Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 3 năm 2016 | 8:10

Hội Phụ nữ, một “bờ vai” yêu thương

Có dịp trò chuyện với những phụ nữ ở Thường Tín (Hà Nội), dù ở lĩnh vực nào, kinh doanh, buôn bán nhỏ hay lao động sản xuất…, chúng tôi đều thấy nhiều người phải bươn chải một mình để kiếm sống, thiếu một bờ vai yêu thương làm điểm tựa trong công việc, cũng như giữ ngọn lửa cho tổ ấm gia đình.

Thấm chữ “nhẫn”

Chị Thơm (áo sọc trắng) và công nhân trong xưởng may gia đình.

Đến Hội Phụ nữ xã Tân Minh một chiều muộn theo lịch hẹn, chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội, đã chờ chúng tôi ở đó. Trên đường dẫn tôi đi thăm nhà hội viên, tôi đã hỏi chị về cuộc sống gia đình.

Sinh ra trong gia đình công giáo, đầu những năm 1980, chị thi đỗ ngành y, nhưng vì gia đình nghèo khó nên chị bỏ học, rồi kết hôn với chồng cũng là  người công giáo. Là nông dân nhưng chị thích các hoạt động xã hội, nhờ năng nổ, chị được giới thiệu học lớp cảm tình Đảng.

Gần 20 năm trước, đây là việc “động trời” đối với gia đình và họ hàng. Vì vậy, chị phải đi học bằng cách: dậy từ 4 giờ sáng, chở 2 sọt rau đi chợ, bán hết rau, gửi sọt cho bạn bè xong cũng vừa lúc vào lớp học, tan học lại trở về như đã xong buổi chợ. Biết việc này, nhà chồng phản đối kịch liệt. Có một điều rất không may cho chị nữa là, vừa kết nạp Đảng xong (1997), con gái thứ 2 của chị chừng 7- 8 tuổi, không may bị chết đuối ở ao nhà thờ. Nhân đà này, nhà chồng cho rằng, vì chị làm công tác phụ nữ, hay đi vận động chị em không sinh con thứ 3, nên ông Trời mới lấy đi cô bé.

Đau khổ, cay đắng, gia đình lục đục, chồng suốt ngày chìm đắm trong rượu chè. Điều khiến chị không thể quên được là năm chị tròn 1 tuổi Đảng (1998), vào một đêm đông giá rét, do say xỉn, anh đã quẳng chị xuống ao. Nhiều năm sau đó, mỗi khi chồng say, chị Huệ phải lánh sang nhà thờ, chờ đến nửa đêm hoặc gần sáng, khi trong nhà yên ắng mới lầm lũi trở về.

Chưa hết, kế sinh nhai của gia đình 4 miệng ăn cũng nằm cả trên đôi vai của chị. Chị nói vui với chúng tôi, không hiểu sao trong công việc làm ăn hàng ngày, chị cũng chọn phải một việc nặng nhọc là đi buôn lợn giống.

“Song, nỗi khổ tâm nhất của mình không phải là sự cực nhọc, mà là nỗi đau tinh thần, làm sao để duy trì cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”, trọn vẹn hạnh phúc gia đình bé nhỏ của mình và cả 2 bên nội, ngoại là điều khiến mình day dứt. Theo tháng năm, nỗi khổ đau cứ thế gặm nhấm mình. Nhiều khi không “trụ” nổi, mình đã định chia tay anh. Nhưng rồi con cái, nhất là luật lệ của nhà thờ công giáo: không được ly hôn, nên mình đã thấm chữ “nhẫn”, chị Huệ trả lời chúng tôi trong nước mắt nhạt nhòa.

Giờ đây, điều làm chị vui hơn cả là nhờ sự chăm chỉ, nhẫn nại, toàn tâm toàn ý với chồng con, nhất là những năm tháng khó khăn, gian khổ, bằng tình thương chị đã cảm hóa được chồng. Hiện, con trai lớn của anh chị đã lập gia đình, sau khi con gái mất, chị sinh thêm cháu trai thứ 2, đang học lớp 11.

Những sẻ chia ngọt ngào

Sau khi nghe xong câu chuyện của chị Huệ, cũng vừa lúc chúng tôi đến nhà một gương mặt thân quen khác ở Thường Tín, đó là chị Nguyễn Ngọc Mai, xã Nguyễn Trãi.

 Sinh ra trong một gia đình nghèo, làm đủ nghề để kiếm sống, nhờ làm ăn khấm khá và trên hết là sự chia sẻ, tình thương yêu, đã nhiều năm nay, chị cùng Hội Chữ thập đỏ huyện, TP.Hà Nội và cả Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao nhiều suất quà, hỗ trợ tiền, vật chất cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, không những ở Thường Tín mà còn ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2014 - 2015), chị đã cùng các đơn vị nói trên tổ chức được 7 chuyến từ thiện, đến các địa chỉ như: Trại trẻ mồ côi Ba Vì; 650 bệnh nhân phong ở Thái Bình... với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng.

Một tin vui nữa là, nhân 8/3/2016, chị Mai trao đổi với Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Minh về việc  sẽ có kế hoạch cho những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay vốn không lấy lãi, để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống gia đình. 

Không riêng ở Tân Minh, chị em xã Thư Phú cũng có nhiều tấm gương sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế gia đình. Chị Đặng Thị Thơm, thôn Vĩnh Lộc, cho biết, lúc đầu chị chỉ là thợ may gia công, sau đó, chị nhận hàng về nhà làm, sản phẩm là các loại áo quần bảo hộ, đồng phục cho các đơn vị trên địa bàn Hà Nội. Năm 2007, chị thành lập xưởng may tại nhà và đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Hiện, cơ sở của chị đã có 20 công nhân với mức lương 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chị có ý định thành lập quỹ (khoảng 20 triệu đồng) để cho 20 chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn luân chuyển nhau vay làm ăn, không lấy lãi.

Cùng ở thôn Vĩnh Lộc, chị Nguyễn Thị Én, có chồng là cựu chiến binh chống Mỹ, đã mất cách đây 11 năm vì di chứng chất độc da cam. Chị Én một mình nuôi 3 con ăn học. Khi các con trưởng thành, chị thành lập Công ty TNHH Giang Anh, cùng các con quản lý. Lúc đầu, công ty chỉ có 6 công nhân, sau tăng lên 30 công nhân. Ngoài ra, chị Én còn là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp chị em cụm 3 phát triển kinh tế gia đình, chăn nuôi, mở rộng trang trại; làm nhà lưới trồng rau an toàn.   

Hội Phụ nữ, một “bờ vai” vững chãi

Nhiều chị em phụ nữ, dù công tác ở lĩnh vực nào, giàu sang hay nghèo khó, đều đồng tình với chúng tôi: phụ nữ rất cần một “bờ vai” vững chãi làm điểm tựa.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thường Tín, bà Trần Hồng Hạnh, cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đều có  nhiều chương trình thiết thực, bổ ích, giúp đỡ chị em. Nhất  là những phụ nữ có hoàn cảnh éo le, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2015, đã hỗ trợ xây và sửa 3 mái ấm tình thương (trị giá 60 triệu đồng) cho cán bộ, hội viên; tặng 125 sổ tiết kiệm và học bổng (62,5 triệu đồng) cho phụ nữ, học sinh nghèo vượt khó. Tiếp tục thực hiện mô hình nuôi lợn nhựa tiết kiệm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình và tích cực hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Theo đó, đã có 206 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng tiếp nhận, hỗ trợ được 8 phụ nữ bị bạo lực gia đình; tư vấn cho 29 phụ nữ về Luật Hôn nhân và Gia đình”. Ngoài ra, còn thực hiện tốt đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; Xây dựng mới 29 chi hội văn minh trong việc cưới, việc tang. 

Cũng theo bà Hạnh, Hội còn phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực như: “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Cụ thể hóa 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” với thực hiện chuẩn mực “Trung hậu, sáng tạo, đảm đang, thanh lịch” của phụ nữ Thủ đô. Biểu dương 10 tập thể và 35 cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực 3 đảm đang. Xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch”; tổ chức hội thi nấu ăn với chủ đề: “Gia đình điểm 10”, thu hút 100 gia đình tham dự. Với những thành tích đã đạt được và các phong trào sôi nổi trong thời gian qua, hy vọng, Hội Phụ nữ Thường Tín luôn là “bờ vai” thân thương trong lòng “một nửa thế giới”.                        

       Dương An Như

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top