Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 7 năm 2020 | 11:28

Giải pháp nào cho rác thải Hà Nội?

Vài ngày qua, tình trạng rác thải ở Thủ đô lại ùn ứ. Nguyên nhân do người dân Sóc Sơn chặn xe rác. Từ ngày 13/7 đến 7h sáng 16/7 lượng rác tồn đọng ước tính khoảng 9.151 tấn.

Đây không phải lần đầu người dân Sóc Sơn chặn xe rác mà sự việc này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Vì sao người dân ở đây liên tục hành động như vậy?

Vì sao người dân Sóc Sơn liên tục chặn xe chở rác?

 

rac-thai0.jpg

Rác chất đống trong nội thành Hà Nội do dân chặn xe không cho vào bãi rác Nam Sơn.

 

Tình trạng người dân ở các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội lại tiếp tục chặn xe chở rác vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn gây ùn ứ rác thải tại các quận nội thành, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Điều đáng nói đây không phải lần đầu người dân Sóc Sơn chặn xe rác mà đã từ nhiều năm nay, cứ đến hẹn lại lên vào các tháng 1, 7, 12 là người dân lại tiến hành dựng chướng ngại vật để ngăn không cho xe chở rác vào khu xử lý. Vì sao người dân Sóc Sơn lại liên tục có những hành động như vậy? Tại sao thành phố không thể xử lý dứt điểm tình trạng này?

"Đến năm 2019 đã hứa là di dân ra khỏi vùng 500m ở Khu xử lý chất thải Nam Sơn. Có nghĩa là vòng 500m dân đề nghị là thu hồi toàn bộ. Nói đúng ra được nhất trí là thu hồi toàn bộ. Ngược lại cái giá bây giờ thì đúng là quá rẻ mạt". Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Thọ, đội 20, xóm Phú Thịnh, xã Nam Sơn mà chúng tôi ghi nhận từ tháng 7/2019 về việc vì sao người dân xã Nam Sơn lại dựng chướng ngại vật không cho xe vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn.

Đến nay, mặc dù đã được 1 năm nhưng những yêu cầu của người dân vẫn chưa được xử lý. Và hậu quả là người dân tiếp tục ra đường dựng chướng ngại vật, ngăn không cho xe vào khu xử lý. Trả lời trên báo lao động bà Nguyễn Thị Huệ, người dân xã Nam Sơn cho biết, họ đã hứa là tháng 7/2019 là trả hết tiền giúp cho chúng tôi, đến tháng 12 là công trình được làm. Thế nhưng, đến giờ phút này vẫn chưa đâu vào đâu cả.

"Mùi hôi thối, ruồi muỗi nói chung là tất cả cuộc sống mà con cái chúng tôi, các cháu bé mới sinh ra đã phải chịu những mùi hôi thối. Chúng tôi chỉ yêu cầu cho chúng tôi di dời ra khỏi vùng ảnh hưởng", bà Huệ nói.

Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (hay còn gọi là bãi rác Nam Sơn) nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn, có quy mô hơn 157 ha chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83 ha, hiện đã đầy. Giai đoạn 2, diện tích hơn 73 ha gồm 8 ô chôn lấp. Đây là bãi tập kết rác lớn nhất Hà Nội, hoạt động từ năm 1999, là địa điểm xử lý chính rác thải của 4 quận nội thành, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 4.000 tấn rác.

Do khối lượng rác phát sinh đang tăng theo cấp số nhân từng ngày nên bãi rác quá tải. Ngoài ra, rác không được xử lý gây ô nhiễm môi trường khiến cuộc sống của người dân xung quanh các bãi rác không thể chịu đựng trong khi việc đền bù, giải phóng mặt bằng di dời người dân ra khỏi khu vực ô nhiễm triển khai chậm nên người dân chỉ biết phản ứng bằng cách dựng chướng ngại vật không cho xe vào bãi rác. 

"Phải đưa người dân rời khỏi bãi rác chúng tôi mới tin. Cứ nay hứa, mai hứa chúng tôi không còn tin ai được nữa. Nếu không cho chúng tôi rời đi thì đóng cửa bãi rác, trả lại môi trường xanh sạch đẹp cho chúng tôi", bà Nguyễn Thị Cửu, một người dân xã Nam Sơn cho biết.

Chuyên gia hiến kế

Trả lời câu hỏi: Vì sao người dân Sóc Sơn liên tục chặn xe chở rác? TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, bãi rác Nam Sơn ngày càng mở rộng, rác không được xử lý gây ô nhiễm môi trường là nguyên nhân chính khiến người dân dựng chướng ngại vật để ngăn cản xe chở rác.

Ngoài ra, việc chậm di dời người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm đi nơi khác triển khai chậm cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Mặc dù vấn đề này đã được người dân xã Nam Sơn kiến nghị nhiều lần mà không được giải quyết cộng với việc bãi rác ngày càng mở rộng nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.

Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội cho thấy, chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế.

Các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, phải bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân vi sinh đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng bãi.

Hà Nội phải làm gì để giải quyết bài toán rác thải này?

Trả lời câu hỏi này, ông Tùng cho rằng, hạn chế chôn rác là chuyện lâu dài cần thực hiện. Quỹ đất có hạn, chôn rác thì gây ô nhiễm nên cần chuyển sang đốt rác, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.

 

rac-thai.jpg

“Tuy nhiên, Hà Nội muốn áp dụng đốt rác thì phải quyết tâm, mà muốn hiệu quả thì việc quan trọng nhất vẫn phải phân loại rác tại nguồn vì không phải cái gì cũng đốt được, bởi nếu không phân loại mà đốt hết thì tiền xử lý dioxin cực đắt”, ông Tùng lưu ý.

Cùng với đó, ông Tùng cho rằng, Hà Nội nên tăng cường đầu tư các lò đốt thu hồi năng lượng, giảm chôn lấp rác, tái chế tái sử dụng…

Nói về kinh nghiệm xử lý rác của các nước trên thế giới, ông Tùng cho hay, các nước rất chú trọng việc phân loại rác từ đầu nguồn và người dân phải trả tiền rác thải; hạn chế việc bao cấp. Đồng thời, các đơn vị thu gom, xử lý rác đều xã hội hóa, sử dụng các công nghệ đốt rác, tái chế, tái sử dụng và họ rất hạn chế việc chôn rác.

Ngoài ra, việc người dân chặn lối vào bãi rác Nam Sơn vì họ chưa nhận được tiền đến bù.

“Sự việc này đã kéo dài mấy năm nay, từ năm ngoái cơ quan chức năng có hứa đền bù và người dân đã đồng ý, nhưng cho đến bây giờ vẫn chưa thực hiện xong lời hứa. Thành phố đã hứa, huyện đã hứa thì phải thực hiện lời hứa. Khi người dân đã nhận xong đền bù thì người ta có thể phản đối không? Chính quyền chậm trễ trong chuyện chi trả đền bù, không thực hiện đúng lời hứa nên mới lại tiếp tục xảy ra câu chuyện chặn đường vào bãi rác. Mỗi lần như thế Hà Nội ùn ứ rác, ô nhiễm… hình ảnh Hà Nội không hay chút nào cả. Cần chấm dứt vụ việc này”, ông Tùng nói.

Cần xây dựng các nhà máy xử lý rác

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tối 14/7 một số người dân chặn đường, không cho xe chở rác vào Khu xử lý rác Nam Sơn, khiến rác thải ùn ứ. Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan thu gom, chuyển rác tạm thời tới bãi rác Cầu Diễn và Xuân Sơn.

Trong ngày 17/7 rác thải trong khu vực nội thành cơ bản sẽ được dọn sạch. Về giải pháp lâu dài, thành phố đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng các nhà máy xử lý rác.

Năm 2017, Nhà máy xử lý rác thải độc hại ở khu vực Nam Sơn được hoàn thành, sử dụng công nghệ đốt và phát điện với công suất 75 tấn/ngày. Hiện, ở khu Nam Sơn có 3 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà máy đốt rác phát điện nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiến độ bị chậm lại.

Trong năm 2020, một dự án sẽ được hoàn thành với công suất 4.000 tấn rác/ngày đêm, được xử lý theo công nghệ của Bỉ. Đến quý 1/2022, thành phố dự kiến khánh thành thêm một nhà máy đốt rác phát điện với công suất 1.500 tấn/ngày đêm. Lúc đó thì cơ bản lượng rác thải của thành phố sẽ được đốt để phát điện.

Về việc người dân chặn không cho xe rác vào Khu xử lý rác Nam Sơn, ông Nguyễn Đức Chung cho biết Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn gặp gỡ, đối thoại với người dân.

Theo ông Chung, hiện thành phố đã chuẩn bị xong các khu nhà tái định cư để di dân khỏi vùng bị ảnh hưởng từ khu xử lý rác Nam Sơn. Vướng mắc căn bản nhất hiện nay là việc xác định nguồn gốc đất để đền bù. Trong thời gian qua có những giai đoạn việc chuẩn bị đền bù chưa được thực hiện đúng dẫn đến người dân hiểu lầm, bức xúc.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội, thành phố luôn đồng cảm với bà con sống xung quanh bãi rác. Do vậy, những chính sách tốt nhất cho người dân đã được thành phố áp dụng. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật thì cần có thời gian để xử lý.

Ngoài ra, việc xử lý khoảng 150.000m3 nước rỉ rác do áp dụng công nghệ chôn lấp rác thải tử nhiều năm trước, cộng thêm thời tiết nắng nóng gây bốc mùi nên đời sống người dân bị ảnh hưởng. Thành phố đang đề xuất với Chính phủ cho cơ chế phù hợp để khắc phục ngay hạn chế này (theo quy định hiện hành, khâu xử lý nước rỉ rác phải đưa ra đấu thầu).

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top