Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 24 tháng 10 năm 2020 | 16:20

Hà Tĩnh: "Xả tràn hồ Kẻ Gỗ là hoàn toàn chủ động"

Sáng 24/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo thông tin một số nội dung liên quan đến tình hình thiên tai thời gian qua và công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 8.

Đợt lũ lịch sử 60 năm mới lặp lại
 
Ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh khẳng định, đợt lũ lịch sử từ ngày 18 – 21/10 là đợt lũ lịch sử 60 năm mới lặp lại.
 
tpht0.jpg
TP Hà Tĩnh nhiều điểm ngập sâu
 
Cụ thể Khu vực TP.Hà Tĩnh lượng mưa thời điểm cao nhất là 1.364 mm, đây là lượng mưa cao kỷ lục. Mưa diễn ra trên địa bàn tỉnh suốt 47 tiếng đồng hồ không dứt.
 
Hồ chứa nước Kẻ Gỗ dung tích là 345 triệu m3, cao trình 32,5m. Trong mưa lũ, cốt hồ Kẻ Gỗ giữ mức 30,5m. Vào 7h sáng 15/10, cao trình mực nước trong hồ là 25,8m. Đến 6h ngày 18/10 lên 29,13m. Lưu lượng nước đến hồ lúc 4h sáng 19/10 đỉnh lũ đạt 2.539m3/s, cao hơn đỉnh lũ 2010 lớn hơn rất nhiều.
 
Các thông số về lưu lượng, tần suất, thời gian mưa đều dồn dập và tăng đột biến so với các đợt lũ 6 thập kỷ về trước. Vì lũ lên nhanh và bất thường nên thiệt hại rất nặng nề.
 
Tại cuộc họp, các đơn vị cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi liên quan tới quy trình vận hành hồ Kẻ Gỗ, việc thông báo tình hình mưa lũ cho người dân, mức độ dự báo trước khi lũ lụt ra sao, việc di dời dân, công tác phân bố hàng cứu trợ.
 
hb.jpg
UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức họp báo thông tin một số nội dung liên quan đến tình hình thiên tai thời gian qua và công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 8.

 

Trả lời câu hỏi về quy trình vận hành, xả lũ của hồ Kẻ Gỗ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Nguyễn Bá Đức cho hay: Tổng lượng mưa tại hồ từ 7h ngày 15/10 đến 7h ngày 21/10 là 1.249 mm; tổng lượng nước đến 280 triệu m3; lưu lượng nước đến hồ lớn nhất 2.539 m3/s (đạt lúc 4h ngày 19/10/2020).
 
Diễn biến mực nước hồ Kẻ Gỗ, lúc 7h ngày 15/10 là +25,80m, thấp hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,7m (ngưỡng tràn xả lũ hồ Kẻ Gỗ là 26,5m); lúc 6h ngày 17/10 là +26,62m, cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 0,12m; lúc 6h ngày 18/10 là +29,13m, cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 2,63m (trong vòng 24 giờ mực nước hồ tăng lên 2,51m).
 
Mực nước hồ tại thời điểm mở tràn 13h ngày 18/10 là +30,70m, tương đương dung tích hồ 293,2 triệu m3; mực nước tại thời điểm cao nhất (lúc 11h30 ngày 19/10) trong quá trình xả lũ +33,80m, tương đương dung tích hồ là 384 triệu m3.
 
Như vậy, trong quá trình điều tiết vừa qua, hồ Kẻ Gỗ đã tham gia chậm lũ cho hạ du với dung tích khoảng 200 triệu m3. Hiện tại, bắt đầu từ lúc 21h ngày 23/10/25020 hồ xả với lưu lượng 150 m3/s không ảnh hưởng đến hạ lưu.
 
Hồ xả lũ bắt đầu từ 13h ngày 18/10 với lưu lượng tăng dần từ 50 m3/s lên 200 m3/s và lưu lượng xả lớn nhất 1.060 m3/s (bằng 41,7% lưu lượng đỉnh lũ là 2.539 m3/s) và mức xả này chỉ duy trì trong thời gian 1 giờ (từ 9h đến 10h ngày 19/10) sau đó giảm dần.
 
“Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hạ du hồ Kẻ Gỗ ngập sâu và nhanh đó là: Lượng mưa lớn, liên tục trong thời gian dài ở cả thượng lưu và hạ lưu hồ Kẻ Gỗ. Thứ 2 là mực nước tại huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà đều phụ thuộc vào thủy triều. Mưa dịch ra biển nên lưu lượng nước thoát ra khó. Ngoài ra, việc phát triển kinh tế hạ tầng cũng đã dẫn đến thoát lũ chậm. Hồ Kẻ Gỗ đã phát huy hiệu quả khi cắt lũ 200 triệu m3, nếu không có hồ cắt lũ thì hạ du sẽ còn ngập sâu hơn nữa”, ông Nguyễn Bá Đức nói.
 
“Việc vận hành xả tràn điều tiết lũ hồ Kẻ Gỗ là hoàn toàn chủ động, đúng với thực tế, công khai minh bạch đã góp phần giảm 200 triệu m3 nước cho vùng hạ du” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định.
 
k1.jpg
Nhiều tài sản của người dân thiệt hại nặng nề.
 
 
Về công tác di dời dân vùng hạ du đến nơi an toàn, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thừa nhận, lực lượng, phương tiện “4 tại chỗ” có phần hạn chế. Công tác điều hành có phần lúng túng do lũ lên nhanh, chính quyền địa phương chỉ kịp ưu tiên các hộ trọng điểm ngập sâu nên có một số hộ không kịp tiếp cận để di dời.
 
“Toàn huyện có 4 xã Tượng Sơn, Thạch Thắng, Thạch Đài, Tân Lâm Hương ngập lụt sâu. Nửa đêm ngày 19/10 chúng tôi vẫn đang di dời người dân, thậm chí phải điều tàu cá của ngư dân Thạch Long, Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Lạc lên các xã Tượng Sơn, Thạch Thắng để di dời dân”, ông Sáu cho biết.
 
k9.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Mai Thủy thông tin : Tính tới thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước với tổng số tiền khoảng 40 tỷ đồng (cả hàng và tiền). Với các mặt hàng nhu yếu phẩm, đơn vị chuyển ngay cho các địa phương để trao tới tay người dân; về tiền, đã phân bổ 11 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.
 
Bà Thủy cũng chia sẻ, sau lũ hộ nghèo ở Hà Tĩnh sẽ tăng lên rất nhiều, hộ khá giả có khi cũng tái nghèo nên HàTĩnh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
 
Bây giờ cái người dân cần là hỗ trợ để ổn định sinh kế lâu dài như: giống cây, con phục vụ sản xuất; tiền để sửa chữa nhà cửa; trang thiết bị, đồ dùng trong gia đình, sách vở cho con em đi học...
 
Lũ qua Hà Tĩnh lại chuẩn bị đón bão
 
Mưa lũ những ngày qua ở Hà Tĩnh đã khiến 6 người tử vong và có 42.456 hộ/151.288 người bị ảnh hưởng, nhiều tài sản của Nhân dân tại các xã bị ngập sâu, thiệt hại rất lớn.
 
Cùng với đó, có 132 ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại; 40 trạm y tế, 1 bệnh viện bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng; nhiều hóa chất, thuốc men, trang thiết bị bị thiệt hại, đặc biệt tại BVĐK huyện Cẩm Xuyên.
 
m11.jpg
Hà Tĩnh tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, sáng nay, bão số 8 đang ở trên khu vực  đảo Hoàng Sa, suy giảm 2 cấp, gió còn cấp 10. Dự báo khi đi vào gần bờ suy yếu thành ATNĐ và sức gió chỉ còn khoảng cấp 7.
 
“Lượng mưa trên địa bàn Hà Tĩnh do ảnh hưởng của bão phổ biến từ 50 - 100 mm. Riêng các huyện ven biển phía Nam của tỉnh như Kỳ Anh, thị Xã Kỳ Anh đề phòng gió mạnh, sóng biển lớn; lượng mưa có thể đạt 100 – 150 mm, gây mất an toàn đối với các hồ chứa nhỏ đã đầy nước”, ông Trần Đức Bá cảnh báo.
 
k22.jpg
Tranh thủ trời nắng, tiểu thương Hà Tĩnh phơi hàng hóa sau mưa lũ.
Ông Bá đề nghị, chủ hồ chứa nước triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nhỏ, các hồ chứa xuống cấp nguy cơ mất an toàn cao; chủ động điều tiết các hồ chứa, vừa đảm bảo an toàn cho công trình giảm thiệt hại cho vùng hạ du, vừa đảm bảo tích đủ nước cho sản xuất năm 2021.
 
Thời gian qua, mưa kéo dài trong nhiều ngày, đất đã bão hòa nước nên rất dễ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn, vì vậy các địa phương cần tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất; phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; thông báo đến tận từng hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm để chủ động ứng phó, phòng tránh hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho hay, mực nước sáng 24/10 đã xuống cao trình 30,8 m, tương đương dung tích 297 triệu m3; Công ty đang vận hành xả 150m3/s, dự kiến 22h tối nay cao trình sẽ hạ xuống gần 30,5m.

“Với lượng mưa dự báo ảnh hưởng của bão số 8 từ 50 – 150mm, hồ Kẻ Gỗ sẽ không xả lũ. Trường hợp bão số 9 đổ bộ, gây mưa dưới 500mm, Công ty sẽ điều tiết xả trước để đảm bảo không ngập lũ hạ du; đồng thời, cập nhật thường xuyên lượng mưa để điều tiết lưu lượng xả hợp lý”, ông Tâm nói.

 
Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top