Rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất và phân phối tiêu dùng đã và đang gây tác hại lớn tới môi trường sống, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của quốc gia. Chỉ riêng Hà Nội, mỗi ngày khối lượng rác thải nhựa phát sinh khoảng 60 tấn
Gây nhiều tác hại đối với môi trường
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, hiện nay với đặc điểm ưu việt, túi nilon và các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa được sử dụng rất phổ biến. Do đó, lượng rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng rất lớn và gây tác hại lớn tới môi trường sống, sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của quốc gia.
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện địa phương này có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, chủ yếu thuộc 3 ngành chính là: nhựa kỹ thuật (sản phẩm là phụ tùng, linh kiện…); nhựa gia dụng (thau, cốc, tủ, giường, kệ…); nhựa bao bì dùng trong sản xuất bao bì (túi nilon PE, chai nhựa PET…).
Trong đó, chỉ tính riêng nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố, chủ yếu dùng để bao gói thực phẩm.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về rác thải túi nilon và các sản phẩm từ nhựa trong hoạt động phân phối tiêu dùng nhưng với số lượng 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi…, lượng tiêu thụ các sản phẩm nhựa dạng này chắc chắn không nhỏ” - bà Lan nhấn mạnh.
Số liệu thống kê cho thấy, mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ 5.500 – 6.000 tấn, trong đó, rác thải nhựa chiếm gần 10% (khoảng 60 tấn).
Cần sớm luật hóa nghĩa vụ của các doanh nghiệp
Trong thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp hạn chế sử dụng rác thải nhựa như tuyên truyền phổ biến cho người tiêu dùng; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, sử dụng túi tự hủy sinh học, các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Đồng thời, khuyến khích các siêu thị, cửa hàng chuyển sang sử dụng các sản phẩm bọc hàng hóa tự hủy…
Tuy nhiên, cho đến nay hiệu quả đạt được chưa cao do sự chênh lệch giá thành giữa các sản phẩm này còn lớn. “Sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc chuyển từ sử dụng túi nilon khó phân hủy sang túi nilon thân thiện với môi trường rất hạn chế” - đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết.
Bên cạnh đó còn do thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa một lần của người dân còn phổ biến; nhận thức về tác hại của rác thải nhựa của người dân còn hạn chế…
Trong khi đó, đến nay nước ta chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, hay ưu đãi về vay vốn, về thuế…cho doanh nghiệp để chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện với môi trường; chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, tiêu dùng chuyển đổi từ túi nilon khó phân hủy sang sản phẩm dễ phân hủy…
Mặt khác, do giá thành sản phẩm nilon dễ phân hủy đắt nên doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại khi sản xuất sẽ gặp khó khăn về vấn đề tiêu thụ, thị trường…
Do đó, theo các chuyên gia tại hội nghị, Nhà nước cần có chiến lược cụ thể về vấn đề sản xuất và sử dụng sản phẩm dễ tiêu hủy. Qua đó, có những chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với doanh nghiệp sản xuất cũng như doanh nghiệp phân phối; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường…
Tác hại từ rác thải nhựa
Đánh giá về mối nguy hại của rác thải nhựa hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong nhựa có chứa DOP, chất này khi vào cơ thể gây ảnh hưởng tới giới tính và gây vô sinh ở trẻ em gái. Trong môi trường tự nhiên thì phải hàng trăm năm mới phân hủy hoàn toàn.
Rác thải nhựa đang là hiểm họa môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nylon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn.
Hơn 50% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần. Có nghĩa là, trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm, quá nửa trong số đó chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi nylon… Sau đó, những thứ này bị vứt ra môi trường và trở thành những thứ đồ nhựa vô dụng. Nó tồn tại trong môi trường tự nhiên và trở nên vô cùng nguy hại.
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018: Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Dự tính, đến năm 2020, mức tiêu thụ này tăng lên 45kg/người/năm. Tuy nhiên, khả năng tái chế nhựa thải chỉ đạt mức chưa tới 10%. Điều này cho thấy, lượng lớn chất thải nhựa đang bị thải bỏ vào môi trường sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Câu hỏi: Chúng ta cần thời gian bao lâu để rác thải nhựa phân hủy? Câu trả lời được đưa ra là túi nhựa cần ít nhất 100 năm, chai nhựa cần ít nhất là 200 năm. Như vậy trong hàng trăm năm đó, rác thải nhựa không mất đi và hệ lụy gây ra đối với môi trường là rất lớn.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.