Nhiều vùng nông thôn ở Nghệ An đang chứng kiến hiện tượng sốt đất lan rộng. Giá đất tăng từng ngày, thậm chí từng giờ khi giới đầu cơ “ồ ạt” đổ về và tạo ra những "cơn sóng ảo" làm giá đất chao đảo ở một số vùng quê.
Sốt đất năm nay không chỉ xảy ra ở một số vùng ven TP. Vinh như các xã Nghi Phú, Nghi Phong, Nghi Thái, Nghi Ân, Hưng Lộc, Hưng Hòa mà lan ra cả các xã Nghi Trường, Nghi Hoa, Nghi Kiều của huyện Nghi Lộc, hay lên đến các vùng nông thôn ở các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Anh Sơn hay thị xã Thái Hòa …
Mới đây, phiên đấu giá đất vùng quy hoạch Ruộng Bông, Hồ Trọt xã Lưu Sơn (Đô Lương) rất sôi động. Phiên đấu giá 62 lô đất, có 420 lượt khách hàng tham gia, trong đó có một doanh nghiệp bất động sản trong tỉnh đã trúng đấu giá 14 lô đất đẹp với diện tích mỗi lô là 170 m2 đến 175 m2. Giá đấu trúng hơn 5 tỷ đồng/lô. Mức chênh lệch giá các lô đất mà doanh nghiệp này trúng từ hơn 2,4 tỷ đến 2,7 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Một nhà đầu tư bất động sản có mặt tại phiên đấu giá cho biết: Giá khởi điểm 3,1 đến 3,4 tỷ đồng, chúng tôi mạnh dạn “đặt” lên đến 4,5 - 4,7 tỷ đồng mà đều trượt.
Được biết, nguyên nhân đất ở Lưu Sơn (huyện Đô Lương) tăng cao là do hạ tầng được xây dựng đồng bộ, mảnh đất nằm ở vị trí đắc địa. Hơn thế Đô Lương được quy hoạch sẽ lên thị xã từ nay đến năm 2030, vì vậy, nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến Đô Lương.
Địa bàn huyện Diễn Châu, thị trường bất động sản cũng “nóng” lên từng ngày. Như phiên đấu giá đất tại xã Diễn Nguyên mới đây rất sôi động. Cụ thể, đấu 48 lô đất, có trên 200 lượt người tham gia. Sau đấu giá đất vẫn “đội” lên tăng vọt, tùy theo vị trí, có lô giá khởi điểm hơn 1,4 tỷ đồng, sau đấu giá trúng hơn 3 tỷ đồng, mức chênh lệch lô đất mà người trúng hơn 1,5 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Không chỉ đất nền đấu giá, giới buôn đất đang đến các xã để lùng sục, mua đất vườn của nhà dân với giá rất cao. Tại các xã miền núi, hiện đất vườn đang được giao dịch với giá chưa từng có. Giới buôn đất chủ yếu ở các địa phương khác đến mua rồi bán lại.
Một người dân ở xã Quang Thành (huyện Yên Thành) cho biết, đất vườn nằm sâu trong các ngõ ngách đang được mua với giá 300 - 600 triệu đồng/sào (1 sào Trung Bộ = 500m2), cao gấp 6-7 lần so với giá trước cách đây vài năm. Các giao dịch được thực hiện rất nhanh chóng và có nhiều khu đất một ngày được sang tay qua 2 - 3 người.
Một người môi giới bất động sản địa phương cho biết: Mỗi lô đất sau khi trúng đấu giá được bán lại đều chênh lệch từ 100 - 120 triệu đồng. Người mua vừa lấy xong cũng bán lại ngay để kiếm lời.
Lý giải cơn sốt đất diễn ra liên tục nhiều ngày qua, theo nhà chuyên môn: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến dòng tiền sản xuất, kinh doanh khó khăn tìm cách đổ sang bất động sản. Cùng với đó, lãi suất ngân hàng giảm mạnh đã tạo điều kiện cho dòng tiền đổ vào bất động sản.
Còn có nguyên nhân khác như, những năm qua, hệ thống giao thông liên vùng của các đô thị, thị trấn, thị tứ, các trung tâm xã trên địa bàn Nghệ An ngày càng được hoàn thiện. Các dự án vùng ven đô cũng được quy hoạch, một số dự án đã triển khai xây dựng nên người dân đã mạnh dạn đầu tư vào đất.
Bên cạnh đó, giới “cò đất” có nhiều chiêu trò “tạo sóng”, “đẩy giá” để tác động vào tâm lý người mua đất. “Có một số nhóm người tập trung phao tin là sắp có dự án đi qua, hay các dự án treo sắp tái khởi động, huyện sắp lên thị xã…để mời gọi khách hàng. Do vậy, người dân cần hết sức cẩn thận với thị trường bất động sản ở nông thôn hiện nay”, một chuyên gia tìm hiểu về thị trường đất nền ở Nghệ An khuyến cáo.
Theo anh Trần Hà, chủ một sàn giao dịch bất động sản ở Nghệ An cho rằng, giá đất ở một số khu vực nông thôn như các huyện Nam Đàn, Đô Lương, Nghĩa Đàn… thời gian qua cũng tăng nhanh, tuy nhiên, tăng không phải do nhu cầu về đất ở, hay mặt bằng sản xuất kinh doanh tăng đột biến, mà chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư, họ mong muốn đầu tư vào đất để sinh lời. Chưa kể tâm lý đám đông và nhiều "nhà đầu tư" mới tham gia vào buôn đất theo tâm lý đám đông.
Ông Nguyễn Thế Phiệt, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Nghệ An) cho biết thêm: Tính đến thời điểm này, đất phân lô ở các vùng dự án đang giữ mức ổn định, chỉ tăng nhẹ. Mặt khác, những người đầu tư vào bất động sản ở nông thôn thì chỉ muốn đánh nhanh, lãi nhanh rồi rút vốn ra chứ họ không sử dụng bất động sản đó để ở hay kinh doanh lâu dài. Vì vậy, Khuyến cáo người mua nên cẩn thận vì có vùng đất đã đạt đỉnh, để sớm chặn đứng hiện tượng đầu cơ bất động sản, cần hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển theo hướng bền vững. Cùng với đó, các địa phương phải ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh bất động sản không tuân thủ pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.