Làm rõ nguyên nhân cá chết không đồng nghĩa với kết thúc sự việc, mà trái lại, công cuộc tái thiết, xây dựng và bảo vệ vùng biển của 4 tỉnh miền Trung mới thực sự bắt đầu. Việc này phải trường kỳ với khối lượng công việc khá lớn, cần sự chung tay của Chính phủ, các bộ ngành cũng như các địa phương bị thiệt hại sau “sự cố” môi trường biển do Formosa gây ra.
Bộ NN&PTNT đề xuất chuyển đổi nghề cho ngư dân sau sự cố cá chết. Ảnh: Hòa Đức
Hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân
Ngay trong phát biểu mở đầu phiên họp trực tuyến Chính phủ đầu tháng 7 vừa qua với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến việc cá chết ở các tỉnh miền Trung. Với số tiền 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) mà Formosa bồi thường, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT dự thảo chủ trương chính sách để cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài nguyên – Môi trường giải quyết, sử dụng cho các mục đích khác nhau. Trước hết là việc hỗ trợ lâu dài về sinh kế cho ngư dân.
Thủ tướng lưu ý chú trọng hỗ trợ theo hướng đầu tư cho chương trình đánh bắt xa bờ để mang lại hiệu quả dài lâu, bền vững và gợi ý dùng khoản tiền này để giúp hạ lãi suất cho vay với người dân đầu tư tàu đánh bắt xa bờ chỉ còn 1-1,5%.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tính toán phần để hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị thiệt hại qua sự cố. “Chúng ta đấu tranh đầy cơ sở, chứng lý đầy đủ, thuyết phục mới đạt được kết quả này. Vì thế, hỗ trợ cho ngư dân bao nhiêu, hỗ trợ đánh bắt xa bờ mức nào, cho quỹ bảo vệ môi trường bao nhiêu... sẽ được công bố cụ thể, minh bạch nhằm sử dụng hiệu quả số tiền đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ giao Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng chỉ đạo để cuối tháng 7 xây dựng được phương án. Ông lưu ý thêm, yêu cầu quan trọng nhất sau việc này là Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa.
Trước tất cả các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng khẳng định quan điểm phát triển kinh tế phải đi liền với bảo vệ môi trường, không vì kinh tế mà bỏ qua môi trường.
Ba đề xuất của Bộ Nông nghiệp và PTNT
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách chuyển đổi nghề, khôi phục môi trường và tạo việc làm cho ngư dân. Mục tiêu là làm sao để họ có đời sống ổn định trước mắt cũng như lâu dài.
“Bộ đang hoàn tất các văn bản và xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Trong tuần tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng để ban hành chính sách này. Hy vọng, chính sách chuyển đổi nghề cũng như giải quyết cho ngư dân giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống sẽ đáp ứng được mong đợi của bà con 4 tỉnh Bắc Trung Bộ”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Theo đó, đề xuất cụ thể của Bộ Nông nghiệp và PTNT có một số hướng như sau:
Thứ nhất, Trung ương và địa phương tạo điều kiện cho ngư dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đánh bắt vùng lộng và vùng ven bờ. Tức là đối với tàu công suất dưới 90CV sẽ được hưởng chính sách như trong Nghị định 67 và Nghị định 89 (bổ sung Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản bền vững), để ngư dân đóng tàu khai thác vùng xa bờ.
Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để có chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Nếu ngư dân không đi khai thác thì sẽ lên bờ làm những việc phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập. Trong đó, Bộ đề xuất cố gắng mỗi hộ gia đình có được một người đi xuất khẩu lao động. Đây là một hướng giúp cho những gia đình này có điều kiện để ổn định cuộc sống tốt hơn.
Thứ ba, tới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đề xuất dự án khôi phục, tái tạo các rạn san hô cũng như các hệ sinh thái. Dự án này cần một lực lượng lao động rất lớn, cũng sẽ đề xuất đưa các lao động của các hộ gia đình này tham gia.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, dự thảo sẽ còn thay đổi tùy theo tình hình thực tế và ý kiến từ các bộ, ngành. Bộ đang nỗ lực hoàn thiện bản dự thảo để trình Thủ tướng xem xét, ký quyết định ban hành.
Hà Tĩnh lập hội đồng đánh giá thiệt hại
Thực hiện Quyết định số 183-QĐ/TU ngày 27/6/2016 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh về việc thành lập các Tổ giúp việc Ban chỉ đạo phục hồi phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và đảm bảo ANTT sau sự cố môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra.
Hội đồng đánh giá dựa trên những ảnh hưởng và thiệt hại về kinh tế, do chất thải độc từ nhà máy Formosa Hà Tĩnh gây ra, để xây dựng đề cương, phân công nhiệm vụ, thành lập tổ giúp việc, chỉ đạo thành lập các hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện; từ đó đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, hội đồng cũng sẽ đề xuất giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương, sau đó tổng hợp báo cáo lên UBND tỉnh và Chính phủ.
Việc đánh giá thiệt hại của Hội đồng phải đảm bảo chính xác, công bằng, công khai, minh bạch theo đúng quy định.
P.V
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.