Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 1 năm 2018 | 10:46

Hà Nội trong tuần: Thủ đô dẫn đầu cả nước về XDNTM

10 sự kiện chính trị - kinh tế - xã hội tiêu biểu của thành phố Hà Nội trong năm 2017 một lần nữa lại ghi danh phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của Thủ đô. Đây là kết quả rất xứng đáng với những nỗ lực của toàn thể cán bộ và nhân dân Hà Nội trong một năm nhiều thử thách vừa qua.

Nhiều thành tựu trong khó khăn

2017 là một năm nhiều khó khăn với phong trào xây dựng NTM của Thủ đô. Trong khi các xã đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM đều có xuất phát điểm rất thấp, có những xã là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số. Thêm nữa, tiêu chí đạt chuẩn NTM cũng được nâng lên với nhiều tiêu chí rất cao, trong đó có tiêu chí tỉ lệ hộ nghèo và thu nhập trung bình của người dân. Trong bối cảnh khó khăn đó, Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác xây dựng NTM. Đây là thành tích rất đáng khích lệ.

Đến thời điểm kết thúc năm 2017, Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM TP. Hà Nội đã đánh giá, chấm điểm các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017. Kết quả đã có 35 xã được Tổ công tác chấm đủ điểm đạt chuẩn NTM. Sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt kết quả sẽ nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của Hà Nội lên 290/386 xã (chiếm 75,1%). Đây là một kết quả rất đáng biểu dương bởi những xã đạt chuẩn NTM năm nay đều là những xã khó khăn của Hà Nội. Đặc biệt, trong đó có xã Ba Trại là một trong 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Ba Vì.

Năm qua còn là một năm rất vui của Thủ đô khi có thêm hai huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện đạt chuẩn NTM lên 4 đơn vị (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức). Hai huyện đạt chuẩn NTM năm qua là Thanh Trì và Hoài Đức. Đây là hai huyện rất thành công trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn giàu đẹp, nhiều tiến bộ về văn hóa, giáo dục, y tế. Cả hai huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM từ khá lâu nhưng lại “gặp khó” ở tiêu chí môi trường nên bị chậm trễ được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Bởi vậy, khi hai huyện nối tiếp nhau nhận quyết định Huyện đạt chuẩn NTM của Chính phủ vào cuối năm 2017 thì niềm vui như vỡ òa không chỉ với người dân trên địa bàn hai huyện này mà còn đối với nhân dân Thủ đô.

Một thành tựu nữa trong năm qua đó là Thành phố tập trung đầu tư và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, đưa tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25%. Mấy năm qua, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn luôn là nỗi trăn trở của các lãnh đạo Thành phố Hà Nội bởi kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng năm 2017 đã cho thấy một diện mạo hoàn toàn khác. Liên tục các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên địa bàn Hà Nội.

Năm 2017, Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm Ba Huân với công nghệ xử lý trứng được nhập khẩu từ Hà Lan tự động hóa 100% đã được khánh thành tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Nối tiếp ngay sau đó là Trung tâm Sản xuất tinh bò ứng dụng công nghệ cao tại khu bãi Vàng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) cũng đi vào hoạt động. Ngoài ra rất nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang xuất hiện rải rác ở nhiều vùng quê của Hà Nội. Đó là mô hình sản xuất giun quế, lợn rừng, rau hữu cơ của trang trại Hoa Viên, xã Yên Bình và khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất; mô hình trồng hoa lan công nghệ cao ở Đan Phượng, mô hình trồng rau thủy canh ở Thanh Trì… Năm 2017, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu tất cả các huyện ngoại thành Hà Nội đều có ít nhất một khu nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, trong năm 2017, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, tạo thay đổi sâu sắc và toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, chất lượng cuộc sống và môi trường ở khu vực nông thôn.

Thanh niên tham gia XDNTM ở Thủ đô

Thành phố đã triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều; đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm 0,68% so với năm trước, còn 1,69% (theo chuẩn nghèo của thành phố). Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm, các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; nếp sống văn hóa ở các làng, xã có chuyển biến, tiến bộ rõ rệt, đặc biệt là tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm và văn minh. Giáo dục, đào tạo được quan tâm, nhiều trường học được đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, chất lượng đào tạo được nâng cao…

Phấn đấu năm 2018 thêm 26 xã đạt chuẩn NTM 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2017, năm 2018 này, ngành nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tập trung đưa ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như Chương trình nông nghiệp công nghệ cao trong phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, sản xuất chè, phát triển chăn nuôi, thủy sản,... Tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 2,0-2,5%.

Về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, Hà Nội phấn đấu có thêm 26 xã (tổng số 320 xã đạt chuẩn nông thôn mới); có thêm 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (tổng số có 8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới).

Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 80 trường; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 55%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,3%; Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 88%. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ danh hiệu Làng văn hóa đạt 60,5%.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 41 triệu/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 62%; giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn mới đạt 2,11%.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tổng kết Hội nghị của ngành nông nghiệp Thủ đô vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phấn khởi biểu dương những thành tích mà Hà Nội đã đạt được trong năm qua về xây dựng NTM. Chương trình XDNTM năm qua đã trở thành 1 trong 10 thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của Hà Nội trong năm 2017.

Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, thành tựu này là kết quả của nỗ lực vượt bậc của toàn thể cán bộ và nhân dân Thủ đô bởi năm qua là một năm đầy khó khăn, thử thách của của ngành nông nghiệp khi mà thiên tai, dịch bệnh liên tiếp ập tới. 

Ngoài ra, Hà Nội đã rất thành công trong việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đầu năm toàn thành phố đã kiên trì mục tiêu xây dựng bằng được các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu mỗi huyện có ít nhất một mô hình nhưng kết quả đã có tới 105 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có nhiều huyện có hàng chục mô hình như Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Trì, Phúc Thọ...

Vui mừng trước những thành tựu đã đạt được trong xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, nhấn mạnh, năm 2018, để tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu XDNTM, Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ 6 giải pháp trọng tâm:

Hà Nội tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020; thực hiện tốt khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp là “sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng xuất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao”.

Thành phố tiếp tục tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách của Trung ương và Thành phố đối với sản xuất nông nghiệp; đặc biệt là chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu, đề xuất, sớm ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của Thủ đô; kịp thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Thủ đô Hà Nội tiếp tục tăng cường chăm lo công tác đào đạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật nông nghiệp và cán bộ quản lý các cấp từ thành phố tới cơ sở đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người nông dân.

Hà Nội tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp về phát triển sản xuất nông nghiệp, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; kiểm tra, kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chất lượng các loại vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi… nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.

Thành phố tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp để xây dựng và triển khai thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp ở Hà Nội, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ngay tại cơ sở. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển và thành lập mới các HTX chuyên ngành theo Luật HTX năm 2012.

Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, liên kết với nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.

 

Huy động 8.952,813 tỷ đồng XDNTM trong năm 2017

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội ngày 5/1, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn 2016 - 2020 đến hết năm 2017 là 17.110.941 triệu đồng. Riêng năm 2017, tổng kinh phí huy động là 8.952,813 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách thành phố là 3.772.628 triệu đồng chiếm 42,2%, gồm: Hỗ trợ trực tiếp là 1.806.128 triệu đồng, hỗ trợ theo chương trình lồng ghép là 1.966.500 triệu đồng. Ngân sách huyện: 4.173.861 triệu đồng chiếm 46,6%. Ngân sách xã 279.813 triệu đồng chiếm 3,1% .

Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 726.512 triệu đồng chiếm 8,1%; trong đó: Đóng góp của nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng..) là 373.518 triệu đồng; vốn doanh nghiệp là 277.025 triệu đồng; vốn thực hiện xã hội hóa, ủng hộ tài trợ khác là 75.969 triệu đồng.

Ngoài ra, năm 2017 Thành phố đã bố trí 250 tỷ ủy thác và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố đã giải ngân đến đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.

 

Vân Nhi (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top