hành án dân sự sẽ tiến hành kê biên 219.226m2 để thi hành án phần “phí trọng tài” và các chi phí trong quá trình tổ chức thi hành án. Do Công ty Hồng Phát có khiếu nại, ngày 16/1/2015, Cục Thi hành án dân sự Long An ra Công văn số 253/CTHA thu hồi Công văn số 162/CTHA. Đến ngày 23/4/2015, Công ty Hồng Phát đã nộp xong tiền “phí trọng tài”.

Trong thời gian này, Công ty Hồng Phát đã nhiều lần gửi công văn cho CPL đề nghị xúc tiến Hợp đồng liên doanh, cụ thể như Công văn số 86/CPHP.15 ngày 11/11/2015; Công văn số 87/CPHP.15 ngày 17/11/2015, Công văn số 89/CPHP.15 ngày 23/11/2015… Tuy nhiên, CPL không hồi âm; riêng Công văn số 87, CPL từ chối nhận.

hong-phat-3.jpg
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 140 triệu USD, sau khi hoàn thành sẽ thúc đẩy ngành du lịch trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An.

 

Ngày 18/3/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chủ trì buổi làm việc với các sở, ban, ngành và ra Thông báo số 47/TB-UBND, yêu cầu Công ty Hồng Phát khẩn trương thực hiện triển khai Dự án. Đến hết năm 2016, nếu Hồng Phát chưa hoàn thành thì Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động Dự án. Đương đầu với hàng loạt khó khăn nhưng Công ty Hồng Phát vẫn thực hiện theo cam kết với tỉnh, tiếp tục duy trì, phát triển Dự án và luôn tôn trọng Phán quyết trọng tài cũng như thiện chí hợp tác với Cơ quan thi hành án để thi hành Phán quyết... Công ty Hồng Phát đã nhiều lần trao đổi, thỏa thuận với CPL nhưng không thành.

Trong khi đó, UBND tỉnh Long An tiếp tục có chỉ đạo thu hồi Dự án nếu chủ đầu tư không nộp đủ 210 tỉ đồng trước ngày 31/5/2017 (Văn bản số 22/TB-SKHĐT ngày 9/3/2017 và Văn bản số 35/TB-SKHĐT ngày 10/4/2017 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An). Với quyết tâm thực hiện dự án, Công ty Hồng Phát đã tìm nguồn tài chính để Dự án được tiếp tục triển khai. Số tiền 210 tỉ đồng, Công ty Hồng Phát đã tuân thủ và nộp đủ cho tỉnh Long An trước thời hạn. 

Dự án có nguy cơ bị “phá sản”

Vấn đề của sự việc đang đi vào bế tắc bởi Công ty Hồng Phát luôn nỗ lực để phát triển Dự án thì CPL tìm mọi cách kìm hãm. Sau khi ngăn chặn bất thành việc Hồng Phát sử dụng 13 sổ đỏ, CPL tiếp tục có văn bản đề nghị Cục Thi hành án tỉnh Long An ngăn chặn Hồng Phát lần thứ hai. Chấp nhận yêu cầu trên, ngày 18/9/2017, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An có Công văn số 525/CTHA, ngăn chặn không cho thế chấp, bảo lãnh đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát.

Nguồn tài chính quan trọng hiện tại để Công ty Hồng Phát phát triển Dự án chính là 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên nhưng đã bị chặn đứng bởi CPL. Việc ngăn chặn này khiến cho Dự án rơi vào bế tắc và một lần nữa có nguy cơ bị thu hồi, dẫn đến phá sản.

Trước việc Công ty Hồng Phát liên tục có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng, Đoàn công tác Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tổ chức nhiều cuộc họp với tỉnh Long An, Công ty Hồng Phát, CPL, đi đến kết luận tại buổi làm việc ngày 10/11/2017: “Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao để xem xét đề nghị của Công ty Hồng Phát”.

Được biết, ngày 28/11/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 12705/VPCP-V.I, truyền ý kiến của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc phản ảnh, kiến nghị của Công ty Hồng Phát như sau: “Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Long An xem xét, xử lý các nội dung phản ảnh, kiến nghị của Công ty Hồng Phát liên quan đến quá trình thi hành án của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đối với Phán quyết số 29/12 ngày 25/4/2013 của VIAC; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 2/2018”.

Từ chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự, ngày 29/11/2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An có Công văn số 682/CTHA “Chấm dứt hiệu lực Công văn số 525/CTHA ngày 18/9/2017”. Tuy nhiên đến nay, Công ty Hồng Phát vẫn chưa được Văn phòng Đăng kí đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho phép đăng kí giao dịch bảo đảm đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên nên Công ty Hồng Phát không thể tiến hành việc thế chấp, vay vốn tiếp tục phát triển Dự án.

cong-van-tra-loi-bo-ca.jpg
Công văn của Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công An) xác định: “Đến nay, Công ty CPL không có thông tin về đăng kí đầu tư, đăng kí kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”.

 

CPL chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam  

Tiếp tục tìm hiểu được biết, việc CPL và công ty mẹ Chuang’s phá bỏ cam kết bảo mật thông tin sau khi ký kết với Hồng Phát, đưa toàn bộ Dự án còn trong “trứng nước” lên sàn chứng khoán ở Hồng Kông, quảng cáo để thu lợi là thể hiện sự gian dối, bất chấp pháp luật.

Phát sinh tranh chấp, thay vì ngồi lại bàn bạc giải quyết trên cơ sở hai bên cùng có lợi, Giám đốc Andrew Lui đã phát đơn tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty Hồng Phát là bà Trần Thị Việt Thanh “chiếm đoạt 15,6 triệu USD”, gửi Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Qua xác minh của các cơ quan chức năng cho thấy: Tại Văn bản số 1606/ANCTNB-P4 ngày 7/11/2018, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an, xác định: “Đến nay, Công ty CPL không có thông tin về đăng kí đầu tư, đăng kí kinh doanh và chưa được cấp phép hoạt động thương mại tại Việt Nam”.

Ngày 17/4/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 2463/BKHĐT-PC nêu rõ: “Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi bỏ vốn vào dự án tại Việt Nam thì không có cơ sở để tổ chức, cá nhân này thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư”.

Tại cơ quan điều tra, CPL yêu cầu Hồng Phát thành lập công ty liên doanh theo Thỏa thuận khung, nếu không CPL sẽ làm độc lập, một mình thực hiện dự án. Phía chủ đầu tư trình bày: Do chính sách đất đai có nhiều thay đổi, dự án cần thêm vốn để thực hiện nhưng CPL không chấp thuận. Qua tìm hiểu, CPL không đủ khả năng tài chính nên  Hồng Phát  không  tiến hành  lập công ty liên doanh.

Sau khi điều tra, làm rõ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận: CPL đã chuyển 15,6 triệu USD cho Hồng Phát để thực hiện dự án.  Hồng Phát đã nhận tiền, đang triển khai dự án là có thật. Dự án đã được UBND tỉnh Long An cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Đây là “tranh chấp kinh tế dân sự”. 

Bà Thanh bức xúc nói: “Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận rõ, số tiền của CPL đã được đầu tư, phát triển dự án, tôi không hề chiếm đoạt. Ngược lại, chính CPL đã  cố tình vi phạm thỏa thuận khung ngay từ khi vừa ký kết, đưa dự án mới hình thành trong “trứng nước” lên sàn chứng khoán để lừa nhà đầu tư, thu lợi hơn 80 triệu USD. Trục lợi “khủng” rồi “la làng”, vu cáo trắng trợn, xúc phạm nghiêm trọng đến Công ty Hồng Phát cũng như cá nhân tôi. Việc làm của CPL có chủ đích nhằm cô lập, đẩy Hồng Phát vào đường cùng, không thể triển khai dự án. Khi đó, CPL sẽ nhảy vào làm chủ dự án như đã tuyên bố tại Cơ quan điểu tra...”.

Như vậy, việc CPL bỏ vốn vào Dự án tại Việt Nam (hợp tác với Công ty Hồng Phát) không được xem là hoạt động đầu tư theo pháp luật về đầu tư. Công ty Hồng Phát đã nhận ra việc hợp tác với Công ty CPL chưa tuân thủ theo pháp luật Việt Nam nên luôn muốn hai bên ngồi lại giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, cùng có lợi nhưng bất thành.

Trao đổi với báo chí, đại diện cho CPL cho biết: “CPL không phản đối các chi phí liên quan trực tiếp, hợp lý. Chi phí đó theo đúng thoả thuận là do Cty liên doanh trả. Tuy nhiên, hiện nay Hồng Phát yêu cầu CPL phải trả trước khi ký hợp đồng liên doanh. Hồng Phát coi đây là điều kiện tiên quyết để ký hợp đồng liên doanh. Đây là không đúng thoả thuận và không phù hợp với thông lệ tài chính”.

Được biết, Công ty Hồng Phát đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Long An hủy bỏ việc ngăn chặn giao dịch đối với 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Công văn số 682/CTHA ngày 29/11/2018 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An để Hồng Phát thực hiện quyền huy động vốn đầu tư cho phát Dự án theo đúng quy định của pháp luật.  

Công ty Hồng Phát cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Long An tìm biện pháp hỗ trợ, giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa hai Công ty Hồng Phát và CPL, tạo điều kiện cho Dự án phát triển, sớm hoàn thành, đi vào hoạt động.

 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), cho rằng: “Hai bên chưa thống nhất chi phí đã đầu tư của Công ty Hồng Phát. Cơ quan nhà nước không thể làm thay được việc này. Tuy nhiên, có nhiều cách để xác định chi phí nào là thực tế, là hợp lý. Hiện dự án có được mảnh đất như vậy là rất đáng quý. Vì lợi ích đại cục, các bên nên ngồi bàn thảo, chấp nhận các chi phí và sau đó thành lập liên doanh, vì các bên đều mong muốn thành lập liên doanh”.

 

 

Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top