Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 7 năm 2019 | 15:57

Hà Nội: “Bất lực” trước những dự án “khủng” bỏ hoang

Cách đây nhiều năm, một số dự án bất động sản (BĐS) đình đám nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm Hà Nội được khởi công xây dựng rầm rộ. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm, những dự án này vẫn nằm “án binh bất động”, chưa có ngày “hồi sinh”.


Dự án Habico Tower được khởi công vào năm 2008 đến nay mới chỉ xây dựng được 9 tầng và đang nằm “án binh bất động”

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, dự án Habico Tower ở số 288 đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm do Cty CP Hải Bình làm chủ đầu tư. Được biết, dự án này có vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD. Dự án được xây dựng trên khu đất rộng trên 4.490m2 với 2 tòa tháp có chiều cao 180m gồm 4 tầng hầm và 36 tầng nổi.

Theo giới thiệu, dự án Habico Tower có chức năng là tòa nhà thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng và nhà ở cao cấp cho thuê. Dự án này từng gây sự chú ý lớn khi được giới thiệu, chào bán ra thị trường với mức giá “khủng” 4.000 USD/m2 sàn.

Dự án được khởi công vào năm 2008 và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2011. Tuy nhiên, dự này mới chỉ xây dựng được 9 tầng và bị hoang hóa từ nhiều năm nay.


Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà công vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội được khởi công gần thập kỷ qua mà chưa hẹn ngày hoàn công.

Công trình cao tầng khác nằm tại đầu đường Thanh Niên (quận Tây Hồ, Hà Nội) bị “đắp chiếu” hàng thập kỷ mà chưa được đưa vào sử dụng. Việc để một công trình “khủng” hoang hóa hàng thập kỷ là sự lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước và khiến không ít người tỏ ra xót xa.

Được biết, ngày 04/01/2010, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 27/QĐ-BCA-H11 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà công vụ thuộc Công an thành phố Hà Nội. Theo đó, Chủ đầu tư của dự án này là Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, địa điểm tại số 1-1A Yên Phụ (quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm đảm bảo nơi đón tiếp, phục vụ nghỉ ngơi cho cán bộ cảnh sát, công an các huyện ngoại thành và công an các địa phương về Hà Nội công tác, tập huấn, dự hội nghị, hội thảo. Tổ chức hội nghị, hội thảo, học tập, tập huấn tập trung CBCS Công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an.

Dự án có quy mô đầu tư xây dựng Nhà công vụ 150 giường, công trình có diện tích sàn 8.506 m2. Kiến trúc Nhà cấp II, gồm 16 tầng nổi, 3 tầng hầm, 01 tầng kỹ thuật và tầng mái, chiều cao công trình là 57,4 m (chưa tính buồng kỹ thuật thang máy cao 2,7 m). Dự án có tổng mức đầu tư trên 105 tỷ đồng (trong đó có hơn 30 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách Nhà nước) và được khởi công xây dựng năm 2010. Tuy nhiên đến nay đã gần một thập kỷ trôi qua, dự án vẫn chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng.


Chung cư Hanoi Time Towers được khởi công vào tháng 10/2010 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013, tuy nhiên đến nay công trình vẫn “đắp chiếu”.

Tương tự, dự án Tổ hợp chung cư cao tầng và dịch vụ thương mại CT10, CT11 Văn Phú (hay còn gọi là chung cư Hanoi Time Towers) nằm tại Lô CT10 - CT11 KĐT Văn Phú (quận Hà Đông, Hà Nội). Theo giới thiệu, dự án có tổng diện tích sàn xây dựng là 109.685 m2, diện tích sàn căn hộ kinh doanh là 62.088 m2. Công trình bao gồm tổ hợp 2 tòa tháp cao 39 tầng và 2 tầng hầm với số căn hộ là khoảng hơn 600 căn. Tổng mức đầu tư của Chung cư Hanoi Time Towers là 1.454,5 tỷ đồng. Được biết, chủ đầu tư dự án này là Cty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVCR).

Theo kế hoạch, dự án được khởi công vào tháng 10/2010 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, do vướng vào những lùm xùm liên quan đến việc huy động vốn nên sau khi được khởi công, dự án đã phải dừng thi công. Hiện dự án mới chỉ được thi công đến tầng 9, mặt ngoài hoang hóa nhưng bên trong được tận dụng làm kho xưởng.

Tọa lạc tại vị trí đắc địa trong khu đô thị mới phát triển phía Tây Nam Hà Nội, tòa tháp Apex Tower nằm tại lô đất HH3, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, thuộc phường Mễ Trì (quận Từ Liêm, Hà Nội) cũng đang trong tình trạng “đắp chiếu” sau nhiều năm khởi công xây dựng.

Được biết, dự án Apex Tower do Cty CP Tòa nhà Cavico Việt Nam và Cty CP Tu tạo và phát triển nhà (CTP) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 15 triệu USD. Dự án có diện tích 2.780m2, trong đó diện tích sàn xây dựng là 44.000m2 gồm 27 tầng và 3 tầng hầm. Cuối năm 2007, dự án hành khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến năm 2009 sẽ hoàn thành. Thế nhưng, kể từ đó cho đến nay, công trình này mới chỉ được xây xong phần thô và nằm “án binh bất động”. Nhiều hạng mục của dự án đã có dấu hiệu xuống cấp.

Theo khảo sát, hiện dự án này còn bị “biến tướng”, sử dụng sai mục đích làm quán ăn, bãi trông xe…


Dự án Tháp Tài chính Quốc tế số 220 Trần Duy Hưng sau nhiều năm vẫn chưa được khởi công.

Nằm trong số những công trình hoang phế tại Hà Nội phải kể đến tiếp nữa là dự án Tháp Tài chính Quốc tế (IFT) nằm tại vị trí đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), do Cty CP đầu tư SCIC – Bảo Việt làm chủ đầu tư. Được biết, năm 2005 UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao 13.159m2 đất tại đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho Bảo Việt nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.

Năm 2013, dự án này được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Cty Bảo Việt nhân thọ. Theo đó, địa điểm xây dựng dự án nằm ở số 220 đường Trần Duy Hưng.

Tiếp đó, ngày 28/5/2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình Tháp Tài chính Quốc tế tại khu đất số 220 Trần Duy Hưng. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao, đến nay dự án vẫn chưa thể khởi công, xung quanh vẫn là bãi đất hoang, mênh mông cỏ dại.

Thời gian qua, mặc dù Hà Nội đã phát “lệnh” thu hồi các dự án bỏ hoang, chậm tiến độ, tuy nhiên, với nhiều vị trí đắc địa thì nhiều dự án vẫn chưa được tính đến. Các chuyên gia cho rằng, những công trình dự án BĐS bỏ hoang, chậm tiến độ không chỉ gây lãng phí tiền của mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt mỹ quan đô thị của Hà Nội, đặc biệt là khi quỹ đất nội đô đang ngày bị thu hẹp. TP Hà Nội cần có phương án xử lý dứt điểm những tồn tại này.

 

Trà Phương Dung
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top