Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 14:58

Ghi chép nơi tuyến đầu chống dịch

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhân dân, tác động xấu đến sự phát triển của xã hội.

Với tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy với nghề, tận tâm với người dân, những người làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch sẵn sàng đối mặt với mọi gian nan, thử thách và hiểm nguy để ngăn chặn dịch bệnh, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

 

tr13a.jpg
Nhân viên y tế kiệt sức vì làm việc nhiều giờ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, dưới thời tiết nắng nóng.
 

Kiệt sức do nắng nóng

Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, cả nước đã ghi nhận hơn 14.000 ca Covid-19 ở 48 tỉnh thành, trên 180.000 người đang phải cách ly, hàng ngàn bệnh nhân đang điều trị, hàng triệu mẫu xét nghiệm đã và đang được thực hiện ở các địa phương (tính đến ngày 1-7). Hơn 2 tháng đã trôi qua, dù cường độ làm việc rất cao, có khi tới 15-16 giờ/ngày nhưng những người nơi tuyến đầu chống dịch chưa được ngơi nghỉ.

Những ngày giữa tháng 6, Bắc Giang là điểm nóng nhất của dịch, với số ca mắc ghi nhận nhiều nhất nước có khi tới vài trăm ca/ngày, trước tình hình đó,  gần 3.000 y bác sĩ, học viên y khoa từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã về Bắc Giang chung tay chống dịch.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Huyền Trang (BV Gang thép Thái Nguyên) cùng đoàn cán bộ, nhân viên y tế hỗ trợ chống dịch tại Bắc Giang, cho biết, nhiệm vụ của họ là truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại khu cách ly, khu dân cư... Thời tiết nắng nóng có ngày lên đến 40 độ C, ngồi không cũng mệt chứ đừng nói đến việc phải mặc thêm đồ bảo hộ khiến công việc của chị trở nên khó khăn, vất vả hơn bao giờ hết.

“Thời tiết nắng nóng khiến cơ thể dễ mệt mỏi, nhiệt độ cao nhưng vẫn phải mặc bộ đồ bảo hộ nhiều giờ liền để đảm bảo an toàn. Mồ hôi ướt đẫm, không thoát được, lắm lúc áo còn vắt được ra nước. Vất vả hơn nhưng chúng tôi vẫn làm việc theo kế hoạch, động viên nhau cố lấy mẫu trả kết quả sớm”, chị Trang chia sẻ.

Có những thời điểm, do làm việc căng thẳng liên tục, nhiều ngày đến 1 - 2 giờ sáng mới được nghỉ ngơi, các nhân viên y tế nơi tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh cũng như nhiều địa phương đã bị ngất xỉu.

Là người từng bị ngất do kiệt sức, Trung Anh (20 tuổi, sinh viên năm 2, Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương) cho biết, điểm tập trung nhiều F1, F0 nên đoàn phải mặc quần áo bảo hộ từ chỗ ở, nắng nóng khiến cơ thể dễ bị mất sức. “Bắt đầu công việc mình chạy khá nhiều, khá mệt và làm việc dưới mái tôn nắng nóng, chưa kịp bổ sung nước nên cơ thể nóng bừng, mồ hôi ướt đẫm. Để đảm bảo an toàn mình không dám kéo khẩu trang xuống uống nước nên mất sức, dần ngất lịm đi. Sau tỉnh dậy mới biết đã được mọi người đưa về nghỉ ngơi, lấy lại sức”, Trung Anh kể.

Gặp gỡ người thân qua Facebook, Zalo

Do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp và đảm bảo an toàn sức khỏe tránh lây lan cộng đồng, tất cả y, bác sĩ đều đang phải tạm biệt gia đình, “đóng đô” tại bệnh viện và các điểm ăn ở tập trung chống dịch, nguy cơ lây nhiễm rình rập hằng ngày. Thậm chí, có người thân đau ốm, mất mát họ cũng không được về thăm, chịu tang. Năm nay, nhiều gia đình y bác sĩ phải chịu cảnh vợ, chồng, con cái, người thân, mỗi người mỗi nơi.

 

tr13.jpg

Từng nhóm nhân viên thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu. Thời gian lấy mẫu bệnh phẩm ở Bắc Ninh được đẩy lên sáng sớm và buổi tối để giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ nhân viên y tế. Ảnh: Anh Tuấn

 

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, nhiều sản phụ mắc bệnh, phải cách ly. Điều trị cho người bình thường mắc Covid-19 đã khó, với trường hợp các sản phụ lại càng khó hơn, vì phải bảo toàn mạng sống của cả mẹ lẫn con trong điều kiện áp lực cực lớn, rất dễ làm nhân viên y tế phơi nhiễm SARS-CoV-2.

Ngày 26/6 vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã mổ đẻ cấp cứu thành công cho sản phụ mắc Covid-19 là N.T.N (33 tuổi, quê Bắc Ninh). Đây là trường hợp BN Covid-19 mang thai, có tiền sử gù cột sống bẩm sinh, thai lần 2 đã 32 tuần tuổi. Sản phụ nhập viện ngày 11/6, phải thở máy nhưng các BS đã tìm cách dưỡng được thai đến tuần thứ 35 mới mổ và đã thành công.

Phải xa đứa con nhỏ 10 tháng tuổi để vào bệnh viện làm việc, thấy bệnh nhi Covid-19 mới 7 tháng khát sữa vì phải xa mẹ, nữ bác sỹ Thúy đã lấy sữa của mình cho bé bú. Cứ thế, sau ca trực, trở về chỗ nghỉ, bác sỹ Thúy lại vắt sữa cho vào tủ lạnh, dành riêng cho bệnh nhi Covid-19.

Chị Đoàn Thị Thanh Phương, điều dưỡng viên tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng gần như ở luôn trong bệnh viện. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi hiếm hoi để gọi điện qua facebook, zalo về nhà hỏi thăm, dặn dò con cái vài câu, rồi chị lại vội vã chăm sóc bệnh nhân.

Hai vợ chồng chị Phương ở ngoài Bắc vào Đà Nẵng lập nghiệp. Nội ngoại đều ở xa, chồng chị là bộ đội nên thường xuyên ở trong đơn vị, thi thoảng mới về nhà. Hai con, đứa lớn 15 tuổi, con gái út 9 tuổi phải ở nhà tự chăm sóc nhau. Chị Phương rơm rớm nước mắt, đêm nào cũng nhớ con không sao ngủ được.

 Chị lo lắng khi để con ở nhà không có ba mẹ, nhất là ban đêm, sợ có xảy ra chuyện gì. Nhớ con lắm nhưng mỗi lần có ca bệnh mới, chị Đoàn Thị Thanh Phương cố kìm nén để chăm lo bệnh nhân bởi họ đang cần chị. “Nhắc đến chuyện này là ai cũng rơm rớm nước mắt. Bởi bao giờ có mẹ quan tâm thì cũng khác. Đứa nhỏ ngày nào cũng gọi hỏi bao giờ mẹ về, rồi đếm từng ngày một. Không có nhiều thời gian để gọi điện về nhà nữa. Vì đợt này có nhiều bệnh nặng diễn biến nên phải theo dõi nhiều. Có khi phải làm đến tận 12 giờ đêm, có khi theo dõi bệnh nhân luôn cả đêm. Thời gian rảnh thì gọi điện về hỏi con ăn uống thế nào, hoặc tối dặn con khóa cửa cẩn thận trước khi đi ngủ”, chị Phương cho biết.

Tiếp cận vaccine để giảm tải áp lực

Thực tế, trên thế giới đã cho thấy, để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tích cực như: đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn… là chưa đủ. Do vậy, tiêm chủng vaccine đang là giải pháp căn cơ đẩy lùi dịch bệnh.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19  mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Bộ Y tế phải chủ động làm tốt vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vaccine, quản lý chất lượng vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vaccine; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vaccine.

Bên cạnh đó, để tạo mọi điều kiện để Bộ Y tế có thể tiếp cận nguồn vacine một cách thuận lợi nhất, Thủ tướng đề nghị, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính trong điều kiện khẩn cấp để thúc đẩy nhanh hơn, thần tốc hơn việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước, sớm có sản phẩm phục vụ nhân dân.

 

 

 

 

Xuân Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top