Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 11 năm 2017 | 1:55

Ghi nợ tiền sử dụng đất: Cần sửa để triệt tiêu trục lợi

Ngày 16/6/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 76/2014/TT - BTC về việc hướng dẫn một số điều tại Nghị định số 45/2014/NĐ - CP của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất (TSDĐ). Thủ tục ghi nợ và thanh toán nợ TSDĐ cũng được quy định. Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại vấn đề để tránh việc lợi dụng, trục lợi từ chính sách của Nhà nước.

Ghi nợ TSDĐ là một chủ trương đúng của Nhà nước nhưng cần cẩn trọng việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Chủ trương đúng

Nghị định số 45/2014/NĐ - CP và Thông tư số 76/2014/TT-BTC về việc hướng dẫn và thi hành quy định về thu tiền sử dụng đất của Chính phủ là chủ trương của Nhà nước nhằm giúp đỡ cho những người có khó khăn về tài chính trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chủ trương này đã được quy định trong pháp luật đất đai năm 2003 và tiếp tục được kế thừa tại Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, để chủ trương này áp dụng đúng đối tượng thì pháp luật đất đai chỉ cho phép áp dụng đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính khi được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Khi công nhận quyền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất tái định cư.

Cụ thể, đối với các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 45/2014/NĐ - CP có đơn đề nghị kèm theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoặc có đơn xin ghi nợ khi nhận thông báo nộp tiền sử dụng đất nộp về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND cấp huyện nơi có đất. Trên cơ sở hồ sơ địa chính của hộ gia đình, cá nhân do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chuyển đến, cơ quan thuế sẽ xác định số TSDĐ phải nộp theo quy định và lập hồ sơ theo dõi nợ TSDĐ. Sau đó, căn cứ vào số TSDĐ do cơ quan thuế xác định, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân, trong đó có ghi nợ số TSDĐ trên Giấy chứng nhận.

Theo quy định, các hộ gia đình, cá nhân sẽ được trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau thời điểm 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ TSDĐ thì người sử dụng đất phải nộp TSDĐ còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Để được ghi nợ, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có khó khăn về tài chính phải nộp đơn xin ghi nợ TSDĐ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trước đây, để được ghi nợ, người dân phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình trạng khó khăn tài chính. Tuy nhiên, quy định này đã nảy sinh thủ tục hành chính rườm rà và một số trường hợp người dân bị sách nhiễu.

Việc ghi nợ TSDĐ cũng được kỳ vọng nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đối tượng đang sử dụng đất, kể cả trong trường hợp người sử dụng đất chưa có nhu cầu hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai để thực hiện các giao dịch như mua, bán, tặng, cho.

Cẩn trọng chuyện lợi dụng chính sách

Theo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều tại Nghị định số 45 của Chính phủ về thu TSDĐ, người ghi nợ TSDĐ nếu đề nghị thanh toán nợ trước hạn sẽ được hỗ trợ 10%/năm trên số tiền đóng trong thời hạn là 5 năm (mỗi năm được hưởng hỗ trợ 2%). Ngược lại, một bất cập những người nộp ngay TSDĐ khi có thông báo của cơ quan chức năng lại không được hưởng ưu đãi gì.

Có ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ 10%/năm nhằm khuyến khích người dân trả nợ trước hạn, giảm chi phí hành chính để theo dõi nợ TSDĐ thì pháp luật đất đai năm 2013 đã quy định trường hợp hộ gia đình, cá nhân thanh toán nợ trước hạn thì được hỗ trợ giảm trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp theo mức hỗ trợ là 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn và tính trên số TSDĐ trả nợ trước hạn.

Một giám đốc doanh nghiệp địa ốc cho rằng, nhiều trường hợp hộ gia đình có điều kiện, chuyển đổi hàng ngàn mét vuông đất nhưng vẫn đăng ký chính sách nợ TSDĐ. Nguyên nhân nếu ghi nợ TSDĐ sẽ được mức ưu đãi giảm dần mỗi năm 2% cho đến khi hết. Việc lợi dụng chính sách để trục lợi đang diễn ra, nhưng không thể cấm vì được luật pháp cho phép. Rõ ràng câu chuyện từ một chủ trương đúng đắn, nhân văn khi hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Khi áp dụng vào thực tế cuộc sống thì bộc lộ nhiều bất cập. Thiết nghĩ, để chính sách ghi nợ TSDĐ thực sự hiệu quả, hỗ trợ đúng đối tượng thực sự khó khăn về tài chính chỉ nên áp dụng hạn chế, quy định cụ thể đối tượng được áp dụng. Chẳng hạn như các trường hợp hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về tài chính hoặc được nhà nước giao đất tái định cư mới được ghi nợ TSDĐ. Các trường hợp khác cần xem xét để tránh câu chuyện trục lợi từ chính sách.

Lại Hùng - Thái An

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top