Nhiều hộ dân và cơ sở kinh doanh tại dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ La Gi (Queen Pearl Marina Complex) ở Bình Thuận chưa nhận được hỗ trợ, đền bù nhưng chủ đầu tư vẫn triển khai thi công dự án sau hơn 10 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án hơn 1 thập niên không triển khai
Dự án Queen Pearl Marina Complex do Công ty TNHH xây dựng thương mại và dịch vụ Vi Nam (Công ty Vi Nam) làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư năm 2005 với diện tích 332.678,17 m2. Với diện tích này có rất nhiều hộ dân trong khu vực bị giải tỏa trắng. Tuy nhiên, kéo dài hơn 10 năm chủ đầu tư không hề triển khai dự án.
Đến tháng 11/2016, dự án chưa đủ điều xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công. Lúc này Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận lại có văn bản đồng ý cho chủ đầu tư thực hiện với lý do chủ đầu tư đã cam kết chỉ làm lễ động thổ cho phù hợp với phong tục tập quán tín ngưỡng của người Việt Nam.
Những tưởng dự án sẽ được triển khai nhưng một lần nữa dự án lại dậm chân tại chỗ. Đến tháng 4/2017 thì UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định điều chỉnh quy hoạch dự án chỉ còn 161.756 m2. Đồng nghĩa với việc phần lớn diện tích của dự án là đất sạch (nếu không tính phần bồi thường cho các trang trại làm mực cho người dân) và lại giao Công ty Vi Nam làm tiếp.
Câu hỏi đặt ra liệu chủ đầu tư có được ưu ái hay không khi dự án hơn 10 năm không được triển khai nhưng cũng không bị thu hồi. Dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), điều 64 của Luật Đất đai quy định rõ, đất được Nhà nước giao, cho thuê mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì chủ đầu tư được gia hạn thêm 24 tháng nhưng phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng mức tiền sử dụng đất, thuê đất. Nếu hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.
Người dân vẫn sinh sống trên dự án đang triển khai
Theo đó, trong đơn gửi các cơ quan báo chí bà Phạm Thị Ninh (ở khu phố 4, P.Phước Lộc, thị xã La Gi) cho biết, hiện trên dự án Queen Pearl Marina Complex bà đang có 3 trại làm mực với tổng diện tích khoảng 300m2. Cách nay khoảng 10 năm chính quyền địa phương thông báo khu vực này đã quy hoạch làm dự án khu dân cư thương mại kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá đề nghị bà di dời đến nơi khác nhưng không nhắc gì đến việc hỗ trợ, đền bù.
Giống bà Ninh, bà Trương Thị Ni hiện có 2 trại làm mực trong khuôn viên dự án (khoảng 70m2/trại) đến nay vẫn chưa được hỗ trợ, đền bù bất kỳ đồng nào từ khi dự án triển khai xây dựng. Bà đã nhiều lần khiếu nại nhưng chính quyền nói đây là đất công, bà xây dựng trái phép nên không đền bù. “Trại mực của tôi dựng lên từ khoảng năm 1985. Từ đó đến nay chính quyền địa phương chưa bao giờ xử phạt tôi xây dựng trái phép, sao có thể nói tôi chiếm đất của nhà nước. Tôi đã nhiều lần xin cấp giấy chủ quyền nhưng cơ quan chức năng không chịu” - bà Ni phản bác.
Chưa dừng lại, nhiều hộ dân tại dự án còn phản ánh việc chủ đầu tư ngang nhiên san ủi trang trại của họ mà không đền bù, bất chấp phản đối của người dân. Theo bà Phạm Thị Tin, trước đây bà có 2 trại làm mực (khoảng 200 m2/trại). Nhiều lần chính quyền địa phương đến yêu cầu bà di dời để nhường đất lại cho doanh nghiệp làm dự án nhưng tôi không đồng ý. “Trong một lần tôi đi vắng họ đã san ủi, lấp mất luôn trang trại. Tôi khiếu nại nhiều lần nhưng chủ đầu tư và chính quyền địa phương đều ngó lơ” - bà Tin bật khóc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện khu vực này có khoảng gần 20 hộ dân với khoảng trên dưới 30 trại làm mực vẫn còn đang tồn tại trên dự án. Hầu hết các hộ dân nơi đây đều cho biết trại làm mực của họ dựng lên từ khoảng 1983 đến 1988 trên khu vực bãi bồi do họ tự san lấp. Sau đó họ xin cấp giấy chủ quyền theo diện đất khai hoang nhưng chính quyền địa phương không thực hiện. Hầu hết các hộ dân ở đây đều không có giấy chủ quyền, tuy nhiên họ cũng không bị chính quyền địa phương xử phạt vì xây dựng trái phép.
Mặt khác, theo thông tin tìm hiểu được, dự án Queen Pearl Marina Complex sau khi được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư năm 2005. UBND P.Phước Lộc từng tổ chức xác minh việc này thông qua một số lão nông có quá trình sinh sống lâu đời ở đây và đã có ý kiến xác nhận các trang trại của người dân lập trước năm 2005 nhưng không hiểu sau cơ quan chức năng vẫn không buộc doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ cho người dân.
Trong các đơn khiếu nại của người dân gửi đến UBND thị xã La Gi (Bình Thuận), bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch UBND thị xã La Gi cho rằng, diện tích đất trên của người dân do Bộ Quốc phòng đo đạc năm 1998 - 2000, mục đích sử dụng là đất bãi cát do chính quyền địa phương quản lý nên người dân không được đền bù.
Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý theo Luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel) cho biết: “Khoản 2, điều 89, Luật Đất đai 2013 quy định rõ, đối với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi nhà nước thu hồi đất mà bị tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần thì được bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp tại dự án Queen Pearl Marina Complex cần làm rõ mốc thời gian các trại mực của người dân dựng lên trước hay sau khi UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi đất giao cho chủ đầu tư để xác định cơ sở đền bù”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.