Việc các gian thương bơm tạp chất vào tôm tập trung nhiều ở ĐBSCL để tăng trọng lượng không chỉ là hành vi gian lận mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Hiện, hành vi này chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, rất ít vụ bị khởi tố hình sự.
Hàng chục tấn tôm bị bơm tạp chất, chỉ xử phạt hành
Ngày 13/6, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Cà Mau đã lập biên bản và ra quyết định tạm giữ 12.504 kg tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất để tiếp tục điều tra. Trước đó, Phòng Cảnh sát Kinh tế kết hợp cùng các đơn vị có liên quan đã dừng phương tiện và tiến hành kiểm tra chiếc xe container đang vận chuyển số lượng lớn tôm sú được đóng gói thành phẩm có dấu hiệu nghi vấn.
Tại thời điểm kiểm tra, trong xe có chứa 1.768 thùng tôm sú nguyên con, loại 6kg, với tổng trọng lượng 12.504 kg. Tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện số hàng trên có chứa tạp chất Agar (rau câu). Kết quả điều tra ban đầu, số hàng trên là của bà Châu Thị Thùy Trang, ở xã Định Bình (TP Cà Mau, Cà Mau), đang được vận chuyển đi tiêu thụ thì bị phát hiện.
Trước đó, ngày 10/3, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng) kết hợp với lực lượng chức năng phát hiện 8 đối tượng đang dùng ống chích bơm tạp chất vào tôm sú tại phòng trọ số 6 nhà trọ số 174/33 đường 30-4, khóm 2, phường 3.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ trên 100 kg tôm, 1 máy nén hơi, 50 lít tạp chất đã pha chế cùng một số tang vật khác có liên quan. Được biết, phòng trọ này do Đặng Ngọc Minh Châu, ở xã Tân Thạnh (huyện Long Phú) là người thuê và đã thuê các đối tượng để bơm tạp chất vào tôm sú. Số tôm này bơm xong sẽ được vận chuyển xuống Bạc Liêu tiêu thụ.
Gần đây nhất, ngày 7/4, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi con tôm sau khi bơm tạp chất tăng trọng lượng 10 -15%. Vì thế, cứ 10kg tôm được bơm tạp chất bán ra thị trường cũng đồng nghĩa có 1 - 1,5kg tạp chất trong đó.
Theo ông Nguyễn Bình Minh. Đội trưởng đội hành chính tổ chức Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, trung bình mỗi tháng có hàng tấn tôm bơm tạp chất của cơ sở này được đưa ra thị trường, cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận. Lực lượng chức năng đã làm rõ nhà hàng, cơ sở ở Hà Nội đã tiêu thụ tôm bơm tạp chất từ cơ sở này.
Những năm gần đây lực lượng chức năng phát hiện, bắt, xử lý nhiều vụ các đối tượng bơm tạp chất vào tôm. Các vụ việc xảy ra nhiều nhất ở ĐBSCL. Điều đáng nói, gần như các vụ việc này chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính, rất ít, nếu không nói là chưa có vụ nào bị khởi tố hình sự. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc chưa xử lý triệt để các vụ bơm tạp chất vào tôm.
Nguy hại từ tôm bơm tạp chất, phải đánh từ gốc
Tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu cũng như sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất tại các tỉnh ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung vẫn tồn tại dai dẳng.
Theo TS Trần Thị Dung, Chuyên gia về công nghệ chế biến và bảo quản thủy sản, thông thường các cơ sở này sẽ dùng bột rau câu để bơm vào tôm giúp tăng trọng lượng và kích thước từ đó trục lợi từ túi tiền người tiêu dùng. Điều đáng nói, khi tôm có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt là các vi khuẩn gây bệnh thổ tả, thương hàn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, nếu nguồn nước sử dụng để hòa tan tạp chất không đảm bảo vệ sinh thì tỷ lệ vi khuẩn sẽ càng tăng cao.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), việc bơm tạp chất vào tôm trước hết phải nói đến là hành vi gian lận thương mại. Loại tạp chất thường được sử dụng để bơm vào tôm giúp tôm thêm cân nặng chính là bột agar hay còn gọi là bột rau câu.
Hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân thì nhất thiết phải lên án. Việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài cũng có thể gây nguy hại đường tiêu hóa, nhẹ thì ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn có thể tích tụ chất độc, chất bẩn trong người gây bệnh mãn tính.
Theo ông Võ Hồng Ngoãn (TP Bạc Liêu), người dân không bao giờ biến con tôm sạch mình làm ra thành tôm bẩn. Nếu người nuôi tôm bơm tạp chất vào tôm, thương lái sẽ phát hiện ngay và không bao giờ thu mua loại tôm này. Hành vi bẩn trên chủ yếu do bộ phận tư thương và doanh nghiệp thực hiện.
Vì lợi nhuận, có cầu mới có cung, muốn chặn đứng phải đánh từ gốc. Không có doanh nghiệp tiêu thụ tôm tạp chất thì tôm tạp chất bán đi đâu?. Quản lý được từ gốc tự nhiên vấn nạn trên sẽ chấm dứt, ông Ngoãn cho biết.
Theo một lãnh đạo Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu, bơm tạp chất vào tôm là hành vi gian lận thương mại. Đường đi của tôm tạp chất chủ yếu được xuất qua Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Thậm chí bộ phận thương lái Trung Quốc qua nước ta đặt hàng bơm tạp chất để mang về. Từ đó, vấn nạn trên mới nhức nhối như hiện nay.
Các địa phương chỉ quản lý được phần ngọn, có mạnh tay tới đâu cũng chỉ bắt được 1-2 vụ là bị đánh động. Sau đó, lắng xuống và đâu lại vào đó. Bất kỳ ở vùng nào đều có các trung tâm kiểm định chất lượng. Vậy, tại sao tôm tạp chất vẫn tồn tại được? Tôm nhiễm tạp chất không được cấp phép thì làm sao lọt qua hàng loạt chặng đường để đi ra nước ngoài được, vị này đặt vấn đề.
Nhận biết tôm bị bơm tạp chất
Để tránh mua phải tôm bị bơm tạp chất, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM đã chỉ ra các cách nhận biết.
Quan sát bên ngoài
Quan sát tổng quát toàn thân cho đến chi tiết từng bộ phận bên ngoài của tôm theo trình tự từ đầu đến đuôi, chú ý quan sát phần đầu, thân và đuôi tôm.
Phần đầu tôm: Tôm đã bị bơm tạp chất thường có phần đầu bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân. Nắp mang phồng, ngậm nước.
Phần thân: Tôm có tạp chất có phần vỏ bụng đốt một hoặc đốt 3 (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy.
Đốt thứ 3 bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên.
Phần đuôi: Dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất tại phần đuôi tương đối dễ nhận biết, đó là gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe.
Quan sát khi bóc tôm
Bóc vỏ đầu ức: Cầm tôm dốc đầu xuống dưới, dùng tay bóc vỏ đầu ức tôm để lộ ra phần thịt đầu. Dùng mũi dao nhọn khéo léo lật và gạt khối gạch (gan tụy) lên để lộ xoang đầu ức. Quan sát tình trạng xoang đầu ức có đọng chất dịch khả nghi hay không. Nếu là tôm tự nhiên sẽ không có dịch.
Bóc vỏ thân tôm: Sau khi bóc vỏ thân tôm, cần chú ý quan sát vẻ bề ngoài của thân tôm, đặc biệt ở các đốt thịt thứ 3, 4 và 6 xem có biểu hiện của sự phù nề các đốt cơ hay không. Ở những thân tôm bị bơm tạp chất, có thể thấy rõ các đốt cơ bị phù nề không tự nhiên. Đối với tôm bị bơm nhiều tạp chất, dùng kim châm vào vị trí bụng hay lưng đốt cơ bị phù nề và lấy tay nặn có thể thấy tạp chất đùn ra.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và chống lại các hành vi gian lận thương mại, người tiêu dùng nên áp dụng các mẹo nhận biết tôm chứa tạp chất.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.