Rét đậm, rét hại kèm băng giá những ngày qua tại khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là tại vùng núi phía Bắc đã khiến hơn 1.000 con trâu, bò bị chết.
Hơn 1.000 trâu, bò chết do rét đậm, rét hại
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tính đến nay, tại 10 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ báo cáo đã ghi nhận hơn 1.010 con gia súc bị chết, trong đó bao gồm 881 con trâu bò và 129 con dê và gia súc khác.
Trong đó, Lào Cai 47 con, Điện Biên 44 con, Lạng Sơn 145 con, Cao Bằng 97 con, Sơn La 393 con, Yên Bái 16 con, Bắc Kạn 58 con, Tuyên Quang 9 con, Hòa Bình 171 con, Quảng Ninh 29 con.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng và Thủy văn quốc gia, không khí lạnh ở phía Bắc đang tăng cường xuống phía Nam. Dự báo khoảng đêm nay (22/2) không khí lạnh sẽ được tăng cường nên ngày và đêm nay ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ít mưa, trời rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ, vùng núi 3-6 độ, vùng núi cao của Bắc Bộ có nơi dưới 0 độ và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết. Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có mưa, trời rét đậm, có nơi rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ.
Yên Bái chủ động bảo vệ đàn gia súc
Những ngày qua, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh Yên Bái giảm sâu, đặc biệt là từ ngày 18/2 trở lại đây, Yên Bái xuất hiện mưa nhỏ, có nơi mưa to, nhiệt độ duy trì ở mức thấp, vùng núi cao dưới 7 độ, trời rét đậm, rét hại và sương mù.
Để bảo vệ đàn gia súc với trên 180.000 con trước đợt rét dài này, ngành nông nghiệp Yên Bái đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi như không thả rông gia súc, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, dự trữ thức ăn, đưa trâu bò ở vùng cao xuống vùng thấp...; hướng dẫn bà con phòng, chống rét cho cá nuôi theo cách thả bèo, sọt rơm, che nilon. Đồng thời, khuyến cáo người dân nếu chủ quan để gia súc bị chết rét, ngoài thiệt hại tài sản của gia đình còn không được nhà nước hỗ trợ.
Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: “Vùng cao nhiệt độ thấp hơn nhiều so với vùng thấp, vì vậy Yên Bái đã chỉ đạo bà con nhân dân khi nắm bắt được tình hình thời tiết có rét đậm sâu, cần chủ động quản lý nuôi nhốt gia súc, không để ở bãi chăn thả, che chắn chuồng cũng như là chuẩn bị củi đốt sưởi những hôm nhiệt độ giảm sâu”.
Lào Cai đang tăng cường các biện pháp giữ ấm cho gia súc
Thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai – nơi có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển. Ngay khi có thông tin cảnh báo về rét đậm, rét hại, các hộ chăn nuôi tại đây đã chủ động lùa gia súc về khu chuồng nuôi nhốt tập trung, phân công nhau chăm nuôi. Hơn 50 ô chuồng này mới được bà con rủ nhau cùng hiến đất, góp công xây dựng đầu mùa đông vừa rồi.
"Bây giờ có chuồng nuôi nhốt tập trung, người dân cũng lùa tất cả trâu ra đó ở, chuồng trại cũng đảm bảo hơn nhiều so với các năm trước"- chị Chu Suy Bia, người dân trong thôn chia sẻ.
Theo thông tin dự báo, Y Tý là một trong những tâm điểm của đợt rét này. Để bảo vệ cho đàn gia súc trên 5.000 con của xã, chính quyền địa phương thời gian này đang tăng cường cảnh báo tình hình, tác động của thời tiết tới người dân; đồng thời, phân công cán bộ tích cực xuống địa bàn vận động, hướng dẫn bà con cách thức phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.
Người dân vùng cao Lào Cai chủ động chuẩn bị thức ăn dự trữ cho gia súc khi mùa đông đến.
Ông Tráng A Lử, Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Y Tý thời tiết rất lạnh nên chính quyền xã đã quán triệt 100% thôn vận động các hộ gia đình lùa trâu bò về nuôi nhốt tại chuồng trại. "Phần thức ăn gia súc, thời gian qua các nông hộ cũng đã dự trữ được rơm khô và chủ động trồng cỏ voi đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi trong mùa đông"- ông Tráng A Lử cho biết.
Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai cho thấy, toàn tỉnh hiện có xấp xỉ 45.000 hộ chăn nuôi, với trên 130.000 đại gia súc. Phần lớn các hộ đã có chuồng trại đảm bảo và có ý thức chủ động dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận hộ dân còn chủ quan nên nguy cơ gia súc chết đói, chết rét vẫn hiện hữu nếu rét đậm, rét hại kéo dài.
Sốp Cộp chủ động phòng, chống rét cho gia súc
Nắm tình hình qua dự báo thời tiết, mấy ngày trước, ông Lò Văn Nơi, Trưởng bản Mạt, xã Mường Lèo (Sốp Cộp, Sơn La) đã vận động bà con trong bản góp tiền mua bạt về che chắn chuồng, đảm bảo phòng, chống rét cho trâu, bò. Ông Nơi bảo: Trời rét bất thường, tôi đã mua hơn 10 mét bạt để che kín chuồng và đốt lửa sưởi ấm cho 3 con bò, 1 con bê, 3 con trâu vừa lùa về từ bãi chăn thả. Gia đình cũng đã cắt cỏ đảm bảo thức ăn cho trâu, bò ăn trong 2, 3 ngày tới. Hiện, cả bản có gần 900 con trâu, bò. Tôi cũng đã vận động bà con chủ động đưa trâu, bò về nuôi nhốt tại gia đình thời điểm này, tránh mưa rét làm trâu, bò chết.
Mường Lèo là một trong những xã có đàn gia súc nhiều nhất huyện Sốp Cộp, với hơn 2.300 con trâu, hơn 2.400 con bò, chủ yếu là chăn thả trên phiêng bãi. Ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Khi dự báo sẽ có đợt rét đậm, rét hại, xã đã chỉ đạo các bản vận động bà con đưa đàn vật nuôi từ phiêng bãi trở về chuồng trại nuôi nhốt để đảm bảo phòng, chống rét. Đồng thời, cử cán bộ khuyến nông, thú y thường xuyên nắm tình hình, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Mường Lèo đề xuất với huyện có chính sách, tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mở rộng phát triển chăn nuôi, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi có kiểm soát theo hình thức gia trại, trang trại. Đồng thời, chuyển đổi hàng chục ha đất trồng kém hiệu quả kinh tế, sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi gia súc.
Còn tại xã Dồm Cang, hiện có hơn 2.600 con trâu, bò. Toàn xã có khoảng 400 hộ nuôi trâu, bò vỗ béo nhốt chuồng. Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Dồm Cang, thông tin: Trước mùa đông năm nay, xã đã cử cán bộ đến từng hộ chăn nuôi hướng dẫn cách che chắn chuồng trại đúng cách, vận động người dân trồng nhiều cỏ voi, tích trữ rơm, rạ sau mùa gặt làm thức ăn cho gia súc. Phối hợp với đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia súc; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi định kỳ, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi... Vì vậy, trong đợt mưa rét này, trên địa bàn xã chưa có con trâu, bò nào bị chết do đói, rét.
Huyện Sốp Cộp hiện có gần 13.800 con trâu, gần 16.300 con bò. Ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã chủ động triển khai phương án phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Trong đợt mưa rét này, Phòng đã cử cán bộ xuống các xã nắm tình hình, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện kịp thời các biện pháp phòng dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc; tăng cường các biện pháp chăm sóc, vỗ béo đàn gia súc để tăng sức đề kháng... Đến thời điểm này, chưa có thiệt hại về đàn vật nuôi và cây trồng.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, để chủ động phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, thì người dân cần tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Chủ động hỗ trợ các hộ chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có công điện khẩn đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn; chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi về thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại chống gió lạnh, nhất là đối với hộ nghèo, hộ chính sách. |
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.