Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 24 tháng 2 năm 2018 | 22:20

Hà Nội trong tuần: Phát triển bền vững hay không là ở đồng thuận

Tại buổi làm việc với Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định muốn tạo đồng thuận xã hội phải tôn trọng giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân.

bt-ha-noi.jpg
 

Năm 2017, hệ thống dân vận thành phố Hà Nội đã xây dựng các mô hình, điển hình Dân vận khéo trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, trong cải cách hành chính, an ninh quốc phòng bước đầu có hiệu quả, góp phần thiết thực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế văn hóa - xã hội của thành phố.

Đến nay, tổng số mô hình điển hình “Dân vận khéo” từ cấp xã, phường, quận huyện đến cấp thành phố đang được triển khai là gần 9 nghìn mô hình.

Phát biểu kết luận, ông Hoàng Trung Hải khẳng định, dân vận và công tác dân vận đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị thành phố đề ra các thời kỳ, các giai đoạn; nhấn mạnh cán bộ làm công tác dân vận cần phải nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ để duy trì khối đại đoàn kết dân tộc trong điều kiện đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo cán bộ dân vận cần sâu sát nắm bắt dư luận, đặc biệt trong những vấn đề như giải phóng mặt bằng, đất đai, nắm bắt những vấn đề dân sinh bức xúc để kịp thời tham mưu giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

“Đồng thuận xã hội là nội dung cơ bản để quyết định thành công của phát triển. Chúng ta có phát triển bền vững hay không là ở đồng thuận. Tôn trọng giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Đây là vấn đề chúng ta cùng thống nhất để hành động trong thời gian tới” - ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Khai hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội

Sáng 24/2, Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng lần thứ nhất – năm 2018 đã diễn ra tại Hồ Tây.

 

img_3335.jpg

Tại Hà Nội, rất nhiều cuộc thi bơi chải được tổ chức ở làng Đăm (Tây Tự, Bắc Từ Liêm), làng Lưu Xá (Chương Mỹ)… Tuy nhiên các cuộc thi mới được tổ chức ở quy mô làng xã. Nên năm nay, năm đầu tiên Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội được tổ chức tại Hồ Tây. Ngoài sự tham gia tổ chức của các sở, ngành và UBND quận Tây Hồ, lễ hội còn nhận được sự phối hợp tổ chức của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.

Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng có sự tham gia tranh tài của 27 đội đến từ 7 quận, huyện của TP. Hà Nội là: Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Sơn Tây và các CLB thuyền rồng của 4 tỉnh thành phố là: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên với trên 400 vận động viên tham gia tranh tài ở 2 hạng mục là đua thuyền rồng tiêu chuẩn và đua thuyền rồng truyền thống. Mỗi hạng mục gồm 3 nội dung nam, nữ và nam nữ phối hợp, thi đấu trên đường đua mặt nước cự ly 600m.

Ngay sau khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh trống khai hội là chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống do các nghệ sĩ Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn tại vườn hoa Lý Tự Trọng và màn diễu hành do các vận động viên đua thuyền trên mặt nước Hồ Tây, phần biểu diễn các môn thể thao dưới nước như lướt ván, chèo thuyền… Ngoài ra, hoạt động diễu hành quanh đường Thanh Niên của 100 xe đạp cổ cũng là điểm nhấn của lễ hội năm nay.

Đúng 10 giờ 30, các đội bơi chải thuyền rồng chính thức bắt đầu cuộc đua. BTC cho biết, Tổng giá trị giải thưởng của Lễ hội này là 100.000.000 đồng. Lễ hội mở cửa miễn phí cho công chúng tham dự.

Lễ hội bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng là sự kiện lớn tiếp nối thành công của các chương trình trước đó, chào mừng kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2018) và mừng Xuân Mậu Tuất. Ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho rằng, đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội bơi chải thuyền rồng do vậy ngành văn hóa sẽ đón nhận ý kiến của Nhân dân, nếu thành công sẽ tiếp tục tổ chức thành lễ hội thường niên. Lãnh đạo Sở cũng khẳng định, hiện nay ở các nước trong khu vực ASEAN nhiều quốc gia có phong trào đua thuyền phát triển, trong những lần tổ chức lễ hội tiếp theo, Hà Nội có thể mời các nước tham dự.

Đơn vị đồng hành cũng lễ hội lần này - Tổng Công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu phát triển sự kiện bơi chải thuyền rồng thành hoạt động xuyên suốt trong năm, trở thành món ăn văn hóa tinh thần đặc sắc cho người dân cũng như góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội với bề dày truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến đến với bạn bè, du khách quốc tế. UBND TP Hà Nội cũng đang cải tạo hồ Tây để xây dựng nơi này thành điểm du lịch trọng điểm và lễ hội bơi chải thuyền rồng cũng là hoạt động làm tăng thêm tính hấp dẫn cho hồ Tây.

Tuổi trẻ Thủ đô nô nức ra quân hưởng ứng Tháng thanh niên 2018

Sáng 24/2, tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Thành đoàn Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất và ra quân Tháng thanh niên 2018.

img_3229.JPG

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Chu Hồng Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Năm 2018 là một năm có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức Đoàn và cán bộ, đoàn viên thanh thiếu nhi Thủ đô. Đây là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11, Đại hội Đoàn Thành phố Hà Nội lần thứ XV.

Tháng Thanh niên cũng là tháng của nhiệt huyết tuổi trẻ; đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi, có ý nghĩa rất lớn đối với thanh niên. Đây là dịp để thanh niên thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm , phát huy tiềm năng và sức sáng tạo, tham gia phát triên kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vi; xung kích, tình nguyên vì cuộc sông cộng đông.

Vì vậy, Tháng Thanh niên 2018, Đoàn Thanh niên thành phố xác định chủ đề: “Tuôi trẻ Thủ đô với mạng xã hội và khởi nghiệp sảng tạo”. Đây là đợtthi đua cao điêm của các câp bộ Đoàn và tuổi trẻ Thủ đô nhằm thể hiện quyết cụ thể hóa và đưa nghị quyết Đại hội Đoàn các câp vào thực tiễn.

Theo đó, trong Tháng Thanh niên 2018, Thành đoàn Hà Nội sẽ tập trung triển khai các nội dung cụ thể như: Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền; Tổ chức Lễ kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh gắn với Tuyên dương, vinh danh các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu; Tổ chức đợt sinh hoạt chính trị Tự hào tiến bước dưới cờ Đoàn; Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội; các hoạt động đồng hành, chăm lo bồi dưỡng thanh niên gắn với phong trào “Tôi yêu Hà Nội”; Công tác tổ chức cơ sở Đoàn và công tác đoàn viên; Thành lập các đội hình, mô hình, công trình, phần việc của thanh niên thực hiện hoạt động trong Tháng Thanh niên năm 2018.

Thay mặt tuổi trẻ Thủ đô, anh Nguyễn Mạnh Dương, Bí thư Huyện đoàn Sóc Sơn đã nhiệt liệt hưởng ứng các nội dung phát động của Thường trực Thành đoàn Hà Nội. Anh Nguyễn Mạnh Dương cho biết: “Cá nhân tôi sẽ cùng các bạn thanh niên huyện Sóc Sơn nói riêng, tuổi trẻ Thủ đô nói chung quyết tâm là những người đi đầu và trở thành một tuyên truyền viên tích cực tham gia vận động người thân bạn bè thực hiện tốt phong trào trồng cây mùa xuân góp phần bảo vệ môi trường; thi đua rèn luyện trong học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất với tinh thần sáng tạo, tình nguyện cao nhất”.

Đặc biệt, mỗi đoàn viên sẽ phát huy tinh thần tình nguyện, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn minh đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội; tu dưỡng rèn luyện mọi mặt , xứng đáng là thế hệ trẻ Thủ đô văn hiến, anh hùng.

Trong khuôn khổ chương trình, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội phát động Tết trồng cây Xuân Mậu Tuất trong đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô. Để hưởng ứng hoạt động, đoàn viên, thanh niên Thủ đô đã trồng, đảm nhận chăm sóc 150 cây xanh tại thôn Bình An, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn.

Tuổi trẻ Thủ đô quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đề ra trong Tháng Thanh niên 2018 như: Toàn đoàn tổ chức thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đoàn Thành phố lần thứ XV, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; Phấn đấu kết nạp 15.000 đoàn viên mới, giới thiệu 3.000 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, 70% đoàn viên giới thiệu được kết nạp Đảng; Trồng mới, đảm nhận chăm sóc 10.000 cây xanh; Phấn đấu 100% Đoàn TN khối địa bàn dân cư và các cụm đoàn khối trường tổ chức ít nhất 1 hoạt động liên quan đến tư vấn, hỗ trợ thanh niên về lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo; Phấn đấu thành lập mới 50 tổ chức Đoàn, Hội, chi hội, câu lạc bộ tổ, đội, nhóm trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Đoàn khối địa bàn dân cư phấn đấu tư vấn, hỗ trợ, vận động thành lập mới từ 3 - 5 doanh nghiệp; Kết nối mạng xã hội Facebook của Thành đoàn Hà Nội tới trang mạng xã hội của 100% đoàn cấp huyện và tương đương, 100% đoàn cấp xã và tương đương; hàng tuần mỗi đoàn cấp xã và tương đương, cấp huyện và tương đương xây dựng chia sẻ ít nhất 2 nội dung liên quan đến giáo dục, định hướng hoạt động Đoàn, giới thiệu mô hình, cách làm hay tiêu biểu, gương thanh niên xuất sắc trên mạng xã hội của đơn vị....

Hà Nội đặt mục tiêu cai nghiện cho 10.500 người

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai năm 2018 với mục tiêu cai nghiện cho 10.500 người nghiện (80% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý).

Theo đó, TP sẽ tổ chức cai nghiện bắt buộc cho 700 người, phấn đấu có 6.500 người được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 300 người, cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy cho 2.000 người, cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ngoài công lập cho 1.000 người.

TP cũng đặt mục tiêu 100% người hoàn thành cai nghiện ma túy được quản lý sau cai với các hình thức tư vấn, giám sát phù hợp; 100% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và đào tạo nghề; 50% có nhu cầu được tư vấn việc làm.

Theo kế hoạch, 350 người cai nghiện bắt buộc sẽ được đào tạo nghề, các địa phương hỗ trợ tạo việc làm cho 30 người sau cai nghiện. Hà Nội sẽ thí điểm xây dựng 2 mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng ở Q.Hoàn Kiếm, Q.Long Biên và tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện.

Gấp rút lấy nước gieo cấy vụ Xuân

So với những năm trước, công tác lấy nước gieo cấy vụ Xuân năm 2018 ít thuận lợi hơn do mực nước sông Hồng xuống thấp.

Chính vì vậy, hàng trăm cán bộ, công nhân ngành thủy lợi vẫn phải trực làm nhiệm vụ suốt những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất.

cay-lua.jpg

Nông dân xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn làm đất gieo cấy vụ Xuân năm 2018.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Dung, công nhân Trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh) cho biết, đây đã là năm thứ năm liên tiếp chị được phân công trực lấy nước trong những ngày Tết. Không chỉ với chị Dung mà đối với nhiều cán bộ, công nhân ngành thủy lợi, nhiều năm qua, Tết Nguyên đán dường như cũng không khác ngày thường!

Sau kỳ nghỉ Tết, 5 DN thủy lợi của Hà Nội vận hành tối đa công suất hàng chục trạm bơm phục vụ công tác lấy nước. Nhờ đó đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn TP đã cơ bản đủ nước gieo cấy. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 21/2, toàn TP chỉ còn một phần diện tích thuộc ba huyện: Thạch Thất, Quốc Oai và Phúc Thọ hiện chưa có nước. Đối với diện tích này, ngành thủy lợi đã có giải pháp cụ thể. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, đang tiếp tục chỉ đạo các DN thủy lợi huy động thêm máy bơm dã chiến lấy nước từ các kênh tiêu. Ngoài ra, sẽ sử dụng nguồn nước cấp từ hồ Đồng Mô. 

Tổng hợp của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy, trong số 12 địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có tổ chức lấy nước gieo cấy vụ Xuân năm 2018, hiện chỉ còn Hà Nội chưa lấy đủ nước. “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam duy trì mực nước sông Hồng ở mức +3,2m trong giai đoạn từ nay tới hết tháng 2/2018 để Hà Nội có thể vận hành được các hệ thống trạm bơm phục vụ lấy nước cho vụ Xuân” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh thông tin. Cũng theo ông Tỉnh, về lâu dài, Hà Nội cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những diện tích hiện gặp khó khăn về nguồn nước nhằm giảm áp lực cấp nước vào vụ Xuân.

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top