Những tháng đầu của năm 2020, thị trường bất động sản (BĐS) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hiện tại, tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu chính thức thông qua sẽ tác động mạnh lên thị trường BĐS Việt Nam.
EVFTA được đánh giá sẽ có những tác động tích cực lên thị trường BĐS.
Tác động lên ngành công nghiệp Việt Nam
Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, 2019 là năm đặc biệt đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Theo đó, các chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô đầy ấn tượng đã hỗ trợ cho hiệu suất của thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc BĐS công nghiệp, với tổng lượng đầu tư đạt 24,56 tỷ USD, chiếm hơn 64,6% tổng vốn đầu tư.
Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn hầu như đều tích cực, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, tăng trưởng GDP thực tế sẽ duy trì ở mức 6,5% trong năm 2020 và 2021.
Năm 2019 đánh dấu 10 năm tăng liên tiếp của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam; đến cuối năm, ngành sản xuất và chế biến đã thu hút đầu tư cao nhất.
Tính đến hết tháng 01/2020, Việt Nam thu hút được hơn 5,3 tỷ USD đầu tư FDI, với mức tăng 179,5% cùng kỳ năm ngoái (số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Trong đó, 4,5 tỷ USD được đổ trực tiếp vào các dự án FDI mới. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) và mạng lưới thương mại toàn cầu tiếp tục thúc đẩy Việt Nam trở thành đích đến chính của dòng vốn FDI.
Ông John Campbell, Trưởng bộ phận BĐS Công nghiệp của Savills Việt Nam, đánh giá: “EVFTA tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ việc xuất khẩu các sản phẩm giá trị thấp sang hàng hóa có giá trị cao hơn như các thiết bị công nghệ cao, điện tử, xe cộ và y tế. Các mạng thương mại toàn cầu sẽ giúp Việt Nam tiếp cận nhiều đối tác khác nhau, cho phép nhập khẩu đầu vào hoặc hàng hóa trung gian rẻ hơn, từ đó sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Ngoài ra, thông qua việc gia tăng mối quan hệ đối tác với các công ty nước ngoài, Việt Nam có thể gặt hái những lợi ích của việc chuyển giao kiến thức và công nghệ đi kèm với các khoản đầu tư như vậy”.
Khi Việt Nam mở cửa cho các nhà sản xuất châu Âu trong các ngành công nghiệp như thực phẩm và đồ uống, phân bón, gốm sứ và vật liệu xây dựng, việc loại bỏ thuế quan cũng sẽ có lợi cho các ngành xuất khẩu quan trọng sang châu Âu, bao gồm sản xuất điện tử và điện thoại thông minh, dệt may và nông sản.
Tính từ tháng 6/2019, đã có nhiều nhà đầu tư BĐS công nghiệp tại Việt Nam tự tin rằng, EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, từ đó mở rộng nhóm khách thuê hơn. Thỏa thuận này sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 5-6/2020, các nhà đầu tư cũng hy vọng, sẽ thấy sự gia tăng nhu cầu thuê từ các nhà sản xuất châu Âu vào năm 2020 và năm 2021.
Khi nguồn cầu tiếp tục vượt xa nguồn cung, đặc biệt là ở các tỉnh, thành công nghiệp trọng điểm, với tỷ lệ lấp đầy đạt 75% tại các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc, sự cạnh tranh đối với các khu sản xuất có vị trí gần các thành phố lớn và cảng biển lớn ngày càng tăng lên. Cùng với một loạt các đơn vị sản xuất quốc tế mới, mang đến cho các chủ đầu tư quyền được chọn khách thuê phù hợp, đem lại giá trị gia tăng cao.
Phân khúc BĐS công nghiệp phát triển mạnh mẽ với sự gia tăng gấp 10 lần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua. Nguồn cung đất tốt đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất sắp tới với sự gia tăng các hình thức cho thuê và nhiều giải pháp khác.
BĐS vùng ven TP. Hồ Chí Minh: Hưởng lợi nhờ quy hoạch
Xét toàn cảnh quy hoạch chung của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển về 4 hướng: Bắc, Nam, Đông, Tây. Trong đó, khu Tây được giới chuyên gia đánh giá sớm “hưởng lợi” từ cuộc dịch chuyển nhân lực từ EU nhờ triển vọng dựa trên những lợi thế sẵn có: quy hoạch bài bản, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, sở hữu sân bay Tân Sơn Nhất cùng định hướng phát triển khu công nghiệp sạch.
Cụ thể, Quyết định số 351/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh với tổng diện tích được điều chỉnh hơn 6.000ha. Toàn bộ Khu đô thị Tây Bắc bao gồm xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn), các xã Tân An Hội, Phước Hiệp, Tân Phú Trung, Tân Thông Hội và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) được giới hạn bởi Quốc lộ 22, Khu Liên hiệp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc, kênh An Hạ, kênh Thầy Cai.
Ngoài ra, tại các khu vực tái thiết đô thị (khu dân cư phải di dời để xây dựng mới các khu chức năng đô thị theo quy hoạch), cần ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ. Bên cạnh chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng phù hợp, khuyến khích người dân đồng thuận hợp tác, đầu tư vào những dự án chỉnh trang đô thị, để vừa khai thác hiệu quả sử dụng đất, dần thay đổi bộ mặt đô thị, vừa cải thiện, nâng cao điều kiện, môi trường sống cho cộng đồng dân cư. Khu dân cư chỉnh trang sẽ chủ yếu là nhà ở thấp tầng.
Mặt khác, nghiên cứu tổ chức mô hình nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ cao tầng tại các khu vực đầu mối metro, dọc các tuyến giao thông chính… Tận dụng quỹ đất trống, hoang hóa nhằm phân bổ diện tích cây xanh và sân thể dục thể thao tập trung cho các khu dân cư. Khai thác cảnh quan dọc kênh hiện hữu, tổ chức mảng xanh kết hợp mặt nước tạo không gian thông thoáng, khí hậu tốt phục vụ cho người dân. Chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu theo hướng tránh xáo trộn lớn đến cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Đối với các khu ở mới, sẽ được quy hoạch hiện đại với đầy đủ chức năng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như đảm bảo cho khu đô thị phát triển bền vững.
Trong đó, ưu tiên bố trí công trình cao tầng của các khu dân cư mới dọc trục giao thông chính, có động lực phát triển, như trục song hành Quốc lộ 22, dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương - Củ Chi)…, không gian kiến trúc thấp dần về phía sau. Tập trung bố trí cụm công trình có chức năng dịch vụ, thương mại (cao tầng) tại các khu vực trung tâm khu đô thị, nhà ga của tuyến metro số 2.
Khu vực tiếp giáp kênh Đông và các kênh 5, 6, 7, 8 sẽ phát huy ưu thế địa hình sông nước, tạo không gian mở, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực. Phát triển mô hình nhà vườn với mật độ xây dựng thấp. Các công trình cao tầng được bố trí lùi dần ra phía sau, theo nguyên tắc cao dần về phía bên trong so với khu vực gần kênh, rạch.
Dự kiến, Khu đô thị Tây Bắc sẽ là một trung tâm cấp thành phố với các chức năng: dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Dân số quy hoạch đến năm 2025 là 300.000 người. Đây là con số không đổi so với quy hoạch hiện hữu (đang được nghiên cứu điều chỉnh). Tuy nhiên, theo dự báo, trên thực tế sẽ tăng thêm và con số cụ thể sẽ được xác định trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Những chuyển biến tích cực trong diện mạo đô thị nói trên là sự chuẩn bị kỹ lưỡng để khu Tây đón nhận cơ hội EVFTA quyết liệt hơn, tăng tốc hơn. Đây cũng là lợi thế sẵn có giúp khu Tây “lọt mắt xanh” của nguồn nhân lực cao cấp EU khi tới Việt Nam. Các chuyên gia dự đoán, sức cầu các sản phẩm văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê và để ở phân khúc hạng A sẽ gia tăng, bất chấp nguồn cung đang giảm do siết chặt pháp lý và tín dụng BĐS.
Với việc tập trung nhiều trụ sở, văn phòng hành chính, vừa thuận tiện kết nối với nội đô, vừa dễ dàng di chuyển tới các cụm, khu công nghiệp quanh khu vực như: KCN Tân Bình, KCN Tân Tạo,… Cộng thêm đó, luồng giao thông thuận tiện tích hợp sân bay có vai trò lớn trong quá trình vận chuyển hàng hóa của các cụm, khu công nghiệp, giúp cạnh tranh chi phí sản xuất.
Mặt khác, EVFTA đang mở ra những cơ hội lớn cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Trên cơ sở đó, thị trường BĐS được dự báo sẽ khởi sắc từ tác động tích cực của EVFTA ngay từ cuối năm 2020.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.