Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 21 tháng 6 năm 2022 | 12:44

Hà Giang đẩy mạnh kết nối và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực

Những năm qua, ngành Công Thương Hà Giang đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản chủ lực.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII xác định, “Phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” là một trong 3 khâu đột phá, chiến lược. Thông qua việc ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch cụ thể về khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhiều sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, trở thành đặc sản, điển hình như: Cam Sành Hà Giang có diện tích lớn nhất các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc với tổng diện tích gần 7.000ha, sản lượng đạt 80.000 tấn/năm; mật ong Bạc Hà đạt 280 tấn/năm; sản lượng gạo đặc sản đạt 10 tấn/năm; sản lượng đại gia súc xuất chuồng đạt 45.000 tấn/năm; sản phẩm chè có sản lượng đứng thứ 3 cả nước và tại cuộc thi Trà quốc tế 2019 tổ chức tại Pháp, sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh của Hà Giang đạt được 3 giải thưởng cao nhất...
288436556_2180430798791501_4425532952879018981_n.jpg
Điểm trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang gắn với khai trương khu du lịch của HTX Thuận Hòa tại Km11, Quốc lộ 4C, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên).

 

288535886_1070191963583196_3368474275241188149_n.jpg
Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được bày bán ở các gian hàng trưng bày tại Hợp tác xã Thuận Hoà nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hà Giang .
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang có 8 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý và 10 chuỗi giá trị được tỉnh phê duyệt. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với hoạt động kinh tế của làng nghề với thương mại dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, đến nay, tỉnh đã đánh giá, phân hạng trên 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
 
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Giang, để nâng cao vị thế cạnh tranh, đẩy mạnh kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong những năm qua, ngành Công Thương đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp kết hợp với các hình thức tiêu thụ trên các kênh online, qua đó đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản. Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã tạo được thị trường ổn định ở trong nước, tham gia vào các hệ thống phân phối hiện đại và xuất khẩu sản phẩm chè sang thị trường một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu... Đây là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực của tỉnh trong chính sách phát triển cây trồng, vật nuôi thế mạnh.
286897391_1653835721659839_155404729675080280_n-1.jpg
Gắn với hoạt động kinh tế của làng nghề với thương mại dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, đến nay, Hà Giang đã đánh giá, phân hạng trên 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Đặc biệt, trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, ngành Công Thương đã xây dựng phương án tiêu thụ nông sản đồng thời trên cả hai kênh truyền thống và thương mại điện tử, trong đó tập trung thúc đẩy tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, như: Voso, Potmart, Sendo... Qua đó, đã mang lại hiệu quả và trở thành kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm có sức lan tỏa lớn, thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng trên cả nước.
 
Bên cạnh những kết quả tích cực trên, thực tế vẫn còn một số sản phẩm có quy mô sản xuất nhỏ và năng suất thấp, nhiều sản phẩm đặc hữu có chất lượng tốt nhưng còn thô sơ dẫn đến giá trị  sản phẩm không cao, khó cạnh tranh với sản phầm cùng loại trên thị trường; một số HTX, hộ kinh doanh chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế…
 
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định tại các kênh phân phối hiện đại và hướng tới xuất khẩu, thời gian tới, ngành Công Thương Hà Giang tiếp tục thực hiện rà soát, quy hoạch phát triển và hình thành vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung để thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết giá trị; xây dựng mô hình hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hà Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng công tác chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
 
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top