Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2019 | 13:35

Giải pháp nào lập lại trật tự xuất khẩu lao động?

Những chuyến “xuất ngoại” mang theo nhiều kì vọng lớn lao về một cuộc sống đủ đầy hơn, sung túc hơn, song may mắn không phải lúc nào cũng đến với tất cả mọi người.

Khát khao công việc có thu nhập cao ở nước ngoài đã khiến không ít người dân Hà Tĩnh chọn con đường đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)  “chui”. Và đằng sau thiên đường được vẽ ra là những trái đắng xót xa, hiểm nguy rình rập.

 

n9.jpg
Từ một thanh niên khỏe mạnh sau khi đi XKLĐ “chui” trở về, Nguyễn Văn Khánh không còn lành lặn và mang một món nợ chưa biết khi nào mới trả xong.

 

Dở khóc dở cười vì XKLĐ “chui”

Học hết phổ thông trung học, làm tất cả những nghề có thể nhưng anh Nguyễn Văn T. (xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Trong lúc túng quẫn thì môi giới lao động tìm đến tận nhà “vận động” đi Đài Loan (Trung Quốc) kèm theo viễn cảnh được vẽ ra về một sự đổi đời.

Không thể cắm sổ đỏ vì gia đình vẫn còn nợ ngân hàng, anh T. liều vay mượn anh em họ hàng hai bên nội ngoại được 140 triệu đồng trang trải cho việc đi đơn hàng lần này.

Kể lại hành trình ác mộng những ngày trên đất khách, anh T. vẫn chưa hoàn hồn: Ban đầu họ hứa hẹn đủ thứ, nào là việc nhẹ, lương cao, nào là đời sống được chăm lo, người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ, ai ngờ thực tế khác xa hoàn toàn. Quy định đặt ra chỉ phải làm tối đa 12 tiếng/ngày, nhưng công ty thường xuyên bóc lột sức lao động bằng cách đẩy giờ làm lên 14 tiếng, thậm chí nhiều hôm  16 tiếng. Để nhận đầy đủ mức lương 3.000 NDT/tháng (tương đương 10 triệu đồng) như hứa hẹn, nhất thiết phải đảm bảo đủ công, đủ khối lượng và tuyệt đối không “vướng” nội quy. Tằn tiện lắm may ra thu về được 3 triệu đồng/tháng, bằng không chẳng còn gì.

“Nhiều người cứ nghĩ đi XKLĐ sướng lắm nhưng thật ra đó chỉ là những lời giới thiệu có cánh của  trung tâm môi giới, cò mồi. Sang đó công việc áp lực, vất vả, sống chui lủi. Những ai trải qua giây phút ấy mới thấm thía được hết tình cảnh bị ngược đãi, những tháng ngày quần quật trên đất người bị chèn ép, đè nén cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng hầu hết lao động bất hợp pháp dù bị lừa cũng chẳng biết kêu ai. Bây giờ nhắc đến XKLĐ, tôi chừa (khiếp sợ) đến chết”, anh T kể.

Tan biến giấc mơ đổi đời

Bị lừa nhưng anh T. còn may mắn trở về lành lặn, còn trường hợp của Nguyễn Văn Khánh (sinh 1993, thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) mới thật sự đáng thương.

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai (mẹ Khánh) kể: Khánh là con trai đầu của gia đình. Sau khi học xong THCS, tháng 1/2014, Khánh theo người anh trong họ vượt biên sang Thái Lan làm nghề trông giữ xe nhà hàng ăn uống. 2 tháng sau, trong một buổi đi làm về, không may Khánh bị một chiếc ô tô đâm phải dẫn đến chấn thương sọ não.

Chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy, Khánh được bạn bè đưa vào bệnh viện phẫu thuật. Ca mổ hết 350 triệu đồng cộng với chi phí điều trị trong gần 1 tháng, tổng cộng hết hơn 700 triệu đồng. Thương hoàn cảnh nghèo khó của Khánh, bệnh viện, chủ nhà hàng cùng bạn bè đồng hương đóng góp, hỗ trợ được 200 triệu đồng. Còn hơn 500 triệu, bố mẹ Khánh phải đem 2 ngôi nhà (một nhà của em gái chị Mai) cầm cố ngân hàng lấy tiền đưa Khánh về Việt Nam chữa trị. Ngày về nước, Khánh từ chàng trai khôi ngô, tuấn tú trở thành người sống thực vật. Mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ.

 

n5.jpg
Bà Nguyễn Thị Tam ôm đứa cháu nội vào lòng nghẹn ngào khi nghe tin con dâu đi XKLĐ tử nạn bên đất Thái.

 

“Suốt từ đó đến nay, tháng nào gia đình cũng đưa Khánh đến bệnh viện phục hồi chức năng. Bây giờ Khánh đã bắt đầu đi lại được nhưng tháng nào cũng uống hết 2 triệu tiền thuốc. Việc để Khánh đi XKLĐ “chui” đã khiến chúng tôi mất đi một đứa con khỏe mạnh, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, bế tắc”, bà Mai nghẹn ngào.

Đây là 2 trong rất nhiều câu chuyện dở khóc dở mếu về những trường hợp lao động bất hợp pháp ở nước ngoài mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, có trường hợp còn phải bỏ mạng nơi đất khách quê người.

Trong vụ tai nạn giao thông hôm 23/3 vừa qua, tại Thái Lan, 2 trong số 5 nạn nhân  người Việt, quê ở Hà Tĩnh.

Ngồi thẫn thờ bế cháu bé 5 tuổi (là con của anh Lê Công Biên, chị Nguyễn Thị Thu, ở thôn Dư Nại, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc),  bà Tam nói trong nước mắt: “Vợ chồng nó mới cưới nhau được 5 năm, đây là con gái đầu lòng. Sao ông trời nỡ cướp đi con dâu tôi, nó là đứa chịu khó, siêng năng, biết chăm lo cho cuộc sống gia đình...”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, anh  Biên là lao động tự do, thường xuyên đi lao động thời vụ tại Thái Lan, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, hai vợ chồng bàn bạc, sau Tết thì cả 2 cùng sang Thái kiếm tiền. Anh Biên đi được 1 tháng thì chị Thu  sang theo.

“Thu đang mang bầu nhưng vì gánh nặng nợ nần và muốn chắt chiu để xây nhà nên quyết tâm sang với chồng. Tính đến hôm nay là vừa tròn 1 tháng nó sang bên đó, vậy mà không ngờ...”, nói đến đây bà Tam như chết lặng.

Cơ chế nào cho người lao động?

Ông Nguyễn Hữu Triển, Phó chủ tịch HĐND xã Xuân Lộc (Can Lộc), cho hay: Thực trạng lao động người Hà Tĩnh sang Thái Lan làm việc theo hình thức lao động tự do là rất lớn. Mặc dù nước sở tại đã có những chế tài hạn chế, tuy nhiên, đây vẫn là thị trường thu hút nhiều lao động. Chỉ riêng xã Xuân Lộc đã có 700-800 lao động thời vụ bên đó.

Ông Nguyễn Tiến Dần, Bí thư Đoàn xã Thạch Kim (Lộc Hà), cho biết: Tính đến đầu năm 2019, xã  có gần 1.000 trường hợp đi XKLĐ. Tuy nhiên, chỉ có 300 người đi chính ngạch; số còn lại đi tự do, bất hợp pháp thông qua kênh môi giới cá nhân hoặc đi du lịch. Thị trường có lao động cư trú bất hợp pháp nhiều là Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Canada…

Còn ở xã Cương Gián (Nghi Xuân), theo nhẩm tính của ông Hoàng Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã thì trong số 2.700 lao động đang làm ăn ở nước ngoài có gần 1.500 lao động đi theo đường bất hợp pháp.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có trên 52.570 người đang làm việc tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số lao động có hợp đồng 26.670 người, chiếm 51%; lao động không có hợp đồng  25.900 người (chiếm 49%). Lao động Hà Tĩnh chủ yếu làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và các nước châu Phi, Trung Đông.

Ngoài ra, bình quân mỗi năm Hà Tĩnh có trên 10.000 lượt người đi làm việc ngắn hạn tại các nước Thái Lan, Lào.

Theo tìm hiểu, đa phần những trường hợp đi XKLĐ “chui” ở Hà Tĩnh thời gian qua thường đi bằng visa du lịch hoặc thăm người thân, du học, kết hôn giả, sau đó trốn ở lại làm việc nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.

Để ngăn chặn tình trạng XKLĐ “chui”, theo ý kiến của các chuyên gia, trước hết, cần tăng cường công tác quản lý lao động tự do. Khi người dân xin xác nhận tờ khai làm hộ chiếu, chính quyền địa phương cần nắm bắt thông tin, mục đích việc xuất cảnh.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần thường xuyên phổ biến những vấn đề liên quan đến XKLĐ, danh sách các doanh nghiệp XKLĐ được cấp phép trên địa bàn; các thị trường lao động, điều kiện, thủ tục, mức phí đối với từng thị trường để người dân nắm bắt, tránh tình trạng bị “cò” môi giới lừa gạt.

Ngoài ra, ngành chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị có chức năng XKLĐ. Đối với người lao động, khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài nên trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để được giải đáp các vấn đề liên quan, tuyệt đối không nghe theo “cò” môi giới.

Xác định XKLĐ tiếp tục là một bộ phận cấu thành trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,  thời gian tới, Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách nhằm đẩy mạnh XKLĐ, nhất là người lao động tại các địa phương nghèo, hộ nghèo. Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài, hiện nay ở một số huyện nghèo đang thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ tiền ăn, ở, dạy nghề cho người đi XKLĐ. Mô hình này đã mang lại kết quả cao và sẽ nhân rộng ra cả nước. Nhiều chính sách vay vốn ưu đãi đối với các hộ nghèo, hộ chính sách, vùng sâu, vùng xa đi XKLĐ góp phần xóa đói, giảm nghèo sẽ tiếp tục được cải thiện.

Các ngành chức năng đang xem xét nâng mức vay và giảm bớt thủ tục trong việc vay vốn đi XKLĐ.

Trước sự nhiễu loạn của các trung tâm, chi nhánh tuyển XKLĐ, dẫn đến những tiêu cực hiện nay, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, ngành chức năng cần sàng lọc những doanh nghiệp nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, chỉ để lại khoảng 50 doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ và mỗi doanh nghiệp chỉ được lập một chi nhánh. Đối với những doanh nghiệp được cấp phép, sau một năm không đưa được lao động đi xuất khẩu thì thu hồi giấy phép.

Bên cạnh hỗ trợ về vay vốn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức đào tạo  nghề kỹ thuật cao, thợ tay nghề cao, có tính đặc thù mà thị trường đang cần, đào tạo theo địa chỉ cụ thể, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Các cơ quan ngoại giao tăng cường phối hợp và đưa ra dự báo về biến động thị trường XKLĐ để định hướng cho các doanh nghiệp, nhất là việc mở rộng thị trường mới.

 


 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top