Dù mới chỉ học hết trung học phổ thông, không qua trường lớp cơ khí nào nhưng với mong mỏi giúp người nông dân đỡ vất vả khi canh tác trên đồng ruộng, Tạ Đình Huy (sinh năm 1982 ) ở thôn An Mỹ, xã Thượng Vực (Chương Mỹ - TP.Hà Nội) đã chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” tiện lợi, hiệu quả, được nhiều người dân trong vùng và trên khắp cả nước ưa chuộng tìm mua.
Tạ Đình Huy bên chiếc máy đa năng.
Chế tạo máy trong tiếng xì xèo
Tiếp chúng tôi tại “xưởng chế tạo” và cũng là nhà ở của gia đình, Huy kể về cơ duyên “dính” với máy móc. Học hết trung học phổ thông, để đỡ đần mẹ và em trai, Huy theo nghề sửa chữa xe máy. Ngoài những lúc sửa xe cho khách, anh thường mày mò tìm hiểu công nghệ chế tạo thiết bị cơ khí.
Sống ở nông thôn, chứng kiến cảnh các bà, các mẹ lao động chân tay vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chi phí sản xuất lớn nên lợi nhuận chẳng được bao nhiêu, Huy ấp ủ ước mơ chế tạo được một chiếc máy nông nghiệp có thể hỗ trợ bà con giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao thu nhập.
Từ cuối năm 2008, Huy bắt đầu biến ý tưởng thành hiện thực. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh tìm mua những chiếc xe máy cũ hỏng, đã hết thời hạn sử dụng rồi đem về nghiên cứu, chế tạo chiếc máy nông nghiệp với tiêu chí giá thành rẻ, dễ sử dụng, hiệu quả. Thời gian đầu, Huy thức trắng cả đêm để mày mò, học hỏi, vẽ phác thảo các bộ phận, chi tiết, tính toán công năng, thông số kỹ thuật, cách sử dụng để chế tạo ra hình thù chiếc máy.
Thời điểm đó, thấy Huy đi thu mua xe máy đã cũ hỏng, tháo tanh bành để nghiên cứu và chế tạo máy nông nghiệp đa năng, hàng xóm đã không tiếc lời dèm pha, chế nhạo, bảo anh là “thằng hâm”, “thằng dở người”, suy nghĩ viển vông, hoang tưởng. Thậm chí người thân trong gia đình cũng ra sức khuyên ngăn khi họ thấy mất đi khoản tiền lớn mà chưa có thành quả. Thế nhưng, Huy đã bỏ ngoài tai tất cả.
“Tôi nghĩ mọi việc khởi đầu sẽ rất khó khăn, quan trọng là mình vượt qua như thế nào. Ban ngày đi làm, tối về tôi lại mày mò làm rồi tự đúc rút kinh nghiệm cho riêng mình”, Huy cho hay.
Không quản nắng mưa, Huy rong ruổi đến các cơ sở cơ khí trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, đọc thông tin qua sách báo, internet, tìm kiếm nguyên liệu và cả đầu ra cho sản phẩm máy nông nghiệp. Chưa yên tâm với những gì mình “gom nhặt” được, Huy quyết định khăn gói lên Thủ đô, tìm gặp những người đi trước đã thành công để tìm hiểu, tiếp cận từng vấn đề, từng chi tiết của quá trình vận hành, xử lý máy móc trong những điều kiện cụ thể. Với thái độ khiêm tốn, cầu thị, những người hướng dẫn đã hết lòng chỉ dạy, truyền đạt cho anh những kiến thức, kinh nghiệm, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả và chia sẻ cả những bí quyết thành công. Sau một thời gian, Huy quyết định trở về quê hương khởi nghiệp.
Trái ngọt
Với vốn kiến thức tích lũy được, sau 3 tháng bắt tay miệt mài nghiên cứu, tháo ra lắp lại không dưới 10 lần, Huy cũng nhảy cẫng lên vì sung sướng khi chiếc máy nông nghiệp đa năng đầu tiên hoạt động tốt. Từ chiếc máy đầu tiên đưa vào ứng dụng, Huy càng hăng say nghiên cứu, tiếp tục “thai nghén”, lắp ráp những chiếc máy có thiết kế nhỏ gọn, có công năng linh hoạt hơn từ những phụ tùng hoàn toàn được tận dụng từ các bộ phận của chiếc xe máy cũ.
Chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” của Huy tuy có nhiều chức năng nhưng cấu tạo lại khá đơn giản: chiều cao chỉ 0,6m, dài 1,1m, trọng lượng chỉ khoảng 50kg. Từ một động cơ xe máy, anh đã tích hợp thêm được nhiều bộ phận để phục vụ sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, cuốc xới cỏ, lên luống đến cày, bừa, phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, thậm chí bơm cả nước tưới tiêu. Tích hợp nhiều chức năng nhưng chiếc máy được anh Huy thiết kế với các khớp nối và chốt định vị khá đơn giản, dễ dàng tháo lắp, mỗi lần lắp thiết bị bà con chỉ mất vài phút thao tác.
Huy cho biết: “Hiện nay, nhà nào cũng có xe máy, nhiều chiếc xe cũ thường bán sắt vụn dù động cơ còn chạy tốt, mình tận dụng nó chế lại một chút là trở thành máy nông nghiệp ngon lành”.
Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, những chiếc máy tiếp theo ra đời được Huy thiết kế nhỏ gọn hơn. Sau nhiều lần cải tiến, giờ đây chiếc máy nông nghiệp đa năng của Huy còn có thêm chức năng rạch hàng gieo hạt.
Chiếc máy nông nghiệp đa chức năng phục vụ hầu hết các công đoạn, từ đơn giản đến phức tạp trong sản xuất nông nghiệp nhưng lại có giá thành phù hợp với túi tiền của người nông dân, từ 7 - 12 triệu đồng/chiếc tùy theo nhu cầu lắp đặt ít hay nhiều chức năng cho máy. Không chỉ riêng nhà nông ở Hà Nội, mà nhiều bà con ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu... cũng đến tận nơi đặt hàng.
Hiện xưởng sản xuất của Huy tạo việc làm ổn định cho gần 20 nhân công với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, trừ chi phí, Huy thu được lợi nhuận 700 - 800 triệu đồng/năm.
Chiếc máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” của Huy đã đạt giải nhất trong chương trình “Nhà sáng chế” (số 30) phát trên kênh VTV2 và giành giải khán giả bình chọn nhiều nhất. Anh cũng vừa được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng Bằng khen Gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia phong trào Đoàn Thanh niên ở địa phương.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện Tạ Đình Huy đã thuê thêm nhân công và mở rộng quy mô xưởng để sản xuất được nhiều máy móc hơn nữa phục vụ cho bà con trên toàn quốc, góp phần tạo việc làm cho thanh niên địa phương, giảm thiểu được thời gian, công sức, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Ông Nguyễn Bá Sâm, Chủ tịch UBND xã Thượng Vực, khẳng định: “Sản phẩm máy nông nghiệp đa năng “8 trong 1” của anh Huy đã được sử dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả to lớn, giải phóng sức lao động cho nông dân, tiết kiệm chi phí sản xuất. Thời gian tới, chính quyền sẵn sàng cho thuê đất và đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho anh Huy vay vốn để mở rộng xưởng sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương”. |
Trần Toản
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.