Hà Nội sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh trái cây và xóa bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; Chủ tịch Hà Nội yêu cầu trả lời việc “phun thuốc nhưng muỗi không chết”... là những vấn đề nóng trong tuần.
Cấm bán hoa quả lòng đường, vỉa hè ở nội thành
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP.".
Theo đó, một trong những mục tiêu TP. hướng đến là quản lý hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư thuộc các quận nội thành theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về ATTP, đảm bảo sức khỏe và các điều kiện theo quy định.
Trong năm 2017 đạt 60%, hết năm 2018 đạt 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh; có biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đảm bảo chất lượng...
Xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn trên toàn thành phố.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, không chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh trái cây và xóa bỏ các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; không đảm bảo điều kiện ATTP, trật tự đô thị. Phấn đấu trong năm 2018, kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, các điều kiện về ATTP tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trong các quận nội thành.
Đề án được áp dụng trên địa bàn các quận nội thành để quản lý, tổ chức các hoạt động kinh doanh trái cây đảm bảo ATTP, văn minh trật tự, thông tin tới người tiêu dùng biết các địa điểm cung ứng trái cây đảm bảo chất lượng ATTP; tiến tới nhân rộng mô hình trên toàn TP.
UBND TP. yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý sai phạm phải đảm bảo nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa phiền hà cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Mục tiêu của đề án tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý ATTP; tăng cường kết nối giữa các cơ sở sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm trái cây để xây dựng thị trường tiêu thụ bền vững và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TP., người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc các mặt hàng trái cây.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu trả lời việc “phun thuốc nhưng muỗi không chết”
Chiều 24/8, tại Hội nghị trực tuyến giao ban phòng dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê bình Trung tâm Y tế dự phòng chậm trễ, chủ quan trong công tác phòng dịch. “Nếu triển khai việc thông tin, cảnh báo từ sớm, chắc chắn tình hình sốt xuất huyết (SXH) sẽ không lan rộng như hiện nay. Dịch bệnh diễn biến cả năm, không lúc nào được chủ quan”, ông Chung phân tích.
Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.195 ổ dịch, hầu hết là ổ dịch nhỏ. Có 2.361 ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân; 437 ổ dịch có 3-5 bệnh nhân; 117 ổ dịch có 6 bệnh nhân trở lên. Đến nay đã có 2.204 ổ dịch được khống chế.
Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung cho rằng, dịch SXH ở Hà Nội đến sớm hơn mọi năm nhưng công tác dự báo, phối hợp của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và ngành y tế triển khai chậm trễ.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn diệt bọ gậy còn chậm, còn chủ quan nên số ổ dịch, số ca mắc mới tăng cao. “Nếu triển khai việc thông tin, cảnh báo từ sớm, chắc chắn tình hình SXH sẽ không lan rộng như hiện nay. Dịch bệnh diễn biến cả năm, không lúc nào được chủ quan”, ông Chung phân tích.
Chủ tịch Hà Nội đã phê bình hai đơn vị này cũng như nêu lên việc các Bệnh viện chưa làm tốt công tác phân loại khi bệnh nhân SXH nhập viện dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều nơi.
Đặc biệt, ông Chung yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trả lời về băn khoăn, phản ánh của người dân, dư luận báo chí về việc phun hóa chất diệt muỗi mà muỗi không chết, như vậy thuốc có đảm bảo chất lượng ?
Về việc này, theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, hiện, Hà Nội sử dụng thuốc sản xuất trong nước, đã được Bộ Y tế công nhận. Đây là loại thuốc phun không gian, khi muỗi gặp hóa chất là chết. Thuốc chỉ có tác dụng 1 tiếng đồng hồ, sau thời gian này muỗi vào thì không chết. Đồng thời, thuốc này chỉ diệt muỗi mang virus SXH, các loại muỗi mang mầm bệnh khác sẽ không chết.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu ngành y tế phải kiểm tra thường xuyên xem thuốc có được pha đúng liều lượng không. Nếu thuốc chỉ có giá trị trong một giờ thì cần kiểm tra xem xét lại, nếu cần thiết thì đổi loại khác.
Thuê người nổ súng bắn đối thủ do mâu thuẫn làm ăn
Lực lượng chức năng vừa bắt khẩn cấp thêm 2 nghi can gồm: Bùi Văn Hùng và Chu Văn Mạnh liên quan đến vụ nổ súng vào tiệm sửa xe trên Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Ngày 25/8, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP. Hà Nội phối hợp với Công an quận Cầu Giấy bắt khẩn cấp Bùi Văn Hùng (32 tuổi, trú huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Chu Văn Mạnh (42 tuổi, trú khu tập thể Nhạc viện Hà Nội, quận Đống Đa, TP. Hà Nội).
Trước đó, Phòng CSHS, Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ Đào Văn Tùng (28 tuổi, trú xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) là nghi can thực hiện hành vi giết người.
Lực lượng công an còn thu giữ tang vật gồm 1 súng AK cưa báng, 1 hộp tiếp đạn cùng 33 viên đạn, 1 súng dài loại súng săn cưa nòng (súng gây án), gần 900 gam bột ma túy tổng hợp…
Nạn nhân trong vụ nổ súng là anh Nguyễn Văn Mùi (trú huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) - nhân viên tiệm sửa chữa xe máy đường Hồ Tùng Mậu đã được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) trong tình trạng bị thương.
Theo thông tin điều tra bước đầu, vào 14h15 ngày 18/8, Đào Văn Tùng được thuê đi xe máy mang BKS 29H1-67... đến tiệm sửa xe máy đường Hồ Tùng Mậu nêu trên, dùng súng tự chế bắn hai phát vào anh Nguyễn Hoàng Long (48 tuổi, trú tổ 2, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) khi anh này đang ngồi đợi sửa xe tại đây.
Tuy nhiên, phát đạn đầu tiên của Tùng không nổ, phát thứ hai viên đạn lại bắn trúng vào vùng sườn bên phải của anh Nguyễn Văn Mùi.
Được biết, anh Long đang có mâu thuẫn với một người ở tỉnh Hà Giang liên quan đến công việc làm ăn với anh.
Hiện, vụ án đang được điều tra làm rõ.
Phê duyệt đề án dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030".
Theo đó, để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn, Hà Nội tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% đến 55%.
Thành phố sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20% đến 26% cho đô thị trung tâm. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt từ 3% đến 4%.
Để đạt được mục tiêu trên, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, cùng với quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; chất lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Thành phố sẽ triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 2017 - 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải. Giai đoạn 2017 - 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.
Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Trước đó, tại kỳ họp giữa năm, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030, với tỷ lệ đại biểu tán thành trên 91%.
Theo Nghị quyết, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh...
Vân Nhi (tổng hợp)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.