Câu chuyện về Công ty Địa ốc Hoàng Quân bỗng dưng được hâm nóng trở lại trong thời gian gần đây sau khi bị nghi ngờ trục lợi gói 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo của doanh nghiệp này đã bác bỏ những nghi vấn này và trên thực tế khó có thể quy kết cho Hoàng Quân “tội trạng” này. Dù vậy, đằng sau câu chuyện này khiến không ít người nghi ngại về tình hình tài chính của công ty, cũng như tính bất khả thi của những kế hoạch hoành tráng mà doanh nghiệp này đã công bố.
Rủi ro từ việc cho khách hàng vay
Mới đây một số bài báo phản ánh việc môi giới của Hoàng Quân tư vấn cho khách hàng mua nhà dự án HQC Plaza rằng nếu không vay được gói lãi suất ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ (lãi suất 5% ổn định 15 năm) thì có thể vay của doanh nghiệp với lãi suất 6% trong vòng 10 năm đầu và 12% trong 5 năm tiếp theo. Bài báo này còn trích dẫn theo lời của nhân viên môi giới là nguồn tiền để Hoàng Quân cho vay là từ gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất cố định 5%/năm. Điều này dấy lên nghi ngờ về việc Hoàng Quân có thể trục lợi từ gói 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trả lời với báo chí ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân, khẳng định: "Chúng tôi tuân thủ mọi quy định của pháp luật về nhà ở xã hội và không có chuyện trục lợi gói 30.000 tỷ đồng ở đây. Quy trình bán nhà ở xã hội rất nghiêm ngặt, có kiểm toán nhiều cấp, không phải muốn trục lợi là được".
Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza.
Trên thực tế việc trục lợi từ gói 30.000 tỷ là không hề dễ dàng vì thời hạn cho doanh nghiệp vay gói 30.000 tỷ cũng chỉ trong vòng 5 năm, trong khi đó Hoàng Quân hứa cho khách hàng vay đến 15 năm. Hơn nữa, mức chênh lệch lãi suất 1% chắc chắn cũng không thể bù đắp được những rủi ro, chi phí khi Hoàng Quân cho khách hàng vay vốn.
Như vậy, nhiều khả năng lời hứa của Hoàng Quân chỉ nhằm mục đích bán hàng thật nhanh để có dòng tiền phục vụ việc xây dựng dự án. Trên thực tế việc bán hàng tại dự án HQC Plaza cũng khá thành công dù giá cũng không phải là thấp và vị trí của dự án không thực sự thuận tiện. Theo thông tin từ chủ đầu tư hiện dự án HQC Plaza đã bán gần 1.400 căn, bao gồm 77 căn giữ chỗ, 300 căn đặt cọc, số còn lại gần 1.000 khách hàng ký hợp đồng mua bán.
Nếu thực sự cho khách hàng vay thì Hoàng Quân có thể đối mặt với rất nhiều rủi ro về mặt tài chính. Ông Tuấn cũng bộc bạch "Chúng tôi không có chủ đích hướng khách hàng chuyển từ việc vay gói 30.000 tỷ đồng sang vay của doanh nghiệp. Trường hợp cho vay, doanh nghiệp dùng vốn tự có của mình chứ không tơ vương một đồng nào từ gói 30.000 tỷ đồng". Cũng theo ông Tuấn thì hiện tại doanh nghiệp đang dư nợ vài trăm tỷ đồng với lãi suất 10-12% một năm nên không có chuyện mong muốn cho vay ưu đãi mà chỉ là giải pháp hỗ trợ khách hàng.
Trên báo cáo tài chính của Hoàng Quân tính đến cuối năm 2014 thì khoản phải thu khác lên đến 325 tỷ đồng. Trong đó đặc biệt đáng chú ý là có đến 111 tỷ đồng lãi phải thu, tăng 71 tỷ đồng so với cuối năm 2013. Ngoài ra, trong đó còn có 114 tỷ đồng khoản cho tổ chức và cá nhân mượn. Rủi ro từ những khoản phải thu này lớn tới mức Hoàng Quân đã phải trích lập dự phòng 34 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh khó khả thi
Năm 2014, Hoàng Quân thực hiện một đợt tăng vốn ngoạn mục. Cụ thể, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 900 tỷ đồng lên đến 1.700 tỷ đồng. Trong đó có 300 tỷ đồng là phát hành cổ phiếu cho chủ nợ. Vào quý 1 năm 2015, Công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ 300 tỷ đồng lên thành 2.000 tỷ đồng. Với số vốn này thì đòn bẩy tài chính của Hoàng Quân đã giảm đáng kể và cũng làm giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp. Hoàng Quân cũng đã trở thành một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất tên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, một điểm đáng nói là kế hoạch kinh doanh của Hoàng Quân lúc nào cũng “hoành tráng” nhưng kết quả thì là điều hoàn toàn ngược lại. Suốt nhiều năm liền Hoàng Quân không đạt được kế hoạch đề ra. Chẳng hạn năm 2012, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần là 900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 88 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt được lần lượt là 198 tỷ đồng và 13 tỷ đồng. Tượng tự năm 2013 và 2014 Công ty cũng chỉ đạt được một phần nhỏ so với kế hoạch.
Trong những năm gần đây, Hoàng Quân gặp rất nhiều khó khăn khi nhiều dự án của Công ty không thể triển khai được. Việc đầu tư dàn trải và sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao khiến cho công ty gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề cân đối tài chính. Cổ phiếu HQC của Hoàng Quân từ mức đỉnh điểm gần 50.000 đồng vào tháng 11 năm 2011 đã rơi không phành và xuống thấp nhất chỉ còn mức 3.400 đồng vào tháng 5 năm 2012. HQC được xem là một trong những cổ phiếu tệ nhất trên sàn vào thời điểm đó.
Để khắc phục tình trang khó khăn về mặt tài chính Hoàng Quân đã phải thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ và không ngừng tăng vốn. Vốn điều lệ của Công ty từ mức 400 tỷ đồng năm 2011 đã tăng lên 600 tỷ đồng năm 2012, 900 tỷ đồng năm 2013, 1.700 tỷ đông năm 2014 và 2.000 tỷ đồng vào cuối quý 1/2015. Nhờ việc tăng vốn này sức khỏe tài chính của Hoàng Quân đã được cải thiện phần nào. Về phía dự án HQC Plaza từ một dự án chưng cư thương mại với 1060 căn hộ đã chuyển sang dự án nhà ở xã hội với 1.735 căn hộ. Việc chuyển đổi này nhằm giúp Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, bất chấp khó khăn trong quá khứ, ban lãnh đạo của HQC vẫn luôn lạc quan một cách “khó hiểu”. Không biết do năng lực dự báo kém hay một lý do nào đó mà kế hoạch kinh doanh của HQC luôn rất “hoành tráng” nhưng khi thực hiện chỉ đạt được một phần nhỏ. Theo báo cáo thường niên năm 2015 tiếp tục đưa ra kế hoạch đầy tham vọng cho những năm tới nhưng rất có thể là bất khả thi.
Cụ thể theo Báo cáo thường niên năm 2014, công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2015 lên đến 3.225 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên đến 320 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận này đều tăng gấp hơn 10 lần so với thực hiện năm 2014. Những năm tiếp theo cũng là những con số “siêu khủng” như doanh thu lợi nhuận sau thuế năm 2016 lần lượt là 4.000 và 397 tỷ đồng, năm 2017 lần lượt là 6.000 và 702 tỷ đồng.
Nếu hoàn thành những kế hoạch này thì ắt hẳn Hoàng Quân sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp hiệu quả nhất trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, có lẽ nhà đầu tư cũng chẳng mấy tin tưởng vào những con số này. Điều này phản ánh rõ ràng qua cổ phiếu HQC hiện tại đang được giao dịch 6.400 đồng/CP, bằng 72% so với giá trị sổ sách.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.