Sau nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng có liên quan đến trâu, bò thả rông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, ngày 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn, yêu cầu lãnh đạo các địa phương áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Nhiều địa phương chưa “thấu” công điện?!
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi công điện ban hành, một số địa phương như Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh đã có những động thái đầu tiên để xử lý trâu, bò thả rông. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương như: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, TP. Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, tình trạng bò thả rông, nghênh ngang trên đường vẫn diễn ra hết sức phổ biến.
Hàng chục con bò gây cản trở giao thông trên QL1A đoạn qua xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên.
Có mặt tại QL1A đoạn qua xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên), chúng tôi được chứng kiến đàn bò gần 50 con thong dong trên QL1 mà không hề có người chăn dắt. Không những cản trở giao thông, đàn gia súc này còn phóng uế bừa bãi ngay trên tuyến quốc lộ, thậm chí có nhiều con còn nằm ngay giữa đường khoan thai nhai cỏ.
Ông Nguyễn Đình Hoạt, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng thừa nhận tình trạng thả rông trâu, bò trên địa bàn đã tồn tại nhiều năm nay. Địa phương đã tiếp nhận công điện của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng chưa thực hiện được bởi đang tập trung để… về đích nông thôn mới vào cuối tháng 11. Trong thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo lực lượng công an tổ chức tuyên truyền và ký cam kết với các hộ dân không được thả rông trâu bò trên các tuyến đường bộ và khu vực công cộng.
Tương tự, tại các địa phương như: phường Thạch Quý, xã Thạch Môn, Thạch Trung, Thạch Hạ, Thạch Hưng, Thạch Đồng (TP. Hà Tĩnh), cứ vào sáng sớm hoặc xế chiều, từng đàn bò hàng trăm con “dung dăng dung dẻ” trên các tuyến đường Quang Trung, tỉnh lộ 9, đường tỉnh 550 và ngay cả trên tuyến đại lộ của thành phố: đường Xô Viết Nghệ Tĩnh!
Lúng túng, thiếu quyết liệt trong xử lý
Hiện một số địa phương đã quan tâm xử lý trâu, bò thả rông như: thị xã Hồng Lĩnh, Thạch Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân, Vũ Quang; một số chính quyền cấp xã đã vào cuộc, như: mô hình tự quản tại phường Nam Hồng, Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh); tổ chức ký cam kết với chủ trâu bò như: Đức Thủy, Đức Lâm, Đức Long (Đức Thọ); tổ công an viên cấp xã tổ chức canh giữ, xử lý trong thời gian cao điểm như: xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân), thị trấn Nghèn (Can Lộc).
Đặc biệt, ở xã Trường Sơn (Đức Thọ), các hộ chăn nuôi đã tổ chức liên kết thành nhóm, luân phiên trông coi, vừa tránh được tình trạng gia súc đi lạc hoặc bị mất cắp, bảo vệ được mùa màng, vừa hạn chế tình trạng trâu bò nghênh ngang trên các tuyến đường bộ, đường sắt, gây mất ATGT.
"Chế tài xử phạt đối với trâu, bò vi phạm còn quá thấp, do đó chưa đủ sức răn đe.” - ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác vẫn chưa có giải pháp quyết liệt nên tình trạng trâu, bò thả rông vẫn tiếp diễn. Qua tìm hiểu được biết, trong quá trình thực hiện, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc phát hiện, bắt nhốt, xử lý trâu bò vi phạm.
“Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do không có địa điểm thu gom tập trung trâu, bò vi phạm; không có người trông coi; không có sẵn thức ăn, nước uống cho trâu, bò trong quá trình nhốt giữ, đó là chưa tính đến những rủi ro có thể xảy ra như dịch bệnh, trâu, bò chết… Đặc biệt, chế tài xử phạt đối với trâu, bò vi phạm còn quá thấp, do đó chưa đủ sức răn đe", ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ chia sẻ.
Để hạn chế đến mức tối đa tình trạng trâu, bò thả rông trên các tuyến đường bộ, đường sắt và khu vực công cộng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cần thành lập các mô hình tự quản giám sát việc thả rông trâu, bò tại các thôn, xóm, khối phố để thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở. Tỉnh cần theo dõi, xử lý chặt chẽ các địa phương để xảy ra TNGT có liên quan đến tình trạng thả rông trâu bò trên đường bộ, đường sắt; đưa nội dung trên vào tiêu chí đánh giá, xếp loại trong công tác đảm bảo trật tự ATGT đối với các địa phương hàng năm.
Hoàng Hằng
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.