Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 11 năm 2020 | 15:8

Hội thảo thường niên cổ phiếu BĐS lần 4: “Chiến lược đầu tư thời Covid-19”

Sáng ngày 18/11, tại TP. HCM đã diễn ra Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản lần thứ 4 với chủ đề: “Chiến lược đầu tư thời Covid – 19” đã thu hút được nhiều sự quan tâm.

Hội thảo thường niên cổ phiếu bất động sản là hoạt động thường niên nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và người hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, chứng khoán.
 
Trong bối cảnh xảy ra nhiều biến động của thị trường kinh tế thế với và đại dịch Covid-19 hoành hành, thị trường bất động sản sẽ diễn biến ra sao? Các doanh nghiệp đã và đang có những thay đổi chiến lược gì, như thế nào để thích ứng? Các nhà đầu tư cần phải làm gì để gặt hái được thành công?... là những câu hỏi đang được nhiều người quan tâm.
 
Giá trị vốn hoá cổ phiếu bất động sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng
 
Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa kỷ niệm 20 năm thành lập. Thị trường đến nay đã không ngừng phát triển về quy mô và chất lượng, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Theo ông Năng, cơ cấu của thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm: Thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh. Trong đó, thị trường cổ phiếu hiện có trên 744 doanh nghiệp niêm yết và 905 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với giá trị vốn hóa gần 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương 71% GDP, tăng hơn 3 lần trong vòng 5 năm qua và đã vượt kế hoạch của Chính phủ đề ra là 70% vào năm 2020.
 
z2183247690037_b3855c0d60fa996b57a6ec4ce7deb603.jpg
Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng - Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi hội thảo

Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 là thách thức chung với nền kinh tế và thị trường bất động sản. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đang đối diện với khó khăn khi các dự án vẫn đang bị tắc nghẽn khiến nguồn cung bị sụt giảm, thị trường trầm lắng do tâm lý e dè của các nhà đầu tư… Những khó khăn của thị trường đã phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 giảm 26%, lợi nhuận giảm 13% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải đối diện khó khăn trong việc huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu khi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.
 
Ngoài ra, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, tâm lý thận trọng của người mua tăng lên, cộng với việc thiếu hụt nguồn cung khiến thị trường chững lại, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường bất động sản đã rục rịch trở lại với các hoạt động mở bán.
 
“Tuy nhiên, đây là nhóm cổ phiếu có sự phân hóa mạnh mẽ với nhiều cổ phiếu tăng mạnh nhưng cũng có nhiều cổ phiếu đã giảm sâu trong thời gian qua. Vì thế, các nhà đầu tư cần sàng lọc, đãi cát tìm vàng, lựa chọn những cổ phiếu tốt để đầu tư”, ông Lê Nhị Năng nhấn mạnh.
 
“Thời điểm vàng” để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng
 
Trong 10 tháng đầu năm 2020, thị trường bất động sản bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây. Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.
 
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản trong 5 năm qua có rất nhiều biến động, trong giai đoạn 2016-2017, thị trường bất động sản phát triển rất tích cực, cả về quy mô thị trường, số lượng dự án, sản phẩm nhà ở và giao dịch. Bước sang giai đoạn 2018-2020, thị trường bất động sản bị sụt giảm rất lớn cả về quy mô, về số lượng dự án, số lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường và số lượng giao dịch.
 
Theo thống kê, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác; ngân sách nhà nước bị giảm mạnh nguồn thu từ bất động sản kể từ năm 2018 đến nay.
 
Mặc dù bị tác động bởi đại dịch nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” ở mức cao; giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê; giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản. Trong khi đó, đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm giảm khả năng tạo lập nhà ở.
 
z2183331150190_1789b1e4000a8f2d5a972ce37f42e9aa.jpg
ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) phát biểu tại buổi hội thảo.

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và gỡ vướng về phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 sau khi nhà đầu tư đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP.

Đồng thời, cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở được khởi công xây dựng các công trình, đồng thời tiến hành thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án; đẩy nhanh quy trình, thủ tục xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận (sổ hồng) cho người mua nhà dự án nhà ở thương mại.
 
Ông Lê Hoàng Châu vẫn lạc quan dự báo, từ nay đến Tết Âm lịch Tân Sửu (cũng là thời điểm vàng) và cả năm 2021, thị trường bất động sản cả nước và TP.Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.
 
 
Tấn Thành
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top