Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 12 năm 2017 | 10:19

Hà Nội trong tuần: Mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế

Năm 2017, Hà Nội tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế (TGBC), đến nay đạt kết quả rõ nét.

Tinh giản hơn 1.200 biên chế

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế, TP còn rất nhiều việc phải làm, nhất là trong thực hiện chính sách tự chủ tại các đơn vị.

Theo Sở Nội vụ, từ đầu năm đến nay, TP đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết của HĐND TP về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2017. Cụ thể, đã sắp xếp xong 70 ban quản lý dự án (BQLDA) thành 41 BQLDA, tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển TP trên cơ sở hợp nhất 3 Quỹ. Với đơn vị sự nghiệp cấp huyện, đã sáp nhập trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm thể thao và đài truyền thanh huyện thành trung tâm Văn hóa thông tin & Thể thao; sáp nhập các trung tâm phát triển cụm công nghiệp vào BQLDA huyện, sáp nhập ban bồi thường GPMB 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng vào BQLDA quận; sáp nhập ban bồi thường GPMB và chi nhánh phát triển quỹ đất thành trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND huyện...

Đặc biệt, về TGBC, đến thời điểm này, TP đã tinh giản được 1.267 biên chế, gồm 282 công chức và 668 viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Đồng thời, đã giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định 108. Để đẩy mạnh TGBC làm cơ sở cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), UBND TP cũng xây dựng xong cơ chế đặc thù khuyến khích đối tượng nghỉ tự nguyện TGBC, báo cáo Thủ tướng, Bộ Nội vụ.

Xác định đẩy mạnh tự chủ kinh phí chi thường xuyên để giảm chi ngân sách, giảm biên chế là giải pháp căn bản quyết định kết quả tinh giản 10%, TP cũng chỉ đạo Sở Nội vụ ban hành công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị đăng ký kế hoạch tự chủ giai đoạn 2017 - 2021. Trong đó, định hướng tập trung chuyển sang tự chủ với các bệnh viện tuyến TP, trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng; đơn vị văn hóa, nghệ thuật… Với UBND cấp huyện, cần chuyển tự chủ các trường chất lượng cao khối THCS, tiểu học, mầm non (6 trường/quận; 3 trường/huyện, thị xã). Đến nay, toàn TP có 208 đơn vị đăng ký tới 2021 sẽ thực hiện tự chủ chi thường xuyên, với gần 16.300 biên chế, trong đó, 19 đơn vị y tế (7.478 biên chế), 85 đơn vị giáo dục (4.051 biên chế), còn lại các lĩnh vực khác. Ngoài ra, có 10 đơn vị đăng ký tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư (899 biên chế).

Hà Nội dù có hàng trăm đơn vị sự nghiệp công lập nhưng năm nay mới có thêm 5 đơn vị tự chủ kinh phí thường xuyên, với 1.145 biên chế, nâng số đơn vị đã chuyển sang tự chủ lên 95, với 6.635 biên chế viên chức. Việc thực hiện tự chủ vẫn chậm, có nơi còn tư duy ỷ lại, trông chờ bao cấp. “Chúng tôi đang yêu cầu mọi đơn vị giáo dục chuyên nghiệp, đơn vị y tế tuyến tỉnh đăng ký trong năm 2018 chuyển sang tự chủ hết. Đồng thời, đã giao các quận, huyện (với trường chất lượng cao), toàn bộ BQL chợ cũng phải chuyển đổi. TP và bản thân tôi rất kiên quyết, nên các đơn vị phải rất sẵn sàng” - Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị, HĐND TP tiếp tục đưa vào nghị quyết tới đây có cơ chế làm cái “gậy” cho các cơ quan, đơn vị quyết liệt đẩy nhanh tự chủ.

Hà Nội thành lập mới một số cụm công nghiệp

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký một số văn bản về việc ban hành các quyết định thành lập một số cụm công nghiệp trên địa bàn.

Cụ thể, tại huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Quyết định số 8207/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp Đồng Giai và Quyết định số 8205/QĐ-UBND thành lập Cụm Công nghiệp Cam Thượng.

Theo đó, chủ đầu tư của Cụm công nghiệp Đồng Giai và Cụm công nghiệp Cam Thượng đều là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Vì. Cụm công nghiệp Đồng Giai có địa chỉ tại xã Vật Lại với quy mô 20,0362ha. Trong khi đó, Cụm công nghiệp Cam Thượng có quy mô: 15,59 ha, địa chỉ tại xã Cam Thượng.

Tại huyện Phúc Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Quyết định số 8202/QĐ-UBND thành lập Cụm công nghiệp Liên Hiệp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dụng huyện Phúc Thọ làm chủ đầu tư. Cụm công nghiệp Liên Hiệp có quy mô 8,1 ha tại Khu đường Dúng, xã Liên Hiệp.

Tại huyện Quốc Oai, ngày 29/11/2017, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Quyết định số 8204/QĐ-UBND thành lập Cụm Công nghiệp Yên Sơn. Đây là cụm công nghiệp do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai làm chủ đầu tư, có địa điểm tại xã Yên Sơn. Cụm công nghiệp Yên Sơn có quy mô: 8,76ha.

Cũng trong ngày 29/11/2017, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Quyết định số 8203/QĐ-UBNDthành lập Cụm Công nghiệp Bắc Vân Đình, huyện Ứng Hòa. Chủ đầu tư: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện ứng Hòa. Cụm Công nghiệp Bắc Vân Đình đặt tại thị trấn Vân Đình với quy mô 50ha.

Khai mạc Triển lãm quốc tế Thiết bị công nghệ nông – lâm – ngư nghiệp tại Hà Nội

Sáng 30/11, tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E đã diễn ra Lễ Khai mạc Triển lãm quốc tế Thiết bị & Công nghệ nông – lâm – ngư nghiệp 2017 (Growtech 2017).

Đây không chỉ là dịp để các nhà chuyên môn, giới doanh nghiệp giao lưu học hỏi các sản phẩm công nghệ mới mà còn là cầu nối giúp người nông dân được tiếp cận sâu hơn với các sản phẩm công nghệ cao mang tính ứng dụng trong thời đại công nghệ 4.0, nông lâm ngư nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ. Triển lãm lần này quy tụ 3 lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp. Growtech 2017 là sân chơi của các sản phẩm công nghệ ứng dụng vào nông - lâm- ngư nghiệp đến từ các quốc gia có nền nông lâm ngư nghiệp phát triển.

Cùng với đó, Growtech 2017 là cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, cơ sở công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tại Việt Nam được tiếp cận trực tiếp với công nghệ mới, các doanh nghiệp sản xuất máy móc thiết bị ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản trên thế giới với các sản phẩm về công nghệ trồng trọt đến từ Vương quốc Anh, công nghệ nhà kính, hệ thống tưới tiêu đến từ Israel, công nghệ, hệ thống chăn nuôi đến từ Cộng hòa Séc, công nghệ xử lý nước và đất nuôi trồng đến từ Indonexia, Công nghệ bảo quản sau thu hoạch đến từ Đài Loan, hệ thống khí hóa gỗ đến từ Cộng hòa Liên bang Đức,...... và hàng trăm sản phẩm về công nghệ và thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp của Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Newzealand, Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan.

Growtech 2017 cũng là cơ hội giúp nông dân Việt Nam tiếp cận gói hỗ trợ ngân sách 75.000 USD. Nông nghiệp Việt Nam đang dần phát triển mạnh mẽ hơn với sự xuất hiện của các doanh nghiệp khởi nghiệp có các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và mang đến giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp.

Nhằm khuyến khích, phát huy và đẩy mạnh vai trò hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Natec) sẽ hỗ trợ kinh phí tham dự cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có phát minh sáng chế ra các sản phẩm, công nghệ, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp... Ngoài ra tại Triển lãm, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi Khí hậu (VCIC) sẽ giới thiệu và hỗ trợ ngân sách từ nhiều nguồn, đặc biệt là từ WorldBank, cho các ý tưởng, sản phẩm ứng dụng vào nông nghiệp thông minh trị giá lên tới 75.000 USD cho các đơn vị tham dự triển lãm lần này.

Cũng trong thời gian diễn ra Growtech 2017, các chương trình Hội nghị, Hội thảo do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học & Công nghệ, Đại sứ Quán Israel... liên tục được tổ chức với những chủ đề cụ thể nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc trong việc áp dụng thành công công nghệ vào lĩnh vực nuôi trồng của một số doanh nghiệp nông nghiệp điển hình tại hội nghị như: Nông nghiệp Israel - Vượt qua thách thức tự nhiên bằng đổi mới công nghệ, Lâm nghiệp Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0: Ứng dụng công nghệ cao trong bảo vệ và phát triển rừng...

Growtech 2017 cũng tổ chức kết nối trực tiếp các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam trong TOP 50 với các công ty nước ngoài.

Hợp tác đưa nông sản sạch về Hà Nội

Với lợi thế nằm giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm nông nghiệp của Vĩnh Long khá phong phú. Những sản phẩm chủ lực như bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, chôm chôm Tích Thiện, khoai lang tím, lúa gạo... Còn tỉnh Lào Cai lại nổi tiếng với những đặc sản của miền núi Tây Bắc như mận Tam Hoa, cải Mèo, hoa… Đây đều là những sản phẩm được thị trường Hà Nội ưa chuộng. Tuy nhiên, trong quá trình kết nối đưa nông sản an toàn về Hà Nội tiêu thụ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Theo bà Hoàng Thị Anh – Giám đốc Công ty CP Phát triển Siêu thị Hà Nội HAPRO GROUP cho biết: Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch của người dân Hà Nội là rất lớn. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được siêu thị cần có những tiêu chuẩn bắt buộc. Đó là phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng cao, đảm bảo VSATTP, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác… Trong khi đó, đa phần sản phẩm từ các tỉnh, thành đưa về không đáp ứng được những yêu cầu trên.

Ngoài ra, khâu phân phối sản phẩm cũng là một rào cản trên con đường để nông sản sạch về Thủ đô. Ông Nguyễn Quang Cường – Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thực phẩm sạch Hellomam cho biết, hiện nay nhiều DN rất khó tiếp cận với các nhà sản xuất, hầu hết đều nhập hàng qua những DN đầu mối. Điều này đã hạn chế việc trao đổi thông tin, phản hồi từ khách hàng tới nhà sản xuất. Ngoài ra, nhập hàng qua nhiều khâu trung gian sẽ kéo theo giá thành sản phẩm lên cao và hạn chế trong việc bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, nguồn hàng chất lượng và kém chất lượng dễ bị trà trộn.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết: Thời gian qua, địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất cũ nên người dân chưa ý thức trang bị nhãn mác, hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Liêm cũng đưa ra cam kết, trong thời gian tới địa phương sẽ tăng cường giám sát, yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn cung ứng cho Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội là một trong những TP có nhu cầu lớn nhất cả nước về lương thực, thực phẩm. Ngoài 10 triệu người đang cư trú thường xuyên, trung bình hàng năm Hà Nội còn đón thêm khoảng 20 triệu lượt du khách. Tuy nhiên, nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ mới đáp ứng khoảng từ 40 – 60% nhu cầu. Mặt khác, do điều kiện thời tiết nên sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội chỉ được cung cấp theo mùa. Vì vậy, để đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng, Hà Nội rất cần mở rộng hợp tác liên kết với các tỉnh, thành để đưa nông sản sạch về tiêu thụ.

Theo ông Tường, để việc trao đổi hàng hóa thuận tiện, các nhà quản lý, DN và người sản xuất cần tăng cường liên kết, trao đổi thông tin. Phải tạo điều kiện để gắn kết, giảm khoảng cách giữa nhà sản xuất với DN tiêu thụ. Từ đó nhà sản xuất sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý, nên các DN đầu mối cần chú trọng trong khâu bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, cần trang bị nhãn mác, bao bì để nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Tường khẳng định, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện tốt nhất để sản phẩm nông sản sạch từ các tỉnh, thành được đưa về tiêu thụ thuận lợi tại Thủ đô.

Hà Nội xảy ra 820 vụ cháy trong năm 2017

Đây là thống kê được Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP. Hà Nội đưa ra trong buổi giao lưu - tọa đàm trực tuyến: “Làm gì để bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện?”.

Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, trong năm 2017 thành phố đã xảy ra 820 vụ cháy, trong đó có 31 vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Các vụ cháy đã khiến 21 người chết, 12 người bị thương, gây thiệt hại về tài sản trên 300 tỷ đồng và 50ha rừng. So với năm 2016, số vụ cháy giảm 11 vụ nhưng lại tăng 1 người chết và tăng 100 tỷ đồng thiệt hại về tài sản. Đại tá Nguyễn Tuấn Anh đánh giá, số lượng các vụ cháy đã giảm nhưng lại có diễn biến phức tạp hơn, diễn ra chủ yếu ở các quận nội thành, trong đó tập trung tại các doanh nghiệp tư nhân, nhà dân.

BHXH Hà Nội đề nghị thí điểm kết nối Cổng giao dịch thanh toán thu chi

Nhằm hướng tới thực hiện giao dịch điện tử trong thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mức độ 4, trong báo cáo mới đây gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã đề nghị  Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện thí điểm kết nối cổng giao dịch thanh toán thu chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước.



Sau thời gian chuẩn bị đánh giá kỹ lưỡng, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình, phần mềm và hạ tầng kết nối, tổ chức họp bàn thảo luận phương pháp triển khai thực hiện.

Ngày 24/11/2017, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có báo cáo đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng ý để Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội phối hợp với Công ty Tecapro, Trung tâm Công nghệ thông tin, Trung tâm thanh toán của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam triển khai thử nghiệm Cổng giao dịch thanh toán nghiệp vụ thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Bắc Hà Nội (nơi Bảo hiểm xã hội Thành phố mở tài khoản thu Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp).

Sau thời gian chạy thử nghiệm, Bảo hiểm xã hội Thành phố cùng các đơn vị phối hợp sẽ đánh giá và báo cáo kết quả để Lãnh đạo ngành quyết định việc mở rộng triển khai với các hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đang ký thỏa thuận Liên ngành với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Vân Nhi (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top