Tại nhiều dự án, khách hàng đã thanh toán 100% giá trị căn hộ, dọn về ở nhiều năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa làm xong sổ đỏ cho người dân.
Trước tình trạng này, gỡ “nút thắt” trong việc cấp sổ đỏ, để người dân an cư lập nghiệp, là điều cần thiết.
Nhận nhà 5 năm vẫn chưa có sổ đỏ
Dự án Thảo Điền Pearl (quận 2, TP. Hồ Chí Minh) được xây dựng từ năm 2010, đến cuối 2013 bắt đầu bàn giao nhà cho khách hàng. Thảo Điền Pearl được giới thiệu là dự án cao cấp với nhiều tiện ích, do đó khách hàng sẵn sàng bỏ tiền tỷ để mua căn hộ tại đây. Tuy nhiên, sau gần 5 năm bàn giao nhà, khách hàng mua nhà tại dự án vẫn chưa nhận được sổ đỏ.
Theo phản ánh của cư dân thì trong 3 - 4 năm qua, kể từ khi người dân được nhận bàn giao nhà, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân như đã cam kết. Trong khi đó, Điều 13, Luật Kinh doanh bất động sản quy định, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, chủ đầu tư phải làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho bên mua.
Cũng theo quy định, việc cấp sổ đỏ chung cư sẽ được thực hiện khi chủ đầu tư đã hoàn công công trình và hoàn thành các tiện ích khác. Vì thế, sau khi hoàn tất hồ sơ hoàn công mới thực hiện được hồ sơ cấp sổ hồng cho từng căn hộ. Một khi chủ đầu tư chậm hoàn thiện công trình như thiết kế đã được phê duyệt, sẽ dẫn đến tình trạng chậm hoàn tất hồ sơ làm sổ hồng.
Đối với trường hợp chung cư đã bàn giao nhiều năm mà chưa có sổ hồng, nguyên nhân có thể do chủ đầu tư không thực hiện như cam kết là xây dựng các công trình tiện ích, công trình xã hội, dẫn đến việc không đủ điều kiện làm hồ sơ cấp sổ hồng. Hoặc do chủ đầu tư không làm đúng theo phê duyệt dự án, nên xảy ra vướng mắc. Nhưng dù là lý do gì, thì người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người mua nhà.
Tương tự, khách hàng mua nhà tại dự án chung cư Khang Gia Tân Hương (số 377, Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM) cũng đang mòn mỏi chờ sổ đỏ dù đã chuyển vào ở từ năm 2014. Cụ thể, dự án được phê duyệt đầu tư vào năm 2008, thi công năm 2010 và khoảng giữa năm 2014 đưa cư dân vào ở. Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho thấy, chủ đầu từ đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng kéo dài suốt nhiều năm qua. Sau khi dự án đưa người dân vào ở năm 2014, Công ty Khang Gia tiếp tục xây dựng lấn chiếm hàng loạt khu vực công cộng, như: nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vực giữ xe dịch vụ, lấp ô thông tầng từ tầng trệt lên tầng lửng... Các phòng dịch vụ khu vực hồ bơi của chung cư cũng bị chủ đầu tư chia nhỏ ra thành căn hộ để bán. Đây được đánh giá là nguyên nhân gây chậm trễ trong việc cấp sổ đỏ.
Bên cạnh đó, hiện nay, tại nhiều chung cư, người mua nhà cũng phản ánh trường hợp chủ đầu tư xin cấp sổ đỏ cho cả dự án nhưng lại mang thế chấp ngân hàng để vay thêm vốn, dẫn đến ách tắc trong quá trình làm hồ sơ xin cấp sổ hồng cho các chủ căn hộ.
Trao đổi với báo chí, ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thừa nhận, thủ tục cấp sổ đỏ hiện nay còn rất lê thê. Nguyên nhân bởi cơ quan Tài nguyên và Môi trường còn đang ôm cả phần thủ tục của cơ quan thuế vào phần của mình, trong khi việc nộp thuế là nghĩa vụ tài chính thì thuộc về trách nhiệm của người dân. Để đẩy nhanh thời gian cấp sổ đỏ, ông Chính đề nghị, trong thời gian tới, cần rà soát lại vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn.
Chậm làm sổ đỏ có thể bị phạt 1 tỷ đồng
Để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ, xử lý các tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận lâu nay, mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, tùy mức độ vi phạm, đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng.
Cụ thể, mức phạt thấp nhất 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng được áp dụng cho hành vi như: đưa chất thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở cho việc sử dụng đất của người khác (tại khu vực nông thôn). Hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khác trong cùng xã, phường, thị trấn khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, đất đang có tranh chấp, đất đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án, đất đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn. Hành vi không đăng ký đất đai lần đầu…
Còn hành vi chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng. Cụ thể, đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Trong đó, mức phạt cao nhất từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng được áp dụng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên, từ trên 12 tháng trở lên. Nghị định nêu rõ, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Chế tài là vậy, tuy nhiên, rất cần các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm đối với khách hàng. Cơ quan nhà nước giám sát chặt hơn các vi phạm của chủ đầu tư, kiểm tra chặt hơn đảm bảo 100% công trình xây dựng phải được kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời nêu tên các chủ đầu tư vi phạm trên website của các cơ quan chức năng liên quan. Làm được điều này, cư dân mua nhà tại dự án chậm cấp Giấy chứng nhận không phải canh cánh câu chuyện “dọn về ở mà sổ đỏ vẫn lang thang”.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.