Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 9 năm 2017 | 10:59

Hà Nội trong tuần: Sẽ kiểm soát được xuất xứ trái cây, quy hoạch 7 khu NNCNC

Hà Nội đặt mục tiêu kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và các điều kiện về an toàn thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trong các quận nội thành vào năm 2018; đề xuất bổ sung 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quy hoạch chung của cả nước...

Sẽ kiểm soát được xuất xứ trái cây

Đó là một trong những nội dung quan trọng tại đề án "Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội" vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

Theo đề án, Hà Nội sẽ quản lý hệ thống cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố và khu dân cư thuộc các quận nội thành theo hướng văn minh, hiện đại với các chỉ tiêu như: 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe và các điều kiện cần thiết khác theo quy định.

Riêng trong năm 2017 đạt tỉ lệ 60% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành có đăng ký kinh doanh, biển hiệu nhận diện và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện phục vụ kinh doanh, bảo quản trái cây đảm bảo chất lượng... Hết năm 2018, tỉ lệ này phải đạt 100%.

Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh trái cây sẽ được trang bị hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu...

Các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, trật tự đô thị sẽ bị xóa bỏ.

Đề xuất bổ sung 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quy hoạch chung của cả nước

UBND TP vừa ban hành Công văn số 4203/UBND-KT đề nghị Bộ NN&PTNT bổ sung các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội vào quy hoạch chung của toàn quốc.

Trồng hoa công nghệ tao tại huyện Đan Phượng

Cụ thể, sau khi rà soát, có 7 khu nông nghiệp công nghệ cao được TP đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung gồm: Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức, quy mô diện tích khoảng 668ha, thuộc địa phận xã An Thượng và xã Song Phương; Khu sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông), quy mô diện tích khoảng 76ha thuộc vùng đất bãi sông Đáy; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Hồng thuộc xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh, quy mô diện tích khoảng 105ha;

Khu nghiên cứu và phát triển giống, cây trồng công nghệ cao tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), với quy mô diện tích 9,44ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng bãi ven sông Đáy thuộc xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) quy mô diện tích 23,3ha; Khu sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ), với quy mô diện tích khoảng 200ha; Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), quy mô diện tích khoảng 80ha.

Trước đó, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam, UBND TP đã chỉ đạo sở, ngành liên quan rà soát, tổng hợp đề xuất TP báo cáo Bộ NN&PTNT theo Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Khi đó, Hà Nội chỉ có một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đông Anh

Ca mắc sốt xuất huyết giảm nhưng 20% hộ gia đình vẫn có bọ gậy

Ngày 31/8, Bộ Y tế tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tập trung đánh giá tình hình dịch tại Hà Nội. Theo đó, số ca mắc sốt xuất huyết ở Thủ đô đã giảm 18%, nhưng vẫn còn 20% số gia đình vẫn có bọ gậy.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, tuần qua (từ 21/8 đến 27/8), cả nước ghi nhận 6.292 trường hợp mắc sốt xuất, giảm 11,4% so với tuần trước và không có ca nào tử vong.

Từ đầu năm đến ngày 30/8, cả nước ghi nhận 108.925 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 91.656 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (63.850/19) số mắc nhập viện tăng 43,5%, số tử vong tăng bảy trường hợp.

Hiện, số mắc tập trung cao nhất tại miền Nam (51,2%), sau đó là miền Bắc (31,3%), miền Trung (14,3%), khu vực Tây Nguyên (3,2%). Tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất tại miền Trung (120,4), tiếp theo miền Nam (104,4), khu vực Tây Nguyên (75,5), miền Bắc (68,7).

Tỷ lệ các ổ dịch được phát hiện, xử lý rất cao (92%), cao nhất là miền Trung (100%), tiếp theo là miền Nam (96,5%), Tây Nguyên (86,7%), miền Bắc (80%).

Khu vực miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên chủ yếu ghi nhận số trường hợp mắc là lứa tuổi người lớn trên 15 tuổi. Khu vực miền Nam chủ yếu ghi nhận ở lứa tuổi trẻ em dưới 15 tuổi.

Hà Nội hiện vẫn là tỉnh có số mắc tuyệt đối cao nhất cả nước, tới 22.807 trường hợp, bảy trường hợp tử vong. Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Hoàng Mai (3.507), Đống Đa (3.396), Hai Bà Trưng (1.995), Thanh Xuân (1.844), Hà Đông (1.472), Cầu Giấy (1.375), Thanh Trì (1.278), Ba Đình (1.152), Nam Từ Liêm (799), Thanh Oai (722), Hoàn Kiếm (549), Thường Tín (537).

 Tuần qua, Hà Nội cũng giảm số ca mắc sốt xuất huyết tới 612 trường hợp. Số mắc chững lại và có xu hướng giảm tại các quận nội thành sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống trong thời gian qua. Hà Nội được nhận định lưu hành tuýp huyết thanh gây bệnh chủ yếu là tuýp huyết thanh D1 và D2, ngoài ra có D4 nhưng với số lượng nhỏ.

 Về công tác giám sát côn trùng, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết kết quả đánh giá phun hóa chất sau một ngày cho thấy hiệu quả cao. Tại tất cả các điểm phun qua giám sát không còn muỗi trưởng thành. Chỉ số mật độ muỗi tại tất cả các điểm giám sát sau phun đều bằng 0. Hoạt động giám sát bọ gậy (chỉ số BI) được triển khai sau khi tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và sau hoạt động của đội xung kích.

Các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng được triển khai trước phun và làm thường xuyên hàng tuần sau phun. Qua hoạt động giám sát của Bộ Y tế và ngành y tế Thủ đô cũng phát hiện khoảng 30% số đội xung kích diệt bọ gậy hoạt động chưa hiệu quả và vẫn còn 20% số gia đình có ổ bọ gậy.

 Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, công tác chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội đã hiệu quả hơn. Hai tuần qua, Thủ đô và cả nước không ghi nhận trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, trước thực tế công tác phòng chống dịch hiện nay, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục tăng cường chống dịch, trong đó thực hiện tốt hơn nữa việc tìm diệt bọ gậy, nhân rộng kinh nghiệm hay của những quận huyện làm tốt và xử phạt những trường hợp không hợp tác chống dịch.

Phóng viên bị côn đồ hành hung ngay trước cổng uỷ ban phường

Khi vừa làm việc với UBND phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) về tụ điểm khám chữa bệnh không phép, bị cơ quan chức năng đình chỉ, 2 phóng viên của chuyên trang Đời sống Plus - Báo Gia đình Việt Nam ra đến cổng thì bị các đối tượng côn đồ hành hung gây thương tích.

Theo thông tin ban đầu, chiều 31/8, anh Nguyễn Văn Duẩn phóng viên của chuyên trang Đời sống Plus - Báo Gia đình Việt Nam cùng 1 phóng viên thử việc đến UBND phường Nhật Tân để làm việc về hoạt động của một tụ điểm khám chữa bệnh đã bị cơ quan chức năng đình chỉ. Đến khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, 2 người vừa ra cổng UBND phường thì bị 2 đối tượng 1 nam, 1 nữ lao vào đe dọa rồi hành hung đấm, đá khiến anh Duẩn bị thương ở vùng mặt.

Ngay sau đó, Công an phường Nhật Tân đã có mặt đưa các bên liên quan về trụ sở để giải quyết sự việc. Ít phút sau, lãnh đạo chuyên trang Đời sống Plus - Báo Gia đình Việt Nam cũng có mặt tại phường.

Liên quan đến sự việc trên, chiều cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, ông Đào Thanh Tuy - Tổng Thư ký Tòa soạn chuyên trang Đời sống Plus - Báo Gia đình Việt Nam cho biết, cách đây một tuần, PV Nguyễn Văn Duẩn có tham gia điều tra phản ánh về một đề tài "thần y" chữa bách bệnh trên địa bàn phường Nhật Tân. Sau đó, cơ quan chức năng đã kiểm tra và đình chỉ điểm khám, chữa bệnh này.

"Ngày 30/8, phóng viên Duẩn có nhận được thông tin trên mạng xã hội về việc bị đình chỉ mà phòng khám này vẫn đang tiếp tục hoạt động bình thường. Sau đó, anh Duẩn có đề nghị với ban lãnh đạo cho phép quay lại tìm hiểu xem thông tin bị đình chỉ rồi mà sao vẫn có thể hoạt động như vậy và được đồng ý"- ông Tuy nói.

Theo ông Tuy, khi phóng viên Duẩn bị hành hung, có người phụ nữ đã gọi điện cho ông, đe dọa, yêu cầu gỡ bài của phóng viên Duẩn đang điều tra. Ông Tuy có trả lời là: "Phóng viên làm đúng theo pháp luật, bạn cần gì thì đến Tòa soạn làm việc" nhưng người này tiếp tục đe dọa. "Ít phút sau đó, phóng viên Duẩn bị hành hung"- ông Tuy nói.

Tối ngày 31/8, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Công an phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), xác nhận đơn vị đang điều tra làm rõ 2 nghi phạm có hành vi hành hung phóng viên báo chí vào chiều cùng ngày trên địa bàn phường.

Được biết khoảng 18 giờ tối cùng ngày 31/8, Công an phường Nhật Tân đã hoàn tất việc lấy lời khai của các bên liên quan. Sau đó, phóng viên Nguyễn Văn Duẩn được đưa tới bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) để kiểm tra sức khỏe, khám chứng thương.

Chiều ngày 1/9, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo Công an quận Tây Hồ nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp ngay trước cửa trụ sở UBND phường Nhật Tân.

Vân Nhi (tổng hợp)
 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top