Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 1 năm 2018 | 10:7

Hà Nội trong tuần: Không để oan sai, lọt tội phạm khiến người dân bức xúc

Đó là yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác kiểm sát năm 2018 với Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP. Hà Nội.

Theo báo cáo của Viện KSND TP, năm 2017, VKSND hai cấp TP hoàn thành nhiều chỉ tiêu nghiệp vụ, một số chỉ tiêu quan trọng đã vượt so với yêu cầu theo các Nghị quyết của Quốc hội và của ngành, một số chỉ tiêu đạt cao hơn năm 2016. Trong đó, có 36/66 chỉ tiêu nghiệp vụ đơn vị thực hiện vượt so với yêu cầu của ngành, các chỉ tiêu về xây dựng ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. 

Cụ thể, tỷ lệ yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra đều đạt 100%; tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố hình sự đạt 99,3% (cao hơn 1,3% so với kế hoạch đề ra); tỷ lệ giải quyết án tại CQĐT đạt 87,8% (cao hơn 5,8%), tỷ lệ giải quyết án tại VKS đạt 99,4% (cao hơn 4,4%), tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,97% (cao hơn 1,97%), truy tố bị can đúng tội đạt 99,96% (cao hơn 1,96%), tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chiếm 1,39% (chỉ tiêu của ngành là dưới 5%)… đặc biệt, tỷ lệ giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm đạt 93,7% (cao hơn 3,7% so với chỉ tiêu Quốc hội và của ngành)…

VKSND TP là một trong những đơn vị thực hiện rất nghiêm túc Chỉ thị số 15/2007 của Bộ Chính trị, được các Đoàn khảo sát của Ủy ban kiểm tra T.Ư, của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15/2007 của Bộ Chính trị đã tiến hành trực tiếp khảo sát và đánh giá cao. Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong đánh giá: “Trong bối cảnh tình hình các loại tội phạm gia tăng, VKSND Hà Nội đã thực hiện hiệu quả công việc, là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc”.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao VKSND TP, năm qua đã cùng với các đơn vị trong ngành nội chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, giữ bình yên cho Thủ đô cũng như đảm bảo môi trường an ninh, an toàn phục vụ phát triển. VKSND TP đã làm tốt công tác kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố xét xử.

“Năm 2017, VKSND TP đã xử lý 48.000 vụ việc, khối lượng công việc hàng ngày rất lớn nhưng không để xảy ra truy tố oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Kết quả đó đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu VKSND TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với CATP, Ban Nội chính, hệ thống VKSND các cấp, tăng cường nắm bắt các vụ việc cụ thể, xử lý tốt hơn nữa công tác tiếp nhận xử lý đơn thư tố giác tội phạm, đảm bảo quá trình điều tra đúng luật, không để oan sai, không để lọt tội phạm, khiến người dân bức xúc, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. 
VKSND TP cũng cần bám sát thực hiện chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy, làm tốt công tác tham gia xét xử các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án kinh tế, đáp ứng mong mỏi, niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xứng đáng là đơn vị 6 năm liền dẫn đầu của ngành kiểm sát cả nước.…

Tỷ lệ bình quân cây xanh tại Hà Nội đang tăng dần

Đó là lời khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi trao đổi với chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị” tổ chức sáng 13/1.

Tham luận tại Hội thảo về những thành tố quan trọng: Cây xanh, công viên, mặt nước trong cấu trúc đô thị, giới chuyên môn đều nhận định đây là phần linh hồn cốt lõi của Hà Nội. “Có thể tự hào khi nhiều con đường khô cằn của Hà Nội đã trở thành những vệt cây xanh tươi mát” - ông Nguyễn Lân Hùng - Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam phấn khởi.

Cũng xoay quanh chương trình trồng 1 triệu cây xanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ đây là công việc phải làm và nên làm. Bởi, cây xanh cần được coi là di sản đô thị, một phần máu thịt của Hà Nội. Không chỉ đi vào thơ ca, cây xanh còn là cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sỹ. “Về chương trình 1 triệu cây xanh, hiện tại, tôi đúc kết trong 3Đ: “Đồng đều – Đa dạng - Đồng bộ”. Đồng đều về kích thước, chiều cao cây (7-8m), khoảng cách trồng cây (6-7m). Đồng bộ về chủng loại và đa dạng về cách trồng cây xanh theo tầng: tầng cao là cây bóng mát, ở giữa là tầng cây bụi và cuối cùng là tầng thảm cỏ, cây lá rực rỡ màu sắc. Theo tính toán của các nhà khoa học, khi trồng cây xanh, 2 năm đầu tiên cho 3-5m2 cây xanh. Sau 5 năm, có từ 15-18m2 và 10 năm là 25-30m2 cây xanh. Vậy 1 triệu cây xanh, sau 5 năm Hà Nội có ít nhất 15-20 triệu m2 cây xanh. Số lượng này chia cho 75 triệu dân, ước tính có thêm 2,5m2/cây xanh/người” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.

Về lâu dài, để chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đến năm 2020 đạt hiệu quả, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ phối hợp nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh việc xây dựng vườn ươm ở Đan Phượng để nghiên cứu lai tạo các giống cây, hoa mới. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu chỉnh trang cắt tỉa lại toàn bộ cây xanh hiện đó nhằm tăng mỹ quan cho TP. và đảm bảo giao thông. Cụ thể, thực hiện theo đúng quy trình: cắt tỉa, trồng mới, cây xấu đánh chuyển và tiếp tục chăm sóc, cắt tỉa làm đẹp. Bên cạnh đó, hợp tác sâu rộng hơn với các nước có công nghệ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hiện đại như Singapore, Đức, Úc...

“Hà Nội có thể xanh hoá như kỳ vọng còn cần sự ủng hộ của đông đảo bà con. Nhiều hộ dân nhà phố, muốn cây xanh phủ bóng mát những lại không thích cây xuất hiện ở mặt tiền nhà họ. Việc trồng cây vì thế gặp khó khăn do người dân đổ nước sôi, dầu khiến cây chết. Nghe có vẻ sách vở song chỉ cần lòng dân thuận, khó mấy chính quyền cũng nỗ lực vượt qua” – Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thẳng thắn.

Hầu hết giới quy hoạch, kiến trúc đều nhất trí cần xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật về công viên cây xanh thống nhất và đồng bộ. Nhanh chóng chuẩn hóa toàn bộ các tiêu chuẩn kỹ thuật, chương trình, kế hoạch, các đồ án quy hoạch (từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết…), xây dựng Bộ luật về Công viên cây xanh đô thị và “Ngày cây xanh Việt Nam”…

Lượng hành khách đi xe buýt đã tăng trở lại

Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Hoàng Trung cho biết, năm 2017, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Transerco đã luôn nỗ lực hết mình và đạt được nhiều kết quả đáng mừng trong sản xuất, kinh doanh.

Năm 2017, doanh thu toàn Tổng công ty đạt hơn 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 59 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đề ra. Hiệu quả kinh doanh đạt 320 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch.

Cũng trong năm qua, Transerco đã mở mới 17 tuyến buýt; điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, điểm đầu cuối nhiều tuyến khác để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách tiếp cận xe buýt. 

Tổng Công ty đã đầu tư đổi mới 258 xe buýt chất lượng cao, chiếm gần 30% tổng số lượng phương tiện nhiều nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, Transerco là đơn vị đầu tiên của Hà Nội đưa vào khai thác thí điểm 32 xe buýt sàn thấp.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty còn tiếp tục ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác quản lý điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt, như: nâng cấp Trung tâm Điều hành xe buýt thông minh; ra mắt phần mềm tìm kiếm xe buýt (Timbuyt), đến nay đã có 170 nghìn người dùng và trên 470 nghìn lượt truy cập mỗi ngày; cung cấp dịch vụ Wifi miễn phí trên 570 xe buýt. 

Đơn vị cũng đang thử nghiệm điều hành trực tuyến mạng lưới xe buýt trên hệ thống máy tính nhúng OBU; ra mắt số điện thoại hotline chăm sóc khách hàng mới 19001296, phục vụ trên 120 nghìn cuộc gọi hỗ trợ trong năm 2017. 

Mở thêm nhiều điểm bán vé tháng lưu động, tiếp nhận đăng ký thẻ vé tháng trên mạng và trả thẻ tại nhà cho hành khách có nhu cầu. Phương án triển khai hệ thống thẻ vé xe buýt điện tử đã được các cấp thẩm định thông qua và hiện đang trình TP cho triển khai thử nghiệm trên tuyến xe buýt nhanh BRT để làm cơ sở triển khai trên toàn mạng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, vài năm qua, sản lượng hành khách của xe buýt Thủ đô có dấu hiệu sụt giảm, rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, năm 2017, Transerco đã tạo nên được chuyển biến rất tích cực khi ngăn chặn được đà sụt giảm đó, đồng thời gia tăng được sản lượng hành khách thêm 3% so với năm 2016.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác cũng như sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên Transerco.

“Trong năm qua, Tổng Công ty không chỉ đạt được kết quả tốt trong sản xuất, kinh doanh mà còn quan tâm, chăm lo đầy đủ cho đời sống của cán bộ, công nhân viên. Và chính nhờ có sự đoàn kết, nhất trí mà trong nội bộ đơn vị đã không còn những hiện tượng như đình công, lãn công, đơn thư, khiếu kiện…” - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Cấm Uber, Grab theo giờ ở 13 tuyến phố

Từ ngày 11/1, Hà Nội sẽ cấm taxi, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ - trong đó có Grab, Uber - hoạt động tại 13 tuyến phố vào các khung giờ cao điểm.

13 tuyến phố cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ vào giờ cao điểm gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.

Đây cũng là những tuyến phố trước đó đã cấm taxi. Việc lắp biển cấm đã hoàn thành xong từ hôm qua (10-1). Biển cấm được đặt ngay bên cạnh hoặc song song với biển cấm taxi truyền thống.

Các loại xe này sẽ bị cấm hoạt động trong các khung giờ từ 6-9h và 16h30-19h30. Nếu vi phạm thì sẽ bị lực lượng chức năng xử lý. 

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho hay, phố nào cấm taxi truyền thống thì taxi công nghệ cũng không được lưu thông. Thời gian cấm cũng tương tự nhau.

Trước thắc mắc làm thế nào để phân biệt, xử lý được xe Grab, Uber vi phạm đi vào đường cấm, ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết: “Việc phân biệt đúng là hơi khó, tuy nhiên, các xe Grab, Uber theo quy định đều phải dán logo. Cảnh sát và thanh tra giao thông sẽ nhận diện qua logo để xử phạt. Còn nếu xe nào cố tình không dán logo mà đi vào đường cấm, khi bị phát hiện sẽ xử lý luôn cả hai lỗi”.

Đặt tên mới và điều chỉnh độ dài 24 đường, phố

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 8984/QĐ-UBND về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài của một số đường, phố trên địa bàn.

Theo đó, có 19 đường, phố được đặt tên mới, bao gồm:

Quận Bắc Từ Liêm có 4 phố mới: Phố Đình Quán (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Văn Tiến Dũng tại số nhà 43 đến ngã ba giao cắt đường Cầu Diễn tại số nhà 86); phố Nguyên Xá (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Cầu Diễn tại số nhà 162 đến ngã ba tổ dân phố Văn Trì 4); phố Trung Kiên (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Tây Tựu đến ngã ba giao cắt phố Trung Tựu tại số nhà 70); phố Văn Hội (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Đức Thắng tại địa điểm trụ sở UBND phường Đức Thắng đến ngã tư ngõ 9 tổ dân phố 3).

Quận Cầu Giấy có phố Nghĩa Đô (đoạn từ ngã ba giao cắt Hoàng Quốc Việt tại tòa nhà Sunset, đến chung cư Đông Đô).

Quận Hà Đông có 3 phố mới: Phố La Dương (đoạn ngã ba giao cắt với đường tiếp nối đường Lê Trọng Tấn đi Đại lộ Thăng Long đến ngã ba giao cắt với đường ven khu đô thị Dương Nội B); phố La Nội (đoạn từ ngã tư giao cắt đường tiếp nối đường Lê Trọng Tấn tại chợ La đến ngã ba giao cắt với đường đi phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, cạnh chùa Hếu); phố Ỷ La (đoạn từ ngã ba giao cắt với đường tiếp nối đường Lê Trọng Tấn (đối diện chợ La) đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối đường Lê Trọng Tấn tại cổng chào tổ dân phố Thắng Lợi).

Quận Long Biên có 3 phố mới: Phố Nguyễn Lam (đoạn từ ngã ba giao cắt đường tiếp nối phố Sài Đồng tại tòa nhà N02-2 khu đô thị Sài Đồng đến đoạn cuối phố Mai Phúc); phố Đào Văn Tập (đoạn từ ngã ba giao cắt phố Đoàn Khuê tại khu đô thị Vincom Riverside đến ngã ba giao cắt phố Hội Xá); phố Mai Chí Thọ (đoạn từ ngã tư giao cắt phố Hội Xá đến ngã ba giao cắt đường tiếp nối đường Ngô Gia Tự tại trụ sở TAND quận Long Biên).

Quận Hai Bà Trưng có phố Dương Văn Bé (đoạn từ ngã ba giao cắt đường vành đai 1 tại chân cầu Vĩnh Tuy đến ngã ba đường vào khu sinh thái Vĩnh Hưng).

Quận Nam Từ Liêm có 3 phố mới: Phố Phùng Khoang (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Trãi tại số nhà 424 đến ngã ba giao cắt đường Lương Thế Vinh tại số nhà 231); phố Quang Tiến (từ ngã ba giao cắt đường Đại Mỗ tại số nhà 373 đến ngã ba giao cắt Đại lộ Thăng Long); phố Nguyễn Văn Giáp (từ ngã ba giao cắt đường Hồ Tùng Mậu tại số nhà 273, cạnh Cầu Diễn, đến ngã ba giao cắt đường vào khu đất dự án Công ty Xuân Hòa).

Huyện Gia Lâm có phố mới Nguyễn Mậu Tài (từ ngã ba giao cắt với phố Ngô Xuân Quảng tại số nhà 75 đến ngã ba giao cắt với đường đi Nhà Văn hóa Kiên Thành và Bệnh viện huyện Gia Lâm).

Huyện Quốc Oai có Phố Huyện (đoạn từ dốc đê Hữu Đáy, cạnh cây xăng Hưng Thịnh đến ngã ba đường đôi nối ra đường Đại lộ Thăng Long).

Huyện Thanh Trì có thêm 2 đường mới: Đường Cổ Điển (đoạn từ ngã ba giao cắt đường Ngọc Hồi tại số nhà 673 đến xóm Kho làng Cổ Điển A); đường Quang Lai (từ ngã ba giao cắt đường dự kiến đặt tên Cổ Điển tại điểm đối diện trụ sở Ban Chỉ huy quân sự huyện Thanh Trì đến ngã ba giao cắt đường liên xã).

Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng tiến hành điều chỉnh độ dài 5 tuyến phố. Theo đó, phố Phan Kế Bính (quận Ba Đình) tính từ cuối phố Phan Kế Bính tại ngã ba giao cắt phố Linh Lang, đến ngã ba giao cắt đường Bưởi tại số nhà 254 (dài 440 m, rộng 17,5 m-25 m); Phố Doãn Kế Thiện (quận Cầu Giấy) tính từ điểm cuối phố Doãn Kế Thiện đến ngã ba giao cắt phố Trần Vĩ (dài 200 m, rộng 7,5 m); Phố Nguyễn Khả Trạc (quận Cầu Giấy) tính từ điểm cuối phố Nguyễn Khả Trạc đến ngã ba giao cắt phố Trần Vĩ (dài 200 m, rộng 7,5 m); Phố Ngô Quyền (Hà Đông) từ đoạn cuối phố Ngô Quyền đến ngã ba giao cắt tuyến đường tiếp nối đường Tố Hữu đến cầu kênh La Khê (dài 700 m, rộng 7,5 m-10,5 m); Phố Từ Hoa (quận Tây Hồ) từ điểm cuối phố Từ Hoa đến ngã ba giao cắt đường Quảng An (dài 300 m, rộng 6 m).

Thêm 6 huyện thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người

Qua 2 năm Hà Nội đã thí điểm triển khai mô hình tại 4 quận, huyện gồm Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai và Long Biên, đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội cho rằng, đây là lần đầu tiên TP triển khai mô hình này nên vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, nhiều gia đình chưa hợp tác ký cam kết ATTP, các bữa cỗ hầu hết do gia đình tự nấu nên chưa tuân thủ đầy đủ các qui định về ATTP. Đối với những gia đình thuê đội nấu cỗ lưu động, các đội này hầu hết đều hoạt động "chui" nên khó kiểm soát. 

Tuy nhiên, qua tuyên truyền, giám sát chặt, trong năm qua, 34 tổ tư vấn của TP đã giám sát được 4.516 bữa cỗ, vận động các gia đình cam kết ATTP, trong đó 621 bữa cỗ đám ma, 753 bữa cỗ đám giỗ, còn lại là các bữa cỗ đám cưới. 

Qua xét nghiệm nhanh, có 93,2% mẫu thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, trên 85% bữa cỗ tập trung có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung khẳng định, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác kiểm soát ATTP và sẽ được nhân rộng tại Hà Nội trong thời gian tới.

Trong năm 2018, Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình tại 30 xã thuộc 4 quận, huyện trên và nhân rộng thêm 6 huyện khác trên địa bàn. Đảm bảo 100% bữa cỗ tập trung đông người tại các xã triển khai thí điểm được kiểm soát ATTP.

Vân Nhi (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top