Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 9 năm 2021 | 10:6

“Hạnh phúc” - Hành trình xuyên suốt

Mùa Thu lại về, 76 năm đã trôi qua, quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do cho nhân dân.

Mùa Thu lại về, 76 năm đã trôi qua, quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, đem lại hạnh phúc đến mọi nhà, mọi người, mọi vùng miền, mọi dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam vẫn vẹn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau hiện nay.
 
 
01s.jpgChủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945,khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Ảnh: Tư liệu.
 
 
Giá trị còn mãi
 
Những giá trị về quyền con người do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng trong Tuyên ngôn Độc lập là những giá trị bất hủ. “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, câu mở đầu trong Tuyên ngôn độc lập của Bác ngày 2/9/1945 khẳng định như vậy. Từ đó đến nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. 
 
76 năm qua, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” luôn rọi sáng mọi trái tim, khối óc của người Việt Nam yêu nước trên mọi vùng, miền của Tổ quốc và định cư ở nước ngoài vượt qua khó khăn.
 
Đặc biệt, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên; tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực; Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam dần được cải thiện, đang thuộc nhóm trung bình cao và đứng thứ 118/189 quốc gia (năm 2019); mức sống chung của người dân từng bước được nâng lên...
 
Năm tháng qua đi, nhưng tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong Độc lập, Tự do, Hạnh phúc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.
 
Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam còn thêm “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.
 
Theo bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc (HPI) do Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội New Economics Foundation (NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh công bố mới đây, Việt Nam đã vượt qua Bhutan để trở thành nước có chỉ số hạnh phúc thứ 5 thế giới và số 2 châu Á - Thái Bình Dương.
 
Báo cáo của NEF nêu rõ, chỉ số thịnh vượng của Việt Nam thấp hơn những quốc gia trong top 10 nước hạnh phúc nhất thế giới nhưng nó lại vẫn cao hơn các nền kinh tế như Hồng Kông (Trung Quốc).
 
Thực tế là, trong 76 năm qua, trong hoàn cảnh nào, Đảng ta, Nhà nước ta cũng quan tâm đến quyền và lợi ích của người dân với mong muốn đời sống nhân dân được nâng cao về mọi mặt. Hơn 35 năm đổi mới vừa qua, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia cả về phát triển kinh tế và văn hóa để không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân được triển khai thực hiện.
 
Đó là cả một hành trình dài xuyên suốt của Đảng ta trong 76 năm qua và còn tiếp tục không ngừng.
Trong gần 2 năm qua, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và xâm nhập nước ta với cao điểm đợt dịch thứ tư từ 27/4 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết. Thêm vào đó, với tinh thần đoàn kết, nhân ái, cả cộng đồng đã san sẻ yêu thương, nhường cơm sẻ áo để cùng nhau vượt qua bão dịch. Đó là một biểu hiện của Hạnh phúc Việt Nam.
 
02s.jpg
Đại hội XIII thúc đẩy phát triển giá trị hạnh phúc, nhân quyền, dân chủ.

 

Tỉnh đầu tiên “đo” Chỉ số Hạnh phúc của người dân
 
Tham luận tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 -2025 về “Thực trạng và giải pháp nâng cao sự hài lòng và Chỉ số hạnh phúc (CSHP) của người dân”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Tuấn cho biết: CSHP là cách đo lường giúp đánh giá khách quan mức độ hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau. 
 
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phấn đấu CSHP của người dân tăng 15% so với năm 2020.
 
Bà Hoàng Thị Huyền (phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái) khẳng định: “Chúng ta được sống trong hòa bình, có cơm ăn, áo mặc và bây giờ chúng ta đang hướng tới cuộc sống chất lượng hơn. Vì vậy, khi Đảng bộ tỉnhđưa CSHP vào nghị quyết, tức là tỉnh đã quan tâm đến hạnh phúc của người dân, làm cho nhân dân thêm niềm tin vào chế độ, tin vào sự lãnh đạo của Đảng”. 
 
Theo PGS, TS. Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Mọi hành động, mọi chương trình, mục tiêu đều xuất phát từ nhu cầu của người dân, vì sự hài lòng, hạnh phúc của nhân dân. Đưa CSHP vào Nghị quyết là cách tiếp cận mới của tỉnh Yên Bái. Đây là cách tiếp cận rất sáng tạo với mục tiêu đưa con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Nếu Yên Bái hoặc các tỉnh cứ rập khuôn theo Trung ương thì sẽ máy móc, giáo điều mà không tìm ra hướng đi riêng cho mình, dễ dẫn đến thất bại.
 
Mặt khác, theo đuổi các mục tiêu cao xa mà không tính đến đặc điểm của địa phương, nhiều khi dễ dẫn tới viển vông và không thực tế trong khi nhu cầu về hạnh phúc của nhân dân địa phương lại rất đơn giản như là: sống an toàn trước thiên tai bão lũ, sống được nhờ rừng, ốm đau được chăm sóc”.
 
Hạnh phúc, điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội XIII
 
Không phải lần đầu tiên cụm từ “Hạnh phúc” được nhắc đến trong Văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, trước đó, trong Báo cáo Chính trị của Đảng (2016-2021), Đại hội XII tại cụm từ này được nhắc lại 4 lần. Điểm mới tại Văn kiện Đại hội XIII là đưa nội hàm “Hạnh phúc” cụ thể hơn, đậm tính nhân văn hơn.
 
Một trong những điểm mới thu hút nhiều sự quan tâm là “khát vọng phát triển đất nước”. GS, TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá: “Đây là yếu tố rất mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội sinh, tìm tòi của dân tộc ta. Qua quá trình phòng, chống đại dịch Covid-19, chúng ta càng hiểu rõ không phải cứ thu nhập cao, tốc độ tăng trưởng nhanh là sung sướng, mà quan trọng nhất là cuộc sống bình yên và hạnh phúc”. Hạnh phúc là điểm nhấn trong Văn kiện Đại hội XIII, tính con người, tính nhân văn đậm hơn.
 
Theo một nghiên cứu cấp quốc gia cách đây 2 năm do Viện Hàn lâm khoa học xã hội công bố, lần đầu tiên Hạnh phúc được đo lường thông qua 3 chỉ báo. Đó là sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên; sự hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội; sự hài lòng về bản thân. Mỗi nhóm xã hội có suy nghĩ và sự hài lòng khác nhau về Hạnh phúc. Khi hoạch định đường lối, chính sách phải hướng đến sự hài lòng của số đông.
 
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5, 10 năm tới nhấn mạnh quan điểm: “Mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân”. Hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của mỗi người. Thế nhưng, nền tảng cho hạnh phúc cá nhân là đất nước hòa bình, kinh tế - xã hội phát triển và thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
 
 
 
D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top