Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 5 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 12 năm 2021 | 9:30

Giải pháp ứng phó với thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu: Điều hành chủ động, nâng cao khả năng thích ứng

Những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, triều cường… không ngừng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.

Thiệt hại nặng nề

Đợt mưa lũ cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Tại Phú Yên, mưa nhiều ngày liên tiếp vào cuối tháng 11 khiến nước từ thượng nguồn đổ về ồ ạt, cộng thêm thủy điện xả lũ khiến nước sông dâng lên nhanh, người dân trở tay không kịp.

Ông Nguyễn Văn Tèo ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), người nuôi bò ở bãi soi ven sông Ba, cho hay: Đợt này lũ lên nhanh quá, chúng tôi mới nghe thông tin thủy điện xả lũ, nước đã lên tới gối, rồi tới bụng, tới ngực và cứ thế lên lút đầu người. Đàn bò chục con gia đình nuôi ngoài soi, không đưa vào bờ kịp, bị cuốn trôi gần hết. Tôi chỉ kịp cứu 2 con nghé, đưa lên ghe ngồi cùng chủ, lênh đênh suốt một đêm ròng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, đợt mưa lũ trong các ngày 30/11 và 1/12 trên địa bàn tỉnh làm 8 người chết, 58.000 ngôi nhà bị ngập. Phú Yên đã sơ tán khẩn cấp 8.000 hộ với 28.000 nhân khẩu để tránh lũ; hàng nghìn hecta lúa, hoa màu bị ngập úng, ngã đổ; hệ thống giao thông, các tuyến kênh, mương, công trình thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong thời gian trên là hơn 439 tỷ đồng.

Hơn nửa tháng sau mưa lũ, ngày 19/12, người dân ven biển ở khu vực phường 6 (TP. Tuy Hòa) lại vội vàng sơ tán để tránh triều cường kèm nước biển dâng cao. Bà Trần Thị Hoa, người dân ở khu vực này, cho hay: Khoảng 18 giờ ngày 19/12, nước biển bắt đầu tràn vào nhà. Sóng lớn bất ngờ khiến gia đình không kịp trở tay. Nước dâng cao cả mét, chúng tôi đành “bỏ của chạy lấy người”, đi ở nhờ nhà người quen, đến gần sáng mới trở về.

 

02.jpg
Nhiều kênh mương thủy nông ở huyện Tây Hòa (Phú Yên) bị hư hỏng nặng sau lũ khiến bà con gặp khó trong gieo sạ lúa.

 

Không chỉ gây ngập nhà dân, đợt triều cường kèm sóng lớn nói trên còn làm đường Hùng Vương, đoạn qua 2 phường Phú Đông và Phú Thạnh (TP. Tuy Hòa), bị bồi lấp, gây khó khăn cho các phương tiện qua lại. Chính quyền địa phương phải huy động đơn vị chức năng đưa xe chuyên dụng đến dọn cát và rác thải trên đường, phân luồng giao thông, đảm bảo cho người dân qua lại an toàn.

“Đợt triều cường kèm sóng biển dâng cao chiều tối 19/12 đã làm 100 ngôi nhà ở khu phố Bạch Đằng và Lê Duẩn (phường 6) bị ngập, làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân, ước thiệt hại khoảng 645 triệu đồng”, ông Cao Đình Huy, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa cho biết.

Không riêng Phú Yên, thời gian qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ, triều cường… không ngừng gia tăng ở các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất, diện tích nuôi trồng thủy sản, công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhiều vị trí sạt lở núi, bờ sông, bờ biển tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho hay, tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả. Trong đó, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là khu vực bị sạt lở núi, bờ sông, bờ biển trong thời gian vừa qua.

Tìm giải pháp ứng phó

Tại cuộc làm việc trực tuyến với 8 địa phương vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về tình hình và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, biến đổi khí hậu (BĐKH) và tình hình thiên tai đang diễn ra phức tạp, khốc liệt, khó kiểm soát, khó dự báo, không theo quy luật, xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào. Vì vậy, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, chủ động, tích cực, không lơ là, chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng 4 tại chỗ. Việc phối hợp, cảnh báo, dự báo phải nhịp nhàng, khoa học, không lúng túng, bị động, bất ngờ.

Sau khi khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bình thường cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các địa phương sơ kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm sau đợt mưa lũ vừa qua. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần xây dựng đề án tổng thể về phòng chống, ứng phó thiên tai (lũ lụt, sạt lở, sụt lún, các hiện tượng thời tiết cực đoan…), từ đó có các dự án cụ thể, huy động các nguồn lực để thực hiện.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng chống, ứng phó thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, khả năng thích ứng, ứng phó, dự báo, cảnh báo lũ lụt, thiên tai, tránh tình trạng diễn tập suôn sẻ nhưng khi có sự cố xảy ra thì lúng túng. Hỗ trợ người dân về nhà ở theo hướng thích ứng, ứng phó thiên tai. Nâng cao khả năng dự trữ nước của các hồ đập, xây dựng các kịch bản vận hành chung và đặc thù phù hợp từng hồ đập, từng thời điểm, từng địa bàn…

Về phần mình, các địa phương cũng đã chủ động thực hiện giải pháp để ứng phó với thiên tai, BĐKH trên địa bàn. Theo UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh đã ban hành Kế hoạch về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn. Nội dung chủ yếu là tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa hình thức, đổi mới nội dung, xác định các đối tượng ưu tiên tuyên truyền, giáo dục; đưa nội dung ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào chương trình đào tạo các cấp học phổ thông, đại học, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý…

 

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống thiên tai, chia sẻ: Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những trận lũ quét, sạt lở đất rất khốc liệt tại miền Trung, ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng và nhà cửa của người dân. Tuy nhiên, phòng chống loại hình thiên tai này là một vấn đề nan giải đối với Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới. Khó khăn ở cả 3 giai đoạn: Cảnh báo, ứng phó và khắc phục.

Về giải pháp, ông Quang cho rằng, tùy điều kiện cụ thể tại địa phương mà đưa ra giải pháp đồng bộ phù hợp, kể cả biện pháp công trình và phi công trình, ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời nâng cao sự chủ động ứng phó, nhận thức của người dân và cộng đồng trong công tác phòng chống lũ quét, sạt lở núi; phát triển lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở bảo đảm hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời các tình huống trước khi có lực lượng chi viện đến.

 

Còn tại tỉnh Bình Định, trước những thiệt hại và nguy cơ tiềm ẩn do tác động của BĐKH, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã tham mưu UBND tỉnh lập đề án “Nhiệm vụ xây dựng, cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tỉnh Bình Định”. Đề án do Văn phòng Điều phối về BĐKH tỉnh (CCCO Bình Định) thực hiện, với sự phối hợp của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. Trong đó xác định nhiệm vụ hành động cụ thể đối với từng sở, ngành, lĩnh vực, trong từng giai đoạn. Cụ thể như đối với lĩnh vực thủy sản, cần ưu tiên phát triển các ngành nghề thân thiện với môi trường; ưu tiên phát triển thủy sản kết hợp trồng rừng bảo vệ bờ, ứng phó nước biển dâng; nghiên cứu các giống thủy sản chịu được sự ảnh hưởng của sự gia tăng nhiệt độ do BĐKH. Về khí tượng, thủy văn, cần cải tạo, nâng cấp các trạm khí tượng, hải văn để có thể dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan; xây dựng các trạm giám sát BĐKH tại các vùng có nguy cơ cao chịu tác động của BĐKH…

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top